Cách thức sử dụng bình chữa cháy
Những ngày qua, người dân cả nước đang rất quan tâm đến việc Bộ Công an ban hành Thông tư 57 quy định, ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít.
Đi kèm với đó là mức phạt tiền đối với các vi phạm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Liên quan đến vấn đề được người dân quan tâm trên, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ vật Lý Nguyễn Văn Khải nhằm cung cấp cho bạn đọc những điều cần thiết đối với việc sử dụng bình cứu hỏa.
Trả lời câu hỏi của PV về quy định này, ông Khải cho biết, việc Bộ Công an ban hành quy định trên xe phải có bình chữa cháy là đúng và cần thiết.
Tuy nhiên, ông Khải cũng đưa ra một số lưu ý trong việc áp dụng quy định trên và một số cách thức sử dụng bình chữa cháy.
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải.
Theo ông Khải: “Cùng với việc ban hành thông tư, quy định ô tô phải trang bị một bình chữa cháy, cơ quan chức năng phải thông báo cho người dân biết những nơi nào bán sản phẩm trên đủ tiêu chuẩn và chất lượng.
Vì trong một thời gian ngắn, người dân ồ ạt đi mua cùng một sản phẩm sẽ dẫn đến việc sản phẩm đó bị đội giá lên rất nhiều. Không chỉ thế, có nhiều nơi, nhiều cửa hàng sẽ bán những sản phẩm không đủ chất lượng, tiêu chuẩn.
Nếu người dân không biết phải mua ở đâu cho uy tín và chất lượng sẽ gây ra việc lãng phí thời gian, công sức và nhiều người sẽ mua theo kiểu chống đối, mua cho có”.
Bình chữa cháy CO2 (Ảnh: thietbichuachay)
Ngoài ra, ông Khải cũng đưa ra một số lưu ý về việc sử dụng bình chữa cháy cho đúng cách: “Không phải người dân nào cũng biết sử dụng bình chữa cháy một cách đúng cách và có rất nhiều người chưa sử dụng đến loại bình này bao giờ.
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng nên có những lớp hoặc học phổ biến cho người dân sử dụng bình chữa cháy nhưng thế nào cho đúng cách và đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng.
Bình chữa cháy có hai loại, một là dạng bột hai là CO2. Đối với loại bình bột, để đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng, người dân phải lắc đều bình 4 – 5 lần.
Sau khi lắc bình, phải rút chốt an toàn, tay trái cầm vòi phun hướng về đám cháy, tay phải bóp cò, phun bột vào nơi phát ra ngọn lửa trên xe.
Đối với loại bình CO2, khi sử dụng, một tay cầm loa phun nơi phát ra ngọn lửa trên xe, tay kia mở khóa van bình khoảng và miệng loa càng gần ngọn lửa càng tốt”.
Bình chữa cháy dạng bột (Ảnh: thietbichuachay).
Rất khó có thể nổ
Còn về thông tin được người dân hết sức quan tâm đó chính là việc khi bình chữa cháy để ở trong xe có nhiệt độ cao sẽ gây ra nổ rất nguy hiểm, ông Khải cho hay:
“Bình chữa cháy đúng tiêu chuẩn chất lượng có một số bộ phận được làm bằng hợp chất, khi đạt đến nhiệt độ khoảng 68oC, một số bộ phận vỏ bình sẽ tự bị vỡ hoặc thủng để các chất chứa bên trong bình thoát ra ngoài.
Chính vì thế, việc bình chữa cháy để ở trong xe ô tô có khi có nhiệt độ cao bị nổ là cực kì khó”.
Cấu tạo của bình chữa cháy CO2 (Ảnh: thietbichuachay)
Tiếp tục câu hỏi của PV về việc khi xe ô tô xảy ra cháy ở những điểm gần với bình xăng và những điểm dễ phát nổ nếu đứng gần để dùng bình chữa cháy không may xảy ra nổ sẽ rất nguy hiểm, ông Khải cho biết:
“Khi xảy ra cháy, trước hết, những người trên xe phải cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt và xác định được điểm phát ra ngọn lửa.
Nếu đám cháy nhỏ, có thể dập được, mọi người có thể chữa cháy còn nếu đám cháy lớn, vượt ngoài khả năng của bản thân thì chạy càng xa càng tốt.
Khi đã có bình chữa cháy trên xe thì những xe ô tô lưu thông qua khu vực có xe bị cháy phải cầm bình chữa cháy xuống giúp mọi người dập lửa nếu đám cháy nhỏ, trong tầm kiểm soát”.
Cũng theo lời ông Khải, đối với bình chữa cháy, càng để gần chỗ với lái xe càng tốt vì khi xảy ra cháy có thể nhanh chóng sử dụng và không mất thời gian tìm.