ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chủ tịch nước, theo đánh giá của cử tri cả nước là người gương mẫu trong lối sống, trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi cho dân, cho nước.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống tư pháp của đất nước; luôn gắn bó với cử tri, nuôi dưỡng được tình cảm cách mạng với nhân dân, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Sắp tới đây, theo Hiếp pháp 2013, Chủ tịch nước có quyền tham dự các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ họp về các vấn đề mà Chủ tịch nước thấy cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua việc này chưa thấy làm.
ĐB Nghĩa đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước với vai trò nguyên thủ quốc gia phải đóng góp nhiều mặt hơn trong nhiệm vụ của Nhà nước, đặc biệt là quốc phòng, ngoại giao và có vai trò đặc biệt trong kiểm soát quyền lực
Về hoạt động của Chính phủ, ĐB Nghĩa cho hay, trong tình hình hiện nay, cử tri lo lắng nếu điều hành theo cung cách cũ thì không tránh khỏi rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện, làm suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia, nhiệm kỳ qua chưa giảm được. Phạm pháp lan tràn và ngày càng táo tợn, công khai.
"Trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng Chính phủ có vai trò chủ công. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng, giá mà Thủ tướng sớm kỷ luật vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn. Không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa,
Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây, cần phải cải cách cách thức điều hành. Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ.
Chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ", ông Nghĩa nêu rõ.
Đối với ngành Tòa án, ĐB Nghĩa cho hay, việc thay đổi tòa án nhân dân tối cao như hiện nay là một cuộc cách mạng có ý nghĩa tích cực, thay đổi nền tư pháp, thay vì hàng trăm thẩm phán TANDTC thì nay chỉ còn 15 - 17 người.
Ông Nghĩa đề nghị Chánh án TANDTC cần tiếp tục chấn chỉnh đội ngũ thẩm phán về năng lực, đạo đức để quyền tư pháp đóng vị trí, vai trò tương xứng được quy định tại Hiến pháp 2013.
Với Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, cử tri mong rằng, cần tranh thủ nhiều hơn và dũng cảm hơn trong việc thực thi quyền hạn, trong vai trò kiểm sát thi hành luật pháp.
Ông Nghĩa cũng nêu rõ, trong quan hệ với các cơ quan thi hành pháp luật vẫn còn nể nang nên cần phải có dũng khí mạnh hơn, để đảm bảo quyền công dân, theo Hiến pháp, Luật.