Ông Đàm cũng cho rằng, đề xuất này mới là suy nghĩ cần nghiên cứu thêm.
Sáng nay (23/10), một lần nữa đại diện Thành phố HCM đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban ngành xem xét cho thí điểm quy hoạch phố karaoke, massage… để dễ quản lý, phòng chống hoạt động mại dâm.
Đề xuất trên được ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Phòng chống Tệ nạn Xã hội Thành phố HCM đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011-2015), do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Ông Quý cho rằng, phòng chống mại dâm cực kỳ khó khăn, phức tạp, nên việc ngăn chặn triệt để là điều không tưởng.
Theo đó, tiếp viên nữ tại các điểm kinh doanh karaoke, massage, xoa bóp… phần lớn không có lương, các chế độ bảo hiểm dù họ được chủ cơ sở ký hợp đồng lao động để qua mặt lực lượng kiểm tra.
“Nên chăng quy hoạch các hoạt động dịch vụ nhạy cảm thành khu vực riêng để dễ quản lý, đảm bảo chế độ cho người lao động, như khám sức khỏe, đảm bảo lương, chế độ… không để xảy ra mất trật tự xã hội”, ông Quý nói.
Đáp lại, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đề xuất của Thành phố HCM mới là suy nghĩ cần nghiên cứu thêm.
Theo ông Đàm, cần phải tính toán toàn diện, vì không phải dịch vụ karaoke, massage… nào cũng hoạt động thiếu lành mạnh. Do đó, cần xét theo khía cạnh các dịch vụ cần tiện lợi với nhu cầu người dân.
Ngoài ra, theo ông Đàm, không ai dám chắc khi đã quy hoạch vào một khu vực, các khu vực khác sẽ không phát sinh thêm.
Do đó, giải pháp chính vẫn là tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, đặc biệt cấp phường/xã. “Nếu đề xuất của Thành phố HCM mà hiệu quả, khả thi thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng tới lúc này chưa nói được đó là cách làm hay”, ông Đàm nói.
Gần đây nhiều ý kiến đề xuất nên công nhận mại dâm là một nghề và có hành lang pháp lý để quản lý, thay vì cấm đoán và phòng chống không đem lại mấy hiệu quả như vừa qua.
Đáp lại, ông Đàm cho rằng: Không thể nói quan điểm cá nhân là thừa nhận hay không. Vì phải căn cứ theo truyền thông, đạo lý, chuẩn mực giá trị xã hội đã được cha ông ta xây dựng.
“Chúng ta phải kế thừa, cái gì không chấp nhận được về mặt xã hội phải đấu tranh. Không thể học theo các nước khác coi đó (mại dâm – PV) là một nghề, công việc hợp pháp để ứng xử.
Đối với Việt nam, không biết sau này thế nào, nhưng trước mắt chưa thuận được”, ông Đàm nói.
Thống kê cả nước của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Trong đó, tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Nam Bộ (3.200 người), Đồng bằng sông Cửu Long (1.374 người)…
Tuy nhiên, báo cáo cũng nên rõ, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, do hoạt động mại dâm khó kiểm soát, phức tạp, tinh vị.