Ngưỡng cho phép hay ngưỡng tồn dư tối đa (maximum residue level – MRL) hiển nhiên là những khái niệm khó hiểu đối với người nông dân, người chế biến thực phầm, kể cả ở những nước phát triển.
Dù vậy, những quy định rắc rối của luật và những tiêu chuẩn phức tạp của công nghiệp hóa chất trở nên đơn giản, dễ thực hiện bởi những bản hướng dẫn, cẩm nang của các cơ quan nhà nước.
Theo Luật chung về kinh doanh thực phẩm của Ủy ban châu Âu EC 178/2002 thì bất kỳ cá nhân, tổ chức, công hay tư, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận mà thực hiện bất kỳ một công đoạn nào của quá trình sản xuất và phân phối thực phẩm cho người và gia súc từ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối thức ăn cho người và vật nuôi, kể cả vật nuôi của riêng mình, đều được coi là người hành nghề thực phẩm.
Dựa theo luật này, nước Anh quy định nông dân, người chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc đều phải đăng ký với cơ quan nhà nước.
Cục Tiêu chuẩn thực phẩm (Food Standard Agency - FSA) đã đưa ra những hướng dẫn với những thủ tục, biểu mẫu đơn giản, dễ thực hiện. Tất cả họ đều phải cam kết an toàn thực phẩm, thức ăn gia súc theo tiêu chuẩn châu Âu.
FSA cũng đặt ra các tiêu chuẩn chi tiết đối với sử thuốc bảo vệ thực vật, chi tiết quy trình bảo quản, vận chuyển đối với từng mặt hàng để bảo đảm dễ hiểu, dễ làm.
Trong trường hợp có sự cố mất an toàn như quá dư lượng, nhiễm khuẩn, người sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và phân phối phải thông báo cho cơ quan địa phương hoặc FSA để thu hồi, tiêu hủy hoặc thông báo đến người tiêu dùng.
Khác chức năng nhưng Cục An toàn và Sức khỏe (Health and Safety Executive - HSE) của Anh lại hướng dẫn chi tiết các địa chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất khác.
HSE ban hành các quy tắc sử dụng, bảo quản các chất này sao cho an toàn đối với người sử dụng, liều lượng cho các loại ruộng, vườn, vườn nhà và vệ sinh công cộng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, một cơ sở dữ liệu đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được cập nhật thường xuyên.
Trong đó, thuốc trừ sâu, nấm, bệnh nào được phép lưu hành, thành phần, nhãn hiệu, liều lượng giới hạn thời gian trước thu hoạch… được ghi rõ.
Việc buộc đăng ký hành nghề nông, chế biến thực phẩm, minh bạch tiêu chuẩn nhưng hướng dẫn cách thực hiện theo hướng đơn giản nhất làm cho quy trình sản xuất nông nghiệp của nước Anh nói riêng và EU nói chung trở nên an toàn và có thể đáp ứng những tiêu chuẩn vệ sinh ở mức cao nhất.
Điều đó, chắc chắn chưa đủ nếu không kèm theo các biện pháp kiểm tra của các cơ quan chức năng và các chế tài hà khắc
. Nông dân, nếu không tuân thủ các quy định của HSE và FSA, có thể bị cắt phần tiền hỗ trợ nông nghiệp từ EU, họ cũng có thể bị truy tố về hình sự với mức án nặng nhất là hai năm tù, đồng thời có thể phải chịu thêm hình thức phạt tiền không giới hạn.
Ngưỡng nào cho người nông dân ít học ở Việt Nam?
Ít học có thể là cách dùng từ không đúng đối với một vài người làm nghề nông nhưng phải chấp nhận một thực tế là đại đa số nông dân Việt Nam không có trình độ học vấn cao.
Ngưỡng an toàn của thuốc bảo vệ thực vật không phải là câu hỏi quá khó đối với các nhà chuyên môn hay người quản lý, nhưng với nông dân, người bán hàng, chúng quá phức tạp, khó tra cứu, khó hiểu, khó nhớ, khó áp dụng.
Minh bạch các tiêu chuẩn này, thực ra khá dễ nhưng chưa đủ. Có thể thấy việc đưa toàn bộ hàng ngàn trang văn bản lên mạng, hay dán đâu đó trong công sở là việc quá đơn giản, nhưng đọc, hiểu nó lại là việc quá sức đối với đại đa số nông dân.
Câu chuyện về vượt ngưỡng cho phép các chất kích thích, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật hay các chất tồn dư khác trong thực phẩm ở Việt Nam không hề mới.
Hàng loạt các vụ việc bị phát hiện, xử lý nhưng nó vẫn tái diễn. Họ cứ mua thuốc tự do, cứ phun, cứ tưới, cứ kích thích, miễn là sâu bọ chết, miễn là rau, củ, quả tăng trưởng tốt, hình thức đẹp.
Chẳng ai mong muốn làm điều ác nhưng có vẻ như tính dễ áp dụng của các tiêu chuẩn an toàn chưa được quan tâm đúng mức.
Thật nực cười, nếu chúng ta quy trách nhiệm và phó mặc sự an toàn của mình cho những người được xem là ít hiểu biết nhất.
Đặt ra những tiêu chuẩn cao siêu và buộc người ít học thực hiện không thể gọi là quản lý mà là sự đánh đố. Hậu quả, kể cả trong trường hợp quản lý đầu ra, loại bỏ các sản phẩm nhiễm độc thì cũng luôn rất lớn.
Ngoài an toàn cho sức khỏe cộng đồng thì tiền bạc, công sức của người nông dân, xử lý ô nhiễm đất, nguồn nước do việc đổ bỏ các sản phẩm bị loại cũng là chuyện vô cùng phức tạp, tốn kém.
Sẽ gây ngạc nhiên lớn và có vẻ là tức cười nếu chúng ta buộc nông dân phải đăng ký hành nghề nông và nếu vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, họ bị cấm sản xuất, bị phạt hành chính, thậm chí là hình sự như ở EU.
Các cơ quan nhà nước sẽ ban hành sổ tay, cẩm nang canh tác, sử dụng chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dễ hiểu, dễ làm đồng thời kiểm soát chặt chẽ, cấp chứng chỉ, phê chuẩn các điểm bán các hóa chất phục vụ nông nghiệp.
Điều này cũng kéo theo hàng loạt các thủ tục hành chính mới và ít nhiều tạo thêm những gánh nặng cho ngân sách nhà nước cũng như người dân.
Lạ lẫm và khó khăn cho cải cách là vậy, thế nhưng, nếu không quản lý việc làm ra thực phẩm thì chúng ta quản lý cái gì? Và khi những khẩu hiệu, những biên bản xét nghiệm xử lý không mang thông tin nhằm hướng dẫn tuân thủ?