Hàng loạt nghi vấn số liệu trong Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới và 23 phường đã được ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm chỉ ra.
Ông Kiên đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan về những sai phạm, bất cập trong đề án tách huyện Từ Liêm.
Theo ông Kiên, số liệu, thông tin trong đề án của huyện Từ Liêm có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP.
Theo đề án, trụ sở UBND huyện Từ Liêm hiện tại sẽ thành trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm.
Ông Kiên chỉ ra, số liệu trong đề án không thống nhất giữa phần chi tiết và tổng hợp, mật độ dân số tính sai khi trừ đi diện tích mặt nước, công viên, đất không thể cư trú...; sử dụng việc "làm số" khi di chuyển dân từ vùng này sang vùng khác; làm "biến mất" 461 người tại Cổ Nhuế, tăng 2.401 người tại xã Đại Mỗ...
Đáng chú ý, đề án đã khiến cho toàn bộ 9,3 ha đất bên phía bắc quốc lộ 32 thuộc xã Xuân Phương chuyển về phường Tây Tựu không có một bóng người”; 3,3 ha đất thuộc thị trấn Cầu Diễn, một địa bàn đô thị hóa 100% chuyển về phường Cổ Nhuế 1 cũng không có một bóng người; 1,6 ha đất thuộc thị trấn Cầu Diễn (đô thị hóa 100%) chuyển về phường Cổ Nhuế 2 cũng không có một bóng người...
Cũng theo ông Kiên, sau khi có thông tin phản ánh về số liệu, đề án cũ trên Cổng thông tin điện tử huyện Từ Liêm (trình HĐND huyện Từ Liêm ngày 5/12/2013) đã bị gỡ đi và thay vào đó là bản cập nhật mới (ngày 10/12). Trong đó, nhiều chỉ tiêu tăng thêm trên 100%, cá biệt có chỉ tiêu tăng gần 300%.
Đơn cử, xã Thụy Phương trong đề án với số liệu mới có 2 Trung tâm TDTT (nhà thi đấu, câu lạc bộ) nhưng thực tế trên địa bàn xã này chưa có trung tâm nào.
"Số liệu giữa đề án trình HĐND và trình Chính phủ có sự khác nhau quá lớn. Vậy việc lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến đại biểu HĐND có ý nghĩa gì?", ông Kiên đặt câu hỏi.
Xung quanh nghi vấn "làm đẹp" số liệu, trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 19/12, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, ông Lê Văn Thư cho rằng việc nhầm lẫn về con số là chuyện bình thường, vì trong quá trình xây dựng từ 2006, đề án điều chỉnh địa giới huyện đã trải qua 5 lần sửa đổi, bổ sung.
Ông Thư khẳng định Từ Liêm vẫn đủ tiêu chuẩn để tách thành 2 quận mới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên đánh giá, bản đề án của huyện Từ Liêm chỉ phù hợp nếu đưa cả huyện Từ Liêm hiện tại lên thành 1 quận.
Tuy nhiên khi tách thành 2 quận thì phải so sánh các số liệu dân cư, hạ tầng... trên từng đơn vị quận và trên thực tế các chỉ số này không đủ đáp ứng theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP và Thông tư 34/2009 của Bộ Xây dựng.
Nếu tách thành 2 quận như đề án, Nam Từ Liêm sẽ là khu vực phát triển hơn hẳn (nơi tập trung các doanh nghiệp lớn), Bắc Từ Liêm sẽ kém phát triển, vì không có cơ sở hạ tầng, không có nguồn thu để bù đắp.
Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm đã được 32/33 đại biểu HĐND huyện Từ Liêm thông qua vào ngày 5/12.
Ông Nguyễn Hữu Kiên là đại biểu duy nhất không đồng ý với đề án này.
Theo ông Kiên, phương án tối ưu là tách một số xã giáp ranh chuyển sang các quận Tây Hồ (hiện có 8 phường); Cầu Giấy (8 phường); Thanh Xuân (11 phường. Phần còn lại thành lập quận Từ Liêm.
Trong trường hợp không thể chuyển bớt các xã, huyện Từ Liêm vẫn chỉ nên thành lập 1 quận trọng điểm là quận Từ Liêm, tập trung vào đội ngũ cán bộ. Cán bộ nào “kém chất lượng trong quản lý”, không đáp ứng được thì thuyên chuyển, tìm người có năng lực về làm.
Ông Kiên cho biết, đề án dày 78 trang nhưng các đại biểu chỉ được cầm trước khi vào họp đúng 5 phút.
Ngày 6/12, 89/95 đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhất trí phương án tách Từ Liêm thành 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Phương án cuối cùng sẽ được Thủ tướng Chính phủ thông qua.