‘Cứu’ thí sinh 26 điểm trở lên
Theo thống kê kết quả thi của thí sinh vào chuyên ngành Bác sỹ Đa khoa, ĐH Y Hà Nội năm 2013 có 45 thí sinh đạt 29,5; 407 em đạt 28 trở lên; 568 em đạt 27,5 trở lên và 718 thí sinh đạt 27.
Điểm chuẩn vào ngành Bác sỹ Đa khoa, ĐH Y Hà Nội lên đến 28 điểm.
Có thể nói, sự gia tăng đột biến số thí sinh đạt điểm thi từ 27 điểm trở lên tăng vọt làm “đau đầu” lãnh đạo Trường ĐH Y với bài toán điểm chuẩn ngành Bác sỹ Đa khoa.
Bởi chỉ tiêu của ngành cao nhất Bác sỹ Đa khoa là 450 chỉ tiêu (đã trừ số em được tuyển thẳng, xét tuyển). Như vậy, bắt buộc nhà trường phải đưa ra mức điểm chuẩn là 28 điểm để không bị vượt chỉ tiêu cho phép. (thừa 40 chỉ tiêu).
Và để ‘cứu’ thí sinh điểm từ 26 – 27,5, ngày 2/8 Trường ĐH Y đã đề xuất Bộ GD và Bộ Y tế cho phép trường mở thêm lớp Bác sỹ Đa khoa ngoài ngân sách với 150 chỉ tiêu.
Theo lãnh đạo ĐH Y Hà Nội, đây chỉ là giải pháp tình thế của trường để giải quyết bài toán tuyển sinh năm 2013, giải thoát cho trường tránh gây ‘scandal’, giảm nhiệt dư luận xã hội.
Cũng theo vị lãnh đạo này, thực tế, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế có con trượt ĐH Y Hà Nội sẽ sẵn sàng cho con sang Trung Quốc du học với mức kinh phí hơn 100 triệu. Vì vậy, thật là lãng phí nếu ĐH Y không mở thêm lớp đào tạo ngoài ngân sách.
Hà Nội thiếu hơn 1000 bác sỹ
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, PGS.TS Lê Ngọc Thành - Phó giám đốc Bệnh viện E, Giám đốc Trung tâm Tim mạch nói: “Tôi rất tiếc khi nhiều em dự thi ĐH Y Hà Nội có điểm cao (trên 9 điểm 1 môn) vẫn trượt. Em nào đạt 3 điểm 8 thi đại học là đã phí rồi. Theo tôi, ĐHY Hà Nội giống như ĐHY TP HCM là hai cơ sở lẽ ra phải cho chỉ tiêu gấp đôi so với các trường khác bởi bác sỹ giỏi hiện nay vẫn rất thiếu”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng nguồn nhân lực y tế vẫn còn thiếu. (ảnh minh họa).
PGS.TS Lê Ngọc Thành giải thích, ĐH Y Hà Nội đào tạo chất lượng bác sỹ đa khoa tốt nhất hiện nay. Có một thực tế hiện nay, chúng ta cực kỳ thiếu bác sỹ có chất lượng, ngay Hà Nội thiếu hơn 1000 bác sỹ.
“Theo tôi để có nhiều bác sỹ chất lượng cao được tào tạo cơ bản, nên chăng hai trường ĐHY Hà Nội và Y TP HCM cần tăng chỉ tiêu đào tạo chứ không chỉ tiêu ‘sàn’ như hiện nay.
Lãnh đạo Trường ĐH Y, Bộ GD và Bộ Y tế nên cùng ngồi với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ việc này. Đừng dựa vào nhà nước nhiều quá. Tôi biết nhiều gia đình sẵn sàng cho con tiền đóng học ngay”, Phó GĐ BV E kiến nghị.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Bản thân tôi ủng hộ ĐH Y Hà Nội mở thêm một lớp cho những thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt vì các em cũng học giỏi và nguồn nhân lực y tế vẫn thiếu”.
Về phía Bộ GD, Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo chí, hiện nay Bộ GD đang tập hợp kết quả tuyển sinh của các trường, đề xuất của ĐH Y sẽ được cân nhắc kỹ và sớm có hướng giải quyết.
Việc mở lớp ngoài ngân sách ‘cứu’ thí sinh không phải vấn đề mới. Bởi trước đó, Bộ GD đã có cơ chế để giúp các thí sinh điểm cao có nguyện vọng vào trường nhưng không đủ điểm chuẩn.
Hiện, lãnh đạo ĐH Y, phụ huynh và những học sinh giỏi đang chờ mong, đặt nhiều hy vọng vào đề xuất này.