Luôn sẵn sàng giúp đỡ em Trang đi Nhật
Bức tâm thư của Phan Thị Trang (SN 1988, con gái của liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988) gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để trình bày nguyện vọng muốn có công việc ổn định nhận được quan tâm của dư luận.
Sau khi có công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trang đã được tỉnh Nghệ An đồng ý đặc cách tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu.
Xúc động trước hoàn cảnh của Trang, từ Nhật, PGS.TS Trần Đăng Xuân cũng bày tỏ nguyện vọng "đỡ đầu" em Phan Thị Trang sang Nhật học tập và làm việc.
Qua trao đổi, ông Xuân bày tỏ: “Tôi ngạc nhiên vì Bộ trưởng Tiến phản hồi rất nhanh. Tôi rất vui vì em Trang đã được tạo điều kiện để có một công việc tốt. Tuy nhiên, bất kể khi nào em muốn sang Nhật, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ”.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của chúng tôi với PGS.TS Trần Đăng Xuân:
PV: Thưa ông, từ đâu mà ông biết được trường hợp của em Phan Thị Trang cần giúp đỡ? Lý do nào khiến ông viết thư cho Bộ trưởng Tiến bày tỏ mong muốn hỗ trợ em Trang?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Tôi biết trường hợp em Phan Thị Trang thông qua báo chí trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã liên lạc với Sở Y tế Nghệ An đề nghị giúp đỡ tìm việc cho Trang. Tuy vậy, tôi thấy làm việc ở bệnh viện trong nước hoặc trung tâm điều dưỡng thường thu nhập chưa cao mà gia đình Trang lại khó khăn.
Vì vậy, nếu em Trang đi Nhật làm việc được sẽ có nhiều điều kiện giúp đỡ mẹ và anh trai hơn.
PV: Bộ trưởng Bộ Y tế đã phản hồi lời đề nghị của ông ngay và bày tỏ sự cảm kích, xúc động trước tấm lòng của ông, nhiều độc giả ngưỡng mộ khi ông luôn hướng về quê hương.
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Việt Nam có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nước mình có hàng triệu liệt sĩ, thương binh. Mặc dù Nhà nước, các tổ chức và cá nhân đều cố gắng hỗ trợ nhưng khó lòng hỗ trợ chu đáo được hết 100%.
Trường hợp Trang nằm trong khả năng tôi có thể giúp được nên tôi muốn hỗ trợ em. Tôi nghĩ đây cũng là chuyện bình thường và tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ làm như thế để tạo điều kiện cho Trang giúp đỡ gia đình.
Tâm thư của Phan Thị Trang gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
PV: Có độc giả bình luận rằng, trường hợp của Trang cần được Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An tạo điều kiện quan tâm chứ không phải người khác, TS thấy thế nào vì nếu Trang đồng ý thì cơ hội phát triển bên Nhật còn tốt hơn nhiều?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Việc lựa chọn ở Việt Nam làm việc hay đi Nhật là do em Trang và gia đình quyết định, vì đến nay tôi chưa nhận được thông tin phản hồi, mặc dù có nhờ Bộ trưởng Bộ Y tế liên lạc giúp.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết nếu đi Nhật làm việc sẽ có thu nhập cao hơn ở thời điểm hiện tại với sinh viên mới ra trường.
Còn về lâu dài, ở Việt Nam nếu cố gắng chăm chỉ và cùng với sự quan tâm của mọi người hỗ trợ cho Trang thì chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội tốt hơn nữa.
Đi Nhật thì sẽ phải xa mẹ và anh trai, nên chắc Trang và gia đình cũng phải cân nhắc. Ngoài ra, còn liên quan đến quá trình học tiếng Nhật nữa.
PV: Trong lời chia sẻ của mình, TS có nói rằng toàn bộ chi phí, ăn ở học tập bên Nhật của Trang (học tiếng và nâng cao chuyên môn điều dưỡng ở Việt Nam trước) sẽ được chi trả. Vậy ông sẽ là người “đỡ đầu” giúp đỡ Trang bên đó?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Nếu Trang đồng ý, tôi sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập khi ở Việt Nam và sẽ được bệnh viện bên Nhật sang phỏng vấn.
Khi được chấp nhận, em Trang sẽ được làm trong điều kiện tốt, đúng với chuyên môn và nếu gặp khó khăn tôi vẫn có thể hỗ trợ em.
PV: Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Nghệ An và em Trang đã được đặc cách tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Nghe thông tin này, ông cảm thấy thế nào?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Đây là tin quá vui cho em Trang và gia đình. Tôi nghĩ rồi sẽ có rất nhiều người muốn hỗ trợ em Trang – đó cũng là tấm lòng đền ơn đáp nghĩa các liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước.
Trong trường hợp em Trang thay đổi quyết định hoặc muốn đi Nhật để học thêm nâng cao tay nghề, tôi vẫn luôn sẵn sàng giúp.
PGS.TS Trần Đăng Xuân (thứ 2 từ ngoài vào) cùng sinh viên bên Nhật.
PV: Được biết, TS đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên nghèo Việt Nam thông qua học bổng Miyazaki Scholarship trong 10 năm?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Học bổng Miyzaki là học bổng do tôi cùng một người Nhật là Koichi Sato ở tỉnh Miyazaki, thành lập năm 2002, hồi đó tôi còn là nghiên cứu sinh.
Học bổng hoạt động được 10 năm, hỗ trợ học bổng hàng tháng cho hơn 300 sinh viên từ miền Nam, Bắc, Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc....cho đến khi sinh viên tốt nghiệp.
Đối tượng là những sinh viên nghèo đỗ đại học, đang học nhưng không có tiền tiếp tục giảng đường đại học.
Trong đó nhiều em đạt học bổng Miyazaki đã đi du học (du học Nhật có 7-8 em), hiện giờ có em đã là tiến sĩ.
Các Bộ trưởng nên dùng facebook
PV: Là người học và làm việc bên Nhật nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về việc các Bộ trưởng dùng facebook để lắng nghe người dân?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Bên Nhật thì tôi không rõ các chính trị gia hay Bộ trưởng Y tế có dùng facebook hay không nhưng việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có facebook như vậy là rất hay, gần gũi với người dân.
Tôi nghĩ các Bộ trưởng của Việt Nam có facebook thì tốt quá, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phản hồi đề xuất của PGS.TS Trần Đăng Xuân.
PV: Ông nhận xét gì về cách làm của Bộ trưởngTiến trong câu chuyện bức tâm thư của em Phan Thị Trang?
PGS.TS Trần Đăng Xuân: Tôi rất ngạc nhiên vì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phản hồi nhanh chóng và chỉ đạo Sở Y tế địa phương giúp đỡ em Trang lập tức.
Xin trân trọng cảm ơn ông!