Buôn lậu than, quặng nhiều nhất
Theo báo cáo của 63 Ban chỉ đạo 127 thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2012, lực lượng chức năng xử lý 272.158 vụ vi phạm, xử phạt và tịch thu nhiều loại hàng hóa trị giá lên tới 8.310,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề gian lận thương mại vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là gian lận thương mại trên mạng internet.
Các lực lượng như quản lý thị trường (QLTT), bộ đội biên phòng, công an, hải quan, thuế, cảnh sát biển, kiểm lâm, cục bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trên 209.316 vụ, tổng số tiền thu được hơn 10.731 tỷ đồng. Trong đó, một số mặt hàng buôn lậu có số lượng lớn là than, quặng, thuốc lá, gỗ, động vật hoang dã, phân bón, gia súc, gia cầm…
Đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý nhiều nhất là lực lượng QLTT. Lực lượng này kiểm tra 181.653 vụ, xử lý 91.519 vụ vi phạm, xử phạt, truy thu thuế và tịch thu hàng hóa trị giá 398,9 tỷ đồng.
Công an xử lý 12.873 vụ, thu 734 tỷ đồng; hải quan xử lý 24.242 vụ, thu 517 tỷ đồng. Riêng ngành thuế xử phạt 47.151 vụ, thu 8.570 tỷ đồng.
Các lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng tích cực tham gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, như thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch xử lý 3.665 vụ, thu 22,7 tỷ đồng; thanh tra thông tin và truyền thông xử lý 1.075 vụ, thu 6,83 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng thu giữ nội tạng thối tại Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Hàng lậu “nóng” tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 127/TW và các bộ, ngành Trung ương, cũng như các địa phương, nghiêm túc, kịp thời tổ chức triển khai công tác phòng chống buôn lậu, buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Một số địa phương xử lý hàng nghìn vụ việc, như TP Hồ Chí Minh xử lý 17.293 vụ, trị giá vi phạm 2.930,69 tỷ đồng; Hà Nội xử 70.738 vụ ( 1.431,44 tỷ đồng); Bình Dương 6.037 vụ (428,11 tỷ đồng); Đồng Nai 6.799 vụ (422,9 tỷ đồng)...
Theo ông Trần Hùng, để xảy ra tình trạng hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại… tràn lan như vậy là do lực lượng QLTT còn thiếu cả về số lượng lẫn năng lực thực hiện.
Để giải quyết việc này, chúng tôi đã trình Chính phủ xem xét đề án QLTT theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, tương tự như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế nhằm thống nhất quản lý, từ đó mới chỉ đạo xuyên suốt và giải quyết được bài toán hàng lậu, hàng giả tận gốc rễ - ông Hùng nói.
Ngày 28/2/2013, Cục QLTT chỉ đạo các Chi cục QLTT tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ tiến hành kiểm tra thí điểm việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) trên địa bàn.
Theo cơ chế hiện nay, có một số điểm đang phân cấp đứt quãng, là 63 Chi cục QLTT thuộc 63 Sở Công Thương của các tỉnh, thành, vì vậy, việc hướng dẫn nghiệp vụ cho QLTT chỉ là phối hợp.
Hiện nay, Cục QLTT chỉ được biên chế 50 người, phòng nghiệp vụ, văn phòng còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị nhiều hạn chế, nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chưa thực sự hiệu quả.
“Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thời gian qua, QLTT làm được nhiều việc, như xử lý xăng dầu nhập lậu, gà nhập lậu, mũ bảo hiểm. Chúng tôi cũng trình Chính phủ đề án cho phép lập đội đặc nhiệm trực thuộc QLTT để có thể phối hợp tốt với các Tổng cục như Cảnh sát, Hải quan, nhằm có sự chỉ đạo xuyên suốt thực hiện xử lý những vụ án có đường dây, ổ, nhóm, có sự móc nối liên tuyến, liên tỉnh, thậm chí là móc nối với nước ngoài”, ông Hùng nói.
Ông Hùng nhấn mạnh thêm, thành lập đội đặc nhiệm QLTT cũng nhằm tránh hiện tượng tiêu cực, sức ép, trên bảo dưới không nghe. Khi những vụ việc xảy ra ở các địa phương mà không làm được thì Trung ương phải xử lý.
Vì phải có tang vật mới xử lý được, nên lực lượng này cần được đầu tư trang thiết bị, kho bãi, đào tạo huấn luyện nhân sự. Hiện QLTT ở các địa phương còn nhiều tồn tại khiến dư luận bức xúc, nhưng nếu nơi nào có người đứng đầu chính quyền quan tâm đúng mức đến công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… thì QLTT ở nơi đó làm rất tốt.
Gian lận thương mại qua mạng internet khó xử lý
Hiện, hàng lậu không chỉ tồn tại nhiều ngoài thị trường mà nó còn phát triển rất nhanh chóng qua mạng internet, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Việc bán hàng qua mạng internet không chỉ gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước, mà còn tồn tại nhiều mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Theo ông Hùng, có lần, chúng tôi phát hiện hàng giả được rao bán trên mạng internet, nhưng khi lần theo thì lại là sinh viên mua cóp nhặt từ người khác vài sản phẩm (gọi là hàng xách tay) nên không xử lý được.
Ông Trần Hùng cho biết: Mới đây, hãng mỹ phẩm L'ORÉAL (Pháp) công bố, trên 85% sản của họ tồn tại trên thị trường các thành phố lớn ở Việt Nam là hàng giả, 100% sản phẩm bán hàng qua mạng internet không phải chính hãng.
Tuy nhiên, thời gian qua, Cục QLTT đã phối với lực lượng chức năng triệt phá đường dây MB24 (Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến). Lực lượng chức năng đã triệu tập tổng cộng khoảng 300 người là Phó giám đốc, lãnh đạo tầng trên, trưởng chi nhánh... của Công ty đào tạo mua bán trực tuyến MB24 để làm rõ những nghi vấn chiếm đoạt khoảng 500 tỷ đồng của hơn 136.000 hội viên.
Điều tra sai phạm MB24 tại Hà Nội cho thấy, số nạn nhân bị lừa đảo rất lớn. Trong tổng số 135.000 gian hàng ảo MB24 phát triển tại 52 chi nhánh ở 33 tỉnh, thành, ông Hùng nói.