Thượng tá Lê Đức Đoàn và chiếc đồng hồ người đi đường "hối lộ"

Nguyễn Huệ - Thế Long |

"Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn đời mình gắn bó với công việc của một cảnh sát giao thông. Đây là nghề được phục vụ nhân dân, nghề vẻ vang, vinh quang và trách nhiệm" - thượng tá Đoàn cho hay.

"Alo tôi đây ông ơi. Dạ, báo cáo ông trời lạnh nên tôi yếu lắm. Tôi đang ngồi uống cà phê. Ông buồn vì nhớ tôi à? Thôi tre già thì măng mọc, có thể có những người trẻ còn làm tốt hơn tôi nhiều. Bây giờ là giờ cao điểm, ông đi qua không thấy tôi, ông gọi điện chia sẻ, tôi chân thành cảm ơn. Lúc nào rảnh anh em mình gặp nhau. Buồn phải vui lên, những lúc vắng tôi không ai được buồn, cứ đi qua vui vẻ, chúc mọi sự tốt lành".

Khi điện thoại vừa ngắt, thượng tá Lê Đức Đoàn mỉm cười rồi "khoe" với chúng tôi: "Một người bạn già đi qua khu vực cầu Chương Dương không thấy tôi đứng trực ở đó nên gọi điện hỏi thăm". Nói rồi, người "sĩ quan già" ấy hướng đôi mắt đã hằn dấu vết thời gian về phía nhà thờ ở phố Nhà Chung (Hà Nội) khi tiếng chuông nhà thờ vẫn vẳng vào khoảng không ồn ào của phố phường thủ đô lúc trời về chiều.

Thượng tá Lê Đức Đoàn tham gia phân luồng giao thông trong những ngày mưa tại chốt cầu Chương Dương
Thượng tá Lê Đức Đoàn tham gia phân luồng giao thông trong những ngày mưa tại chốt cầu Chương Dương

Trở về Thủ đô sau một tuần về lo công việc gia đình tại quê nhà Ý Yên (Nam Định), mở đầu câu chuyện, thượng tá Đoàn trải lòng:

"Cái gì là bầu trời riêng của mình thì để mình ngẫm nghĩ vì nó là những gì thuộc về mình, mình sản sinh ra nó, mình có nó. Mình cũng phải nói với mọi người để nó lặng yên. Trong cuộc sống, cái gì cũng phải có hậu để những người trẻ nhìn vào mình và tự ý thức về tương lai của bản thân".

Sự liều lĩnh quả cảm khi rượt đuổi cướp, ánh mắt ấm áp tình người và những triết lý nhân sinh lúc cứu những mảnh đời đang bước trên ranh giới của sự sống và cái chết khi đứng trước dòng chảy của sông Hồng khu vực cầu Chương Dương, sự hướng dẫn tận tình người tham gia giao thông… là những việc làm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của thượng tá Đoàn khi còn là một chiến sĩ cảnh sát giao thông. Ông thấy hạnh phúc khi mọi người gọi mình là "bố Đoàn". Và ông cho đó là món quà quý giá mà cuộc đời dành tặng cho ông.

Nhấp ngụm trà nóng, "bố Đoàn" nhẩm tính: "Tôi về hưu cũng được gần hai tuần rồi. Những ngày này, tôi vẫn làm công việc như bao người công dân khác. Sáng đi ăn sáng rồi sang nhà mọi người chơi… nhưng không còn là những buổi dạy sớm lên đơn vị điểm danh. Hai tuần ấy tôi bâng khuâng nhiều với nghề. Nỗi bâng khuâng những ngày hè nắng cháy da thịt, mùa đông thì lạnh buốt thấu xương, mưa như tát vào mặt. Bâng khuâng với hình ảnh những em học sinh đạp xe trên đường, cái vẫy tay chào của những người tham gia giao thông rồi nụ cười thân thiện của họ khi thấy tôi đứng chốt tại cầu Chương Dương".

Bâng khuâng đấy nhưng từ sau buổi trực cuối cùng tại chốt cầu Chương Dương vào ngày 1/11/2014, thượng tá Đoàn chưa trở lại thăm cây cầu đã gắn với mình gần 20 năm. Vì với ông, đã là hoài niệm thì phải có khoảng thời gian. Và hàng ngày, ông vẫn tích lũy cho mình khoảng thời gian ấy để vui vẻ với cuộc sống những ngày không còn đứng dưới mưa, hứng từng đợt gió, bụi, nghe những tiếng ồn ào của xe cộ…

Về hưu, với "bố Đoàn" đó là quy luật mà mỗi người đều phải trải qua. Ông không hối tiếc khi trải đời mình cùng những ngày hưu trí. Vì người chiến sĩ già ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

"Nếu không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sao có những cuộc tri ân tình người, sao có những cuộc điện thoại hỏi thăm của người tham gia giao thông khi đi qua chốt cầu Chương Dương không thấy tôi đứng đó. Tôi nhớ lắm buổi trực cuối cùng của mình được lãnh đạo bất ngờ tới tặng hoa. Lúc ấy, tôi thầm cảm ơn những tình cảm đã dành cho mình. Cầm bó hoa trên tay nhưng tôi vẫn không quên nhiệm vụ của một chiến sĩ cảnh sát giao thông lúc đó" - thượng tá Đoàn trải lòng.

Khi về hưu, món quà bất ngờ từ người hâm mộ là một phần ý nghĩa đối với người lính già ấy
Khi về hưu, món quà bất ngờ từ "người hâm mộ" là một phần ý nghĩa đối với người lính già ấy

Nói rồi, ông cho chúng tôi xem chiếc đồng hồ do một đôi vợ chồng tặng vì ngưỡng mộ cái đức của "bố Đoàn".

"Đó là món quà đặc biệt họ dành cho tôi. Mỗi lần nhìn vào chiếc đồng hồ ấy, tôi ý niệm hơn về thời gian, ý niệm hơn việc mình cần giữ gìn sức khỏe để làm nhiều việc tốt cho đời, cho gia đình" - giữ cho mình nụ cười vui vẻ khi ánh mắt vẫn không rời chiếc đồng hồ mà ông đã đi kiếm tìm từ lâu, chiếc đồng hồ đến từ nước Nga - nơi ông đã từng theo học những ngày còn trẻ.

Rồi ông dí dỏm: "Tôi giờ là người không chức không quyền. Đó chắc không phải là nhận hối lộ đâu nhỉ?". Chúng tôi cũng cười vui hơn khi nghe những lời chia sẻ hài hước của người lính già.

40 năm công tác trong ngành, chưa khi nào thượng tá Đoàn hối hận vì mình đã chọn nghề này.

"Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn đời mình gắn bó với công việc của một cảnh sát giao thông. Đây là nghề được phục vụ nhân dân, nghề vẻ vang, vinh quang và trách nhiệm" - thượng tá Đoàn cho hay.

Bâng khuâng về những năm tháng trong nghề nhưng ông chưa trở lại thăm cây cầu gắn với mình gần 20 năm vì với thượng tá Đoàn đã là hoài niệm phải có thời gian

Bâng khuâng về những năm tháng trong nghề nhưng ông chưa trở lại thăm cây cầu gắn với mình gần 20 năm vì với thượng tá Đoàn đã là hoài niệm phải có thời gian

Với thượng tá Đoàn, Hà Nội là quê hương thứ hai. Hà Nội với ông luôn đẹp và ấm áp tình người. Cây cầu Chương Dương gắn bó gần 20 năm với ông cũng thế, cũng đẹp và ấm áp tình người. "Nếu mọi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh luật, những cây cầu ấy sẽ như dòng nước chảy rất đẹp" - thượng tá Đoàn trầm ngâm.

"Tôi cũng cười suốt ngày, chào suốt ngày. Có lẽ có tôi đứng đó họ yên tâm. Với mỗi người, từ khi sinh ra và lớn lên rồi trưởng thành, già nua… có được 60% những người biết tới mình, tôn trọng mình là họ đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Tôi nghĩ, mình đã đạt được con số đó" - thượng tá Đoàn cười.

Đôi mắt ông trầm tư hơn khi chúng tôi hỏi về những số phận có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử nhưng đã được ông cứu sống. Ông bảo, nếu kể hết về họ, sẽ dài lắm...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại