Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn: "Nhìn đâu cũng thấy tiền..."

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Việt Nam đang thiếu những bộ não của những người làm kinh tế, cần chất xám của họ để đưa ra những chính sách kinh tế hợp lý”, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Anh nổi tiếng với câu nói: "Nếu tôi có một chiếc xe đạp cũ, cho thuê, tôi cũng có tiền. Nếu tôi có một chiếc chiếu rách, đem ra Mỹ Đình cho thuê, tôi cũng có tiền. Thú thật, tôi nhìn đâu cũng thấy tiền...". 

Nhận bằng tiến sĩ trước 30 tuổi

Động lực nào giúp anh hoàn thành bằng tiến sĩ Quản trị Kinh doanh trước 30 tuổi?

Đó cũng là cái duyên. Nhà làm nghề giáo đã 5 - 6 đời nên bố mẹ muốn mình theo nghề này. Năm 1994, mình tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội khi đó có 2 lựa chọn: Ở lại trường làm giảng viên hoặc làm tại Viện nghiên cứu Vật lý.

Nhưng trong suy nghĩ mình vẫn rất thích làm kinh tế nên khi xin được học bổng sang Úc học ngành quản trị kinh doanh, mình quyết định đi mặc dù phải tự lo đủ nghề để kiếm sống bên đó.

Sau 1 năm, mình trở thành nhân viên của trường và được trợ cấp tiền ăn, ở, tiền học. Vậy là 4 năm học lại bằng đại học ở Úc, 3 năm học Thạc sĩ ở Bỉ và 2 năm sau mình nhận bằng Tiến sĩ ở Mỹ.

Gần 10 năm học tập bên nước ngoài, TS đã nhận được điều gì từ các nước bạn?

Mình bị sốc. Khi sang Úc, trên ga tàu nghe thông báo, ở siêu thị, quán bia, họ nói chuyện mình không hiểu cái gì.

Mình sốc lần 2 khi thấy trình độ của thầy cô giáo bên Bỉ. Sốc vì thầy mình nói được 4 thứ tiếng, ngoài giờ dạy ông làm giám đốc 1 công ty bảo hiểm với hơn 200 năm lịch sử, có giảng viên gia đình là chủ hãng tàu biển có lịch sử đến 300 - 400 năm.

Hóa ra nền văn minh bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, giao thông vận tải, quản trị kinh doanh… xuất phát ở châu Âu. Cảng biển đầu tiên ở Bỉ do Napoleon đào sông ra để làm, bộ luật kinh doanh đầu tiên cũng chính là do Napoleon đưa ra.

Họ dạy cho mình học ngành này ra sẽ làm gì? Mình sẽ có những cái gì, sẽ là ai với mức lương bao nhiêu? Ở Việt Nam thì gần như không đưa ra đích, hướng để cho sinh viên phấn đấu.

Anh suy nghĩ như thế nào về việc các tiến sĩ trẻ Việt được đào tạo ở nước ngoài nhưng không về nước làm việc hoặc ngược lại bỏ lương “khủng” về làm việc tại Việt Nam?

Theo tôi, những người tiến sĩ trẻ yêu nước sẽ về Việt Nam để phục vụ đất nước ngay, còn những người vì nước sẽ ở lại bên đấy, làm cho những tập đoàn lớn, “chịu đựng” 20 - 30 năm sau để có những công trình lớn về phục vụ đất nước. Ví dụ như GS Ngô Bảo Châu vì nước, vì quốc gia mà xa nhà, có hy sinh lớn hơn.

Hầu hết các tiến sĩ già đều về Việt Nam, đều mang những học bổng, công trình lớn cho nước mình như TS Nguyễn Đăng Hưng đến tuổi già vẫn về Việt Nam.

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn - lấy bằng tiến sỹ năm 29 tuổi, đã từng làm Giám đốc Marketing Microsoft VN. Là chuyên gia đầu ngành về Marketing tại Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đã từng làm Giám đốc Marketing Microsoft Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam "ngồi ì"?

Với góc nhìn của một người làm kinh doanh trẻ, anh có điều gì trăn trở, băn khoăn về nền kinh tế Việt Nam?

Khi một người cứ ngồi ì ra thì một là bị bệnh, hai là tâm lý có chuyện buồn, không có gì phấn khích. Với nền kinh tế cũng tương tự, ngồi ì là vì tin tức không có gì đặc biệt, đồng tiền không tự bốc hơi nhưng cũng không được đem ra đầu tư vào sản xuất...

Hiện người ta đưa ra nhiều chính sách “thắt lưng buộc bụng” làm cho thị trường bất động sản, chứng khoán... không còn sôi động nữa mà chuyển sang trạng thái nằm ngủ rồi ngắc ngoải.

Sau những chính sách bất hợp lý như vậy chúng ta có hàng loạt các khu đô thị, khu công nghiệp bỏ hoang chẳng có ai đến ở, thuê. Nhiều công ty bất động sản, xi măng, sắt thép nợ, lỗ, chết dần khiến ngân hàng cũng ngắc ngoải theo. Hai năm vừa qua, 115.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giải thể (nguồn VCCI).

Vậy để giải quyết bài toán khó về tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải có chính sách nào?

Việt Nam đang thiếu và cần những bộ não của những người làm kinh tế để đưa ra những chính sách kinh tế hợp lý. Theo tôi:

Một là, trọng dụng người tài, tuyển dụng người tài một cách công khai, tuyển thẳng vào các vị trí giám đốc sở, cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó, thứ trưởng, bộ trưởng…

Ở nước ngoài, ngay cả vị trí Tổng giám đốc quỹ tiền tệ thế giới, Tổng giám đốc ngân hàng có vốn nhà nước cũng đăng tuyển công khai. Coi trọng người tài là một chính sách rất quan trọng để phát triển đất nước.

Hai là, đón nhận những ý kiến xây dựng của bạn bè quốc tế, lắng nghe ý kiến của các doanh nhân để có nhiều đột phá.

Ví dụ, nước Úc mạnh và mình tự hào khi họ có thị trưởng là người Việt, họ tôn trọng đóng góp của đa sắc tộc. Mình lấy ý kiến của toàn dân, coi trọng ý kiến đóng góp cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam.

Ba là, xây dựng đặc khu kinh tế để thu hút người trẻ, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Việt Nam nên mạnh dạn thành lập đặc khu kinh tế chuẩn quốc tế để thu hút đầu tư trong nước ngoài nước.

Tôi thấy, Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới, không thể lúc nào cũng nói “đất nước tôi có lao động giá rẻ”. Giá rẻ đến bao giờ nữa? Mình phải thu hút bằng môi trường mới, hạ tầng tốt.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1974), hiện là Chủ tịch Hiệp Hội Marketing Hà Nội, là một tiến sĩ trẻ đầu ngành về quản trị kinh doanh, có nhiều năm học tập tại nước ngoài.

29 tuổi, anh nhận bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại ĐH Califonia (Mỹ); 5 năm là GĐ Dự Án & Đối ngoại Dự án Xúc Tiến Thương Mại EU-VN, 2 năm làm việc tại Đại sứ quán Úc và từng làm Giám đốc Marketing Microsoft VN.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại