Thực nghiệm của Coca khiến Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD giật mình

Phương Nhi |

“Tôi giật mình khi qua thực nghiệm của Coca cho thấy tính an toàn của một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại dễ bị tác động, can thiệp từ bên ngoài đến như vậy".

Coca Cola đã vô tình đã “gạt sang một bên” hàng triệu người tiêu dùng Việt

Trong phiên xét xử sáng 15/9, nhằm phủ nhận chai nước chứa thủy tinh không phải là sản phẩm của Coca Cola Việt Nam sản xuất, ông Nguyễn Hoài Giang, đại diện của Coca đã làm một thực nghiệm mở nắp chai và cho dị vật vào.

Điều đáng nói là chai nước sau đó vẫn còn nguyên vẹn như chưa từng bị tác động.

Thực nghiệm này đã khiến những người có mặt tại tòa ngày hôm đó cũng như nhiều người tiêu dùng (NTD) – những ai đã và đang là khách hàng của Coca Cola vô cùng ngỡ ngàng.

Nhiều người hoài nghi và cho rằng: Liệu tất cả các sản phẩm của Coca Cola Việt Nam đều có thể bị dễ dàng mở ra, cho dị vật vào, đóng lại vẫn y nguyên như cũ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) cho rằng:

Lo lắng của NTD về việc các đại lý bán lẻ có thể cho thêm tạp chất vào chai nước Coca Cola là điều dễ hiểu và thông cảm.

Ông Hùng chia sẻ: “Cũng như nhiều NTD khác, tôi giật mình khi qua thực nghiệm của chính nhà sản xuất cho thấy tính an toàn của một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại dễ bị tác động, can thiệp từ bên ngoài đến như vậy.

Dị vật trong điều kiện đủ ánh sáng, bằng mắt thường còn phát hiện được đã vậy, thử hỏi hóa chất đưa vào thì sao? Tính rủi ro về “Quyền được an toàn” của NTD chính là ở đây”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Tẩy chay” là “vũ khí” lợi hại của người tiêu dùng mà chẳng doanh nghiệp nào “thích” đối mặt”. (Ảnh: Phương Nhi)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Tẩy chay” là “vũ khí” lợi hại của người tiêu dùng mà chẳng doanh nghiệp nào “thích” đối mặt”. (Ảnh: Phương Nhi)

Liên quan tới việc luật sư của Coca Cola Việt Nam yêu cầu đình chỉ vụ án vì một số nguyên nhân trong đó có việc cho rằng không xác định được đơn kiện là vụ kiện của NTD (do không có hóa đơn), ông Hùng nhận xét:

Theo khái niệm được ghi trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại khoản 1, Điều 3: “NTD là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự, cũng theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, tại khoản 1, Điều 42 thì NTD có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ.

“Trong trường hợp NTD đã đưa ra sản phẩm họ mua về để sử dụng cho mục đích tiêu dùng thì theo ngôn ngữ pháp luật, họ đương nhiên là NTD.

Việc đưa ra điều kiện hóa đơn đã vô tình đã “gạt sang một bên” hàng triệu NTD khi một thực tế là không phải giao dịch mua bán nào cũng có hóa đơn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.

Liệu người bán đồ ăn không đảm bảo chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng, như dẫn đến ngộ độc thực phẩm chết người thì họ có “phủi tay” được không? Pháp luật có “khoanh tay” không? Tôi nghĩ chắc là không.

Vì bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoa học cơ quan chức năng chắc sẽ không cần đến cái hóa đơn ấy.

Hơn nữa, việc cung cấp hóa đơn thuộc trách nhiệm của chính tổ chức, cá nhân kinh doanh, theo quy định tại khoản 1, Điều 20, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Việc không cung cấp hóa đơn cho NTD là lỗi của người bán chứ không phải lỗi của NTD” – ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng lưu ý: Chính vì khách hàng mua ở đại lý, với sản phẩm mang nhãn của hãng Coca Cola Việt Nam, NTD mới kiện hãng ra tòa.

“Nếu chai nước cam ép đó không phải của Coca Cola Việt Nam thì việc chứng minh mình không có lỗi là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, được quy định tại khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Trong trường hợp này, hãng Coca Cola Việt Nam phải chứng minh khi cho rằng chai nước vật chứng không phải là sản phẩm do mình sản xuất”.

Với câu hỏi liệu trong thời gian tới, Coca Cola có thể “phủi tay” với tất cả những sản phẩm lỗi chứa “dị vật” khi viện cớ vào việc nắp chai dễ dàng mở ra rồi đóng lại như “nguyên đai nguyên kiện”, ông Hùng đưa ra quan điểm:

“Theo tôi nghĩ, nhà sản xuất có tầm nhìn nào cũng nhận ra cái giá phải trả khi “phủi tay” trách nhiệm với NTD. “Tẩy chay” là “vũ khí” lợi hại của NTD mà chẳng doanh nghiệp nào “thích” đối mặt”.

Không ai lấy tính mạng ra thí nghiệm để chứng minh thiệt hại

Liên quan tới lập luận của đại diện Coca, khách hàng chưa chứng minh được thiệt hại vì đã sử dụng chai nước ấy đâu mà thiệt hại, Tổng thư ký của Vinastas đã bày tỏ sự không đồng tình.


Dị vật trong chai nước này được xác định là ống thủy tinh bị thủng hai đầu, có độ dài là 8,9cm. (Ảnh: Công ty Luật TNHH YouMe cung cấp)

Dị vật trong chai nước này được xác định là ống thủy tinh bị thủng hai đầu, có độ dài là 8,9cm. (Ảnh: Công ty Luật TNHH YouMe cung cấp)

“Một câu hỏi đặt ra, liệu có ai thần kinh bình thường mà đem sức khỏe, tính mạng của mình ra thí nghiệm cho việc chứng minh thiệt hại bằng cách uống chai nước ép có chứa tạp chất và dị vật thủy tinh để đổi lấy việc bồi thường mà giá trị chỉ là một chai nước cam ép?

Bản thân việc mua một sản phẩm không sử dụng được đã là thiệt hại về kinh tế rồi.

Giả sử có NTD không bình thường nào đó chứng minh theo cách trên và đưa ra bằng chứng cho thiệt hại về sức khỏe, tinh thần thì hậu quả pháp lý cho người chịu trách nhiệm sẽ còn lớn hơn rất nhiều” - ông Hùng nói.

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ, vì vậy, đại diện của Vinastas cho rằng: Còn quá sớm để bình luận về việc Coca Cola có nên nhận lỗi và xin lỗi hay không.

“Tôi nghĩ, việc bồi thường thiệt hại với giá trị một chai nước cam ép thì không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, mà chính vì muốn bảo vệ danh tiếng, hãng Coca Cola Việt Nam mới chứng minh đây không phải sản phẩm của mình”.

Tuy nhiên, việc Coca Cola muốn chứng minh “đây không phải sản phẩm của mình” đang gặp nhiều bất lợi sau khi Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) - đại diện kiểm nghiệm sản phẩm lỗi công bố kết quả.

Trên tờ Gia đình và Xã hội, Đại tá Hà Quốc Khanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự kết luận:

Thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của dung dịch trong chai thủy tinh có nhãn Minute Maid Splash mà khách hàng mua tương tự với thành phần và các chỉ tiêu lý hóa của các mẫu do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp làm mẫu so sánh.

Ngày 5/10/2011, bà Nguyễn Thị Bình Minh có mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu “Minute Maid Splash” (sản xuất ngày 29/06/2011, hạn sử dụng ngày 29//12/2011) do chi nhánh công ty nước giải khát Coca Cola VN tại Hà Nội sản xuất.

Sau khi mang về nhà để sử dụng, bà Minh phát hiện trong số đó có một chai “Minute Maid Splash” (hiện trạng chai vẫn còn nguyên nắp chưa bị bật) chứa nhiều tạp chất và hai ống thủy tinh vỡ bên trong.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Minh đã thông qua công ty Luật TNHH Youme khởi kiện Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội.

Sau 4 năm chờ đợi và nhiều lần trì hoãn, sáng 15/9, phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này đã được mở ra tại Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Trước đề nghị của phía Coca là triệu tập thêm Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), người bán hàng, người làm chứng, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố hoãn phiên xử và dự kiến phiên xử tiếp theo vào sáng ngày 23/9 tới.

Chuyên gia marketing
Ông Hoàng Tùng
Trong sự việc này, Coca Cola có thể đã thắng kiện người tiêu dùng tại tòa với những lập luận của Coca Cola: 1.Người mua hàng phải có hóa đơn chứng minh. 2.Chai nước có thể mở ra để cho dị vật vào dễ dàng có thể tạo nên những cuộc khủng hoảng mới tiêu cực đối với thương hiệu Coca Cola.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại