Thông tư 55 của Bộ GD được ban hành quy định về đào tạo liên thông đại học khiến nhiều người lo lắng, liệu những người học cao đẳng, trung cấp (CĐ, TC) có được liên thông đại học hay không thậm chí là phản đối và cho rằng việc thực hiện cần có lộ trình, nên tạm hoãn để chuẩn bị.
Quy định mới này yêu cầu những người đang học cao đẳng, trung cấp muốn liên thông đại học bằng chính quy phải dự thi ba môn văn hóa theo đề chung của Bộ GD (nếu chưa tốt nghiệp đủ 36 tháng) hoặc đợi 3 năm lấy kinh nghiệm và thi 3 môn trong đó có 2 môn chuyên ngành theo quy định của trường liên thông.
Hầu hết, những sinh viên đang theo học CĐ, TC đều cho rằng Bộ GD đang “giết chết” hệ này và chặn đứng cánh cửa đại học của họ. Cũng không ít ý kiến đồng tình với quan điểm của Bộ GD bởi đây là chủ trương đúng đắn nhằm siết chặt “loạn” liên thông, loạn bằng đại học hiện nay.
Trả lời trong chương trình: “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” phát sóng tối qua ngày 27/01, Bộ trưởng Bộ GD, Phạm Vũ Luận nói, đào tạo liên thông sẽ chỉ dành cho những sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng đã có thời gian làm việc thực tế tại các cơ sở kinh tế, xã hội. Vì vậy, những trường hợp học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, chưa có thời gian công tác thực tế, mà muốn tham dự kỳ thi đại học, thì phải tham dự kỳ thi như các học sinh vừa tốt nghiệp THPT.
“Việc làm này nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của văn bằng là ngang nhau giữa đào tạo chính quy và đào tạo liên thông!” – Bộ trưởng GD nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD Bùi Văn Ga cho hay cần phải kiểm soát tình trạng tràn lan liên thông như hiện nay. Việc “siết” chặt tất nhiên sẽ khiến nhiều người phản đối.
Thứ trưởng Bộ GD Bùi Văn Ga cho rằng, lâu nay nhiều người vẫn hiểu nhầm mục đích của liên thông đại học.
“Nhiều người vẫn hiểu liên thông là một hệ mới, một hệ vừa học vừa làm và ra trường sẽ được cấp bằng chính quy. Trong luật giáo dục không hề quy định hệ đào tạo là liên thông cả, mà chỉ có hai hệ đào tạo là chính quy và thường xuyên. Vì thế, nếu muốn thi chính quy thì rõ ràng phải thi chung với đề thi đại học của Bộ”.
Thứ trưởng giải thích thêm, mục đích đào tạo CĐ, TC không phải là để học đại học mà là để đi làm việc.
“Nó có mục tiêu, sứ mệnh riêng. Nếu ai có khả năng, nếu thấy có thể thi được ngay thì thi cùng kỳ thi đại học. Còn ai muốn thể hiện qua hình thức chuyên môn thì cũng cần có thời gian tích lũy kiến thức chuyên môn từ các doanh nghiệp 3 năm”, ông Ga nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, thời gian 3 năm có quá dài để người học CĐ,TC có thể thi lên đại học hay không, ông Ga cho biết đây là khoảng thời gian mà người tốt nghiệp CĐ, TC ra thực hành, tích lũy kinh nghiệm, nếu có hứng thú tiếp thì thi liên thông.
Đặt vấn đề, nếu yêu cầu người học CĐ,TC phải thi đề thi đại học của Bộ mới được liên thông là quá khó và những kiến thức ở cao đẳng bị bỏ phí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Học cao đẳng 3 năm được lợi là nếu vào đại học luôn thì được giảm bớt 3 năm, được miễn trừ các môn đã học ở CĐ, TC và chỉ phải học 2 năm nữa là có bằng chính quy”.
Và Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng hy vọng, các trường thực hiện đúng theo quy định mới bởi đây là việc mà Bộ đã nghiên cứu rất kỹ.