Có lẽ hơi sớm nếu nói Quốc hội khóa 14 tới đây ông Trần Du lịch sẽ ứng cử ÐBQH. Bởi, như ông từng thẳng thắn phát biểu rằng:
Đây nhiệm kỳ cuối cùng và với tôi là ÐBQH chuyên trách, theo quy định đã quá tuổi nghỉ hưu nhiều năm rồi, nên nghỉ là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng như mọi người có sức khỏe, có tâm huyết thì cũng có thể đóng góp cho đất nước, dù ở cương vị nào.
Nhiệt thành suốt 3 nhiệm kỳ cùng cương vị của một ÐB chuyên trách nhưng với TS Trần Du Lịch cũng không ít những tiếc nuối, trăn trở, bức xúc, lực bất tòng tâm!
Trước nay ta vẫn làm theo quy trình… ngược?
Thưa ông, chúng ta đã có luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và tiếp tục sửa đổi hoàn chỉnh.
Nhưng cử tri vẫn bất ngờ khi lần mới đây ông thẳng thắn trong một đối thoại rằng, bao năm nay ngân sách vẫn là thứ xin cho! Xin ông nói rõ hơn về thứ hệ lụy lẽ ra phải được chấm dứt từ nhiều năm nay?
Thật ra điều mà nhà báo nêu trên tôi đã phát biểu nhiều lần ở QH khóa 13, khi thảo luận Dự thảo Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) năm 2015.
Ðiều cốt lõi nhất là làm sao phải tách biệt giữa ngân sách quốc gia (do QH quyết định) và ngân sách địa phương (do Hội đồng nhân dân địa phương quyết định); phải chấm đứt sự kéo dài quá lâu mô hình “ngân sách lồng ghép giữa trung ương và địa phương vào một gói là ngân sách nhà nước”.
Ðây là mô hình ngân sách, nó gắn liền với mô hình của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp.
Sau gần 30 năm đổi mới, thể chế kinh tế của nước ta đã vận hành theo cơ chế thị trường và nhất là chủ trương của Ðảng muốn phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tính năng động của địa phương để phát triển, nên cần phải thay đổi mô hình quản lý ngân sách cho phù hợp.
Một khi còn tồn tại mô hình ngân sách lồng ghép giữa trung ương và địa phương thì không tránh được cơ chế xin cho.
Bởi vì theo cơ chế này thì hằng năm (bắt đầu khoảng giữa năm) các địa phương phải đến trung ương xin duyệt ngân sách, trong đó phải “mặc cả” chỉ tiêu thu trên địa bàn và nhất là tổng chi của địa phương.
Từ đó dẫn đến cách hiểu ngân sách địa phương là tổng chi mà địa phương được duyệt, trong khi đúng ra phải là tổng thu mà địa phương được hưởng theo luật định.
Ðối với những địa phương mà ngân sách địa phương được hưởng theo luật định không đáp ứng được nhiệm vụ chi thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ. Việc hỗ trợ bao nhiêu do Quốc hội thảo luận và quyết định khi phân bố ngân sách trung ương.
Nên có thể nói quy trình lập ngân sách của ta hiện nay là quy trình ngược.
Hệ quả của quy trình này là khi QH phân bố ngân sách trung ương cho địa phương không biết phải giảm nơi nào và thêm nơi nào! Bởi vì đã lồng ghép sẵn trong tổng chi của địa phương và do đó khó có thể biết khoản nào là cần thiết hay chưa cần thiết.
Mặt khác, đối với địa phương cũng không làm rõ được phần ngân sách nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm do HÐND quyết định, phần nào là phải chi theo địa chỉ mà QH đã phân bố thêm.
Cho nên với cơ chế ngân sách hiện nay không khuyến khích các địa phương năng động tạo ra nguồn thu, mà chỉ phải xin được nhiều để chi.
Chi của ta luôn vượt thu. Ngay chính ông cũng có lần phàn nàn đã lỡ chi rồi thì biết làm sao! Với tư cách “người gác cổng” cho Quốc hội trong chuyện giám sát thu, chi ngân sách, quan điểm của Ủy ban ngân sách trong vấn đề này?
Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu ở QH là trong 3 quyền hạn và nhiệm vụ chính của QH: quyền lập pháp, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và quyền giám sát tối cao, thì vấn đề quan trọng nhất trong các vấn đề quan trọng là quyết định ngân sách.
Nói nôm na là QH là nơi thực sự quyết định việc “kiếm tiền” và “tiêu tiền”.
Cơ chế ngân sách bao gồm quy trình lập ngân sách, chuẩn chi, thực hiện chi, giám sát chi của ta hiện nay, như tôi đã nêu trên, cần phải đổi mới để phát huy vai trò của của QH nói chung và Ủy ban Tài chính Ngân sách nói riêng.
Tôi là người ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc tế
Tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII mới rồi, Chính phủ đã chính thức xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ…
Tuy nhiên, đến 2017, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi mới cho phép phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài, còn Luật Quản lý nợ công (điều 28) không cho phép phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ để đảo nợ vay bằng nội tệ. Ông lý giải điều này thế nào?
Vâng, tôi là người ủng hộ phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD để cơ cấu lại nợ công.
Lý do chính là do cơ cấu nợ chính phủ hiện nay chủ yếu trái phiếu trung hạn với thời hạn trả nợ dưới 5 năm nên chịu áp lực rất lớn về số nợ phải trả hằng năm so với nguồn thu ngân sách.
Theo tờ trình của Chính phủ, thì phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ, chứ không phải để bổ sung ngân sách nên không làm tăng nợ công và không ảnh hưởng đến trần nợ công mà Quốc hội đã cho phép.
Trong giải trình của Chính phủ thì việc đề nghị QH cho phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế mới là xin chủ trương trong nội dung tái cơ cấu nợ công, chứ không phải phát hành ngay, vì khi có chủ trương chính phủ sẽ nghiên cứu lộ trình, thời điểm phát hành tốt nhất, lãi suất trái phiếu… bằng một đề án cụ thể, trong đó có vấn đề pháp lý như phải phù hợp với Luật quản lý nợ công, Luật ngân sách nhà nước…
Mặt khác, chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ cũng là cách để đo lường mức độ tín nhiệm quốc tế đối với nền tài chính quốc gia, mở đường cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế trong quá trình hội nhập.
Tôi xin nói rõ là nghị quyết của QH cho phép phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD chỉ mới là cho chủ trương thôi.
Các thành viên UB Tài chính - Ngân sách của QH, lực lượng và trình độ liệu có đủ mạnh để thẩm định giám sát những vấn đề gai góc nhạy cảm về vấn đề ngân sách, cả việc sức ép (nếu có) của chính phủ?
Tôi nghĩ rằng, hiệu quả giám sát trước hết tùy thuộc vào cơ chế. Nếu tiếp tục thực hiện mô hình “ngân sách lồng ghép” như tôi đã trình bày ở trên, thì việc giám sát rất khó khăn.
Thông thường ở các nước, QH chỉ giám sát phần ngân sách chi của bộ máy trung ương và phần ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương, còn lại phần ngân sách địa phương thuộc trách nhiệm giám sát của HÐND địa phương.
Ngân sách cũng như công vụ phải minh bạch 3 cơ chế : phân quyền, phân cấp và ủy quyền, để theo đó có cơ chế giám sát phù hợp. Hiện nay tất cả đều lồng ghép thì cũng khó đòi hỏi nhiều ở vai trò giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách QH.
Hơn nữa giám sát việc sử dụng ngân sách trung ương trên địa bàn còn có trách nhiệm của ÐBQH ở đơn vị đó chứ không chỉ có thành viên của Ủy ban Tài chính- Ngân sách.
Không có chuyện gặp riêng hay quán triệt trước…
Vị trí vai trò của ÐBQH chuyên trách không những ở lĩnh vực giám sát ngân sách mà còn nhiều vấn đề khác? Xin ông chia sẻ chút kinh nghiệm và kỷ niệm của mình trong thời gian dài là ÐBQH chuyên trách?
Tôi có 2 nhiệm kỳ làm ÐBQH chuyên trách ( khóa 12 và 13). Từ thực tiễn hoạt động của bản thân, tôi rút ra một điều là: ÐBQH phải gắn với cử tri theo quan hệ 2 chiều, mà ta thường gọi là tiếp xúc cử tri. Kinh nghiệm bản thân tôi hoạt động khảo sát thực tế là rất cần thiết.
Từ cuộc khảo sát của đoàn đại biểu QH TPHCM cuối năm 2014 với cử tri là doanh nghiệp đã phản ánh tình trạng “một quả trứng gà gánh 14 loại phí” và sự phản ánh này đến diễn đàn QH, được QH quan tâm.
Trước thời điểm diễn ra các phiên chất vấn hoặc các phiên thảo luận về ngân sách hoặc KTXH, những ÐBQH được coi là lãnh đạo Ðoàn ÐBQH hoặc chuyên gia về lĩnh vực kinh tế như ông có được lãnh đạo QH gặp riêng, gặp trước và quán triệt vấn đề gì không?
Tôi xin khẳng định là không có chuyện như vậy ở Ðoàn ÐBQH TPHCM và đối với bản thân tôi. Phát biểu gì ở diễn đàn QH là do ÐBQH quyết định và tự chịu trách nhiệm. Không ai “quán triệt” trước cả. Tôi xin được khẳng định điều này, ít nhất là đối với cá nhân tôi.
Ông Trần Du Lịch sinh ngày 19/8/1952. Quê quán: xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh. Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Cử nhân Luật; Cao cấp Lý luận Chính trị, Cao cấp Hành chính. Ðại biểu Quốc hội khóa IX, khóa XI, khóa XII và Khóa XIII.
Ðặc biệt ông đã từng có 2 nhiệm kỳ làm ÐBQH chuyên trách (khóa 12 và 13).