Trong bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đề xuất năm 2014, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn, (trong đó 2 môn bắt buộc là toán và văn, hai môn tự chọn), môn ngoại ngữ là môn tự chọn. Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc không áp dụng miễn thi tốt nghiệp 20% cho học sinh trong năm 2014.
Thủ tướng đã đồng ý với phương án thi tốt nghiệp năm 2014 đồng thời, đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014, theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh.
Trước đó việc lựa chọn môn thi gây nhiều tranh cãi. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT): Ngoài phương án thi 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn, Bộ GD-ĐT còn phương án thi 5 môn.
Theo đó, thí sinh sẽ thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 2 môn khác là tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.
Với môn ngoại ngữ: Thí sinh GDTX và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.
Hình thức thi: Toán, Ngữ văn, Địa lí, Lịch sử thi tự luận; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm; Ngoại ngữ có 2 phần thi trắc nghiệm và viết luận.
Phương án thi này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu, do đó không có tác động đến đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong 2 phương án, Bộ nghiêng về phương án 1 hơn. Nếu được dư luận đồng tình được thì sẽ áp dụng ngay trong năm học này.
Hiện chủ trương bỏ ngoại ngữ là môn bắt buộc thi tốt nghiệp đang dậy sóng dư luận. Có ý kiến cho rằng: “Giáo dục của đất nước đang hướng tới đào tạo "công dân toàn cầu". Điểm yếu của nguồn lực lao động Việt Nam khi hội nhập là ngoại ngữ. Cần đưa môn ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc như ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết”.
Cũng có ý kiến cho rằng dự thảo này lại quay trở về 25 năm trước: “Trước đây thi tốt nghiệp 4 môn, hiện tại thi 6 môn, bây giờ lại chuẩn bị thi 4 môn. Trước đây thi đại học đề riêng, hiện tại thi đề chung, bây giờ chuẩn bị thi đề riêng.
Trước đó từng phát biểu về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan còn gợi ý nên nghiên cứu xem xét việc bỏ thì tốt nghiệp THPT.
Bà cho rằng: bây giờ không phải là lúc chúng ta nói chung chung, bây giờ là lúc đổi mới tư duy và xác định mục tiêu cụ thể từng cấp học.
Bà lập luận "tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. Vậy Bộ có thắt chặt được không. Nếu thắt thì phải thắt khâu quản lý, thắt quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này", bà Doan nói.
Theo bà Doan, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đầu tiên là phải có nhân cách. Bậc tiểu học là quãng thời gian quan trọng để hình thành, chi phối cả quá trình phát triển sau này.
"Nếu chúng ta xác định mục tiêu của các cấp học là số lượng, bằng cấp và nặng về lý thuyết thì chúng ta cứ giữ đào tạo như hiện nay, việc gì phải đổi mới” - bà nói.
Một vấn đề nữa, là các kỳ thi tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, lãng phí, tốn kém tiền của của xã hội. "Chúng ta cần phải thay đổi sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại rất tốn kém. Phải xác định bắt đầu từ người thầy. Đào tạo cái người ta cần hay đào tạo bằng cái mình có. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo”, bà Doan kết luận.