Xe công: Nếu cố ý có thể tịch thu?
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Đức Long, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Tín (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, mọi chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đều bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật sư Long, trong trường hợp đối với xe đi mượn và xe công vụ, kể cả biển 80, xe biển đỏ... nếu tài xế say rượu bia bị phát hiện nhưng người quản lý, người sử dụng hợp pháp không thực sự có lỗi cố ý thì không thể tịch thu xe.
"Bộ luật Dân sự quy định rõ ràng, tài sản bị tịch thu chỉ khi có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật đối với chủ sở hữu.
Nên đối với xe đi mượn hoặc xe công kể cả biển 80, xe biển đỏ,... khi người lái vi phạm nhưng chủ sở hữu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý thì không thể tịch thu.
Còn chỉ khi nào những người này có lỗi cố ý trong việc để người tài xế sử dụng phương tiện vi phạm thì sẽ bị tịch thu theo quy định tại Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính", Luật sư Long nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, thực tế, không thể ban hành quy định Nhà nước tịch thu tài sản của Nhà nước được.
"Nếu có quy định về việc tịch thu phương tiện giao thông thì phải có quy định loại trừ trường hợp là xe công.
Như vậy, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa xe công và xe tư và thực tế việc vi phạm giao thông do xe biển xanh hiện nay không phải là ít", Luật sư Cường nói.
Theo Luật sư Cường, đại diện UB ATGTQG cho rằng, trường hợp nào không thu xe được thì phạt tiền tương ứng với giá trị chiếc xe thì thủ tục định giá xe thực hiện thế nào?
Bởi, theo quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực giao thông tối đa không quá 40 triệu đồng, trong đó có những chiếc xe ô tô có thể trên 40 tỉ đồng.
"Ý kiến đó đưa ra là chưa phù hợp với quy định pháp luật", Luật sư Cường bày tỏ.
Xe ăn trộm bị tịch thu, chủ xe làm thế nào?
Một số ý kiến cho rằng, trong trường hợp, một người bị mất trộm xe ôtô, kẻ trộm uống rượu bia, sau đó, lái xe bị phát hiện và chiếc xe bị tịch thu. Nếu như vậy, người chủ xe sẽ phải làm thế nào?
Theo Luật sư Cường, trường hợp chiếc xe là tang vật của vụ án hình sự thì phải áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự để trả lại cho chủ sở hữu.
Nếu người sử dụng chiếc xe đó vi phạm giao thông mà bị tịch thu thì xảy ra xung đột pháp luật giữa luật tố tụng hình sự và luật xử lý vi phạm hành chính. Khi đó thủ tục xử lý và biện pháp xử lý sẽ rất phức tạp.
Nay thêm quy định này thì sẽ phải bổ sung lực lượng đông đảo cho công an, tòa án, kiểm sát, cơ quan thẩm định giá, bán đấu giá để xử lý các thủ tục, tranh chấp phát sinh, đồng thời phải bổ sung kho bãi đề lưu giữ, xử lý.
Những việc phát sinh này tiêu tốn một lực lượng nhân lực khá lớn và phải chi một khoản lớn của ngân sách Nhà nước để nuôi bộ máy phát sinh này.
Thêm vào đó là những tiêu cực xảy ra giữa người vi phạm và người xử lý để tránh việc bị xử lý, mất tài sản....