Chính phủ có thể lắng nghe sát người dân hơn
“Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”.
Đó là những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ năm mới của Văn phòng Chính phủ.
Đứng trên góc độ truyền thông, ông Trần Chiến Bình, CEO Teamwork PR đánh giá đây là một chỉ đạo đúng đắn, thiết thực và thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ:
"Việc Thủ tướng chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt đưa thông tin chính thống của Chính phủ lên mạng xã hội cho thấy Thủ tướng đã có những trải nghiệm và nghiên cứu kỹ ứng dụng của mạng xã hội cũng như hiệu quả truyền thông các chính sách đến với người dân.
Tôi tin rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng được các Bộ ngành thực hiện triệt để sẽ tạo ra những kết quả truyền thông tích cực trong tương lai gần, tạo thêm một cầu nối thông tin hai chiều, hiệu quả giữa Chính phủ và người dân", ông Bình bày tỏ.
Ông Bình cũng cho hay, thực tế hiện nay, tình hình phát triển mạng xã hội tại Việt Nam đang rất mạnh mẽ, số lượng người dùng đang tăng nhanh, đặc biệt nhóm người dùng trẻ tuổi.
Theo một báo cáo về tình hình sử dụng mạng xã hội của We are social có trụ sở tại Anh thì tính đến đầu năm 2014 Việt Nam có tới hơn 36 triệu người dùng internet, 20 triệu người dùng Facebook.
Và hơn 134 triệu thuê bao di động, trên dân số hơn 92 triệu người gồm 31% sinh sống ở thành thị và 69% ở nông thôn.
Bên cạnh đó những số liệu về tỷ lệ sử dụng mạng xã hội, thời gian trung bình người dùng sử dụng mạng xã hội, tỷ lệ truy cập mạng xã hội trên di động.. được báo cáo là rất cao và rất tiềm năng.
"Mạng xã hội là nơi mà Chính phủ có thể truyền thông những chính sách của mình hiệu quả, nhưng ngược lại cũng là nơi Chính phủ có thể lắng nghe được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân.
Vì vậy việc sử dụng mạng xã hội sẽ xuất phát từ nhu cầu của các quan chức, chỉ khi họ có nhu cầu truyền thông và lắng nghe người dân họ sẽ sử dụng mạng xã hội và tận dụng triệt để ứng dụng của mạng xã hội", ông Bình nhấn mạnh
Thể hiện rõ tư tưởng vì dân
Đồng quan điểm đó, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam cũng cho rằng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện sự đột phá, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc đổi mới tư duy về thông tin.
"Quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta lúc nào cũng lấy gốc là của dân, vì dân, chính vì vậy, việc truyền tải các thông tin chính đáng, không phải bảo mật đến với người dân là chuyện không có gì đáng ngại.
Thêm vào đó, vấn đề dân biết, dân bàn, dân kiểm tra cũng luôn luôn được chúng ta nhấn mạnh đến, việc truyền tải những thông tin chính thống chính là để người dân biết và giám sát, kiểm tra.
Do đó, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng ở đây chính là nhằm thực hiện tốt hơn những tư tưởng trên để điều hành, quản lý cũng như phục vụ, đảm bảo thông tin chính thống nhanh chóng, hiệu quả đến người dân", ông Tuấn Anh nói.
Thêm vào đó, ông Tuấn Anh cũng chia sẻ, thực tế, hiện nay, Việt Nam có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook nên việc truyền tải các chủ trương, chính sách một cách triệt để qua đây, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.
"Xã hội ngày càng phát triển, người dân nắm bắt thông tin rất nhanh nhất là qua mạng xã hội, trong khi đó, nhiều thông tin dạng tin đồn, không chính xác, gây hoang mang.
Vì thế, việc đẩy mạnh đưa thông tin lên mạng xã hội như chỉ đạo của Thủ tướng là cách tốt nhất để chúng ta hạn chế những tin đồn thất thiệt.
Cùng với đó, người dùng mạng xã hội đa phần là các bạn trẻ nên nếu chúng ta bỏ quên hoặc thực hiện chậm sẽ khó có thể đi được tới, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp quan trọng nhất ở Việt Nam chúng ta", ông Tuấn Anh bày tỏ.
Ông Tuấn Anh cũng cho hay, với những lợi thế về ứng dụng đa dạng, sự tức thời và nhất là lợi thế chia sẻ của mạng xã hội, sẽ giúp các thông tin chính thống đến nhanh hơn, đẩy lui các thông tin đồn đoán, thiếu chính xác.
"Không những vậy, việc đẩy mạnh thông tin lên mạng xã hội như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng sẽ giúp cho chính các lãnh đạo chủ động chuyển từ vị trí "phòng thủ" sang "tấn công" bằng cách cung cấp các thông tin xác thực.
Phải làm sao kênh của Nhà nước là nơi có thông tin chuẩn đầu tiên, chính xác nhất. Và cũng từ đó, lắng nghe được những ý kiến đóng góp của người dân", ông Tuấn Anh bày tỏ thêm.
Quan trọng hơn, theo ông Tuấn Anh, chúng ta cần có các chính sách quy định rõ ràng về trách nhiệm thông tin đối với cá nhân:
"Các cá nhân phải có trách nhiệm về pháp luật. Điều này sẽ hạn chế các thông tin không tốt và buộc tự cá nhân phải lọc thông tin sao cho đảm bảo chính xác, khách quan nhất trước khi công bố", ông Tuấn Anh khẳng định.