Thực hư chuyện 'vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai' tại xứ Nghệ

Việt Hương-Cảnh Huệ |

Trước thông tin hàng loạt hộ nuôi lươn thương phẩm tại Nghệ An dùng thuốc tránh thai của người để vỗ béo lươn, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng để thu lợi, các ngành chức năng vào cuộc, lên tiếng về vấn đề này.

Ngày 14/10, PV Tiền Phong có mặt tại hộ gia đình anh Trần Ngọc Duyên, xóm 16 xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An), hộ dân được một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh là có dùng thuốc tránh thai của người để vỗ béo cho lươn nhằm rút ngắn thời gian để bán lươn thương phẩm trục lợi.

Tại đây có khoảng 5-6 hộ nuôi lươn khác đang học hỏi mô hình nuôi lươn của anh Duyên để cải tạo cuộc sống nhà nông, các hộ này tỏ ra bức xúc về thông tin dùng thuốc tránh thai để cho lươn ăn.

Tại khu nuôi lươn của anh Duyên có 4 bể, tuy nhiên chỉ có 2 bể nuôi lươn và 1 bể nuôi ba ba và rắn lục hoa nhưng tất thảy để là con giống, không phải nuôi lươn thịt như các báo đã đưa tin.

Chị Nguyễn Thị Lương (vợ anh Duyên) ấm ức: “Gia đình tôi nuôi lươn giống được 3 năm nay, mỗi năm xuất 3-4 đợt (mỗi đợt 3-4 tạ) lươn giống chủ yếu cho các mô hình tăng gia của bộ đội và các huyện khác tìm về.

Chúng tôi không nuôi lươn thịt nên không lý gì lại dùng chất kích thích để vỗ béo nó”.

Trước những thông tin người nuôi lươn đồng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên “vỗ béo” lươn bằng thuốc tránh thai dành cho người, nhiều hộ nuôi lươn ở huyện Hưng Nguyên khẳng định không có việc này.

Cả người được cho là để lộ thông tin “vỗ béo” lươn bằng thuốc tránh thai khẳng định không có việc gia đình anh làm như vậy.

Và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trước những thông tin thất thiệt trong thời gian qua đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, người chăn nuôi và đặc biệt ảnh hưởng đến thương hiệu lươn đồng xứ Nghệ.

Chị Lương nói: “Nhà tôi bán lươn giống nhưng có hàng trăm hàng ngàn hộ dân khác nuôi lươn thịt và thương hiệu lươn xứ Nghệ bị ảnh hưởng thì ai chịu trách nhiệm chỉ vì những lời nói đùa của đàn ông với nhau”.

Anh Duyên cho biết, nguồn giống lươn không phải khi nào cũng có, anh phải đặt hàng từ người dân đi “trúm” (bắt) từ đồng ruộng, gom góp lại để thuần dưỡng trong bể nước sạch rồi mới bán đi cho người khác về nuôi.

Lươn giống được người dân bắt về trong môi trường sống trong bùn đất, nên nước sạch cực kỳ khó sống.

Lươn được nuôi trong môi trường sạch, thức ăn là cá rô phi được xay nhuyễn trộn với 1% cám (tạo độ keo dính của thịt cá); mỗi lần cho lươn ăn xong, gia đình anh phải thay nước, nếu để lâu thức ăn ngấm vào, con lươn sẽ bị nấm và chết.

Được giao quyền phát ngôn cho huyện nhà khi các lãnh đạo đang bận tham dự kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, chị Bá Thị Dung, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên khẳng định:

“Không chỉ hộ anh Duyên mà trên 10 hộ của huyện Hưng Nguyên nuôi lươn thương phẩm đều được chúng tôi theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên.

Chúng tôi theo dõi sát sao họ nên khi đọc những thông tin trên các phương tiện báo chí vừa qua quả thật rất bất ngờ và khó chịu.

Chúng tôi đã cử đoàn xuống tận các hộ dân để lấy mẫu, tiến hành xác minh và đang làm báo cáo để trình lên các cấp xem xét trước khi gửi công văn chính thức đến báo chí”.

Tại Nghệ An hầu hết các quán cháo lươn, súp lươn nổi tiếng thưa dần khách ăn. Anh Nguyễn Hữu C, chủ nhà hàng lươn đồng tại phường Trường Thi, thành phố Vinh bức xúc:

“Từ việc chật kín bàn ăn mỗi sáng đến thưa thớt vài chục khách mỗi ngày làm cho chúng tôi ế ẩm hàng hóa. Mong chính quyền các cấp sớm can thiệp để trả lại thương hiệu cho lươn xứ Nghệ”.

Khoảng một tuần lại nay, trên một số trang báo, trang mạng phản ánh thực trạng nguồn lươn xứ Nghệ được người nuôi dùng thuốc tránh thai của người để vỗ béo - khiến thương hiệu lươn xứ Nghệ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại