Quảng Ninh: Cả người thu và người bị thu đều ấm ức
Dù chưa thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng sáng (28/2), tại trạm thu phí cầu đường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh vẫn diễn ra cảnh người thu phí liên tục phải giải thích với “nhà” xe và cuối cùng cánh tài xế miễn cưỡng móc hầu bao mua vé.
“Người dân có lý, nhưng chúng tôi cũng không sai bởi hợp đồng quyền thu phí tại trạm thu phí Bãi Cháy đến 30.12.2014 mới hết hạn” - ông Trịnh Quang Thông - Giám đốc Chi nhánh Cty CP An Sinh tại Quảng Ninh - đơn vị quản lý trạm thu phí cầu đường Bãi Cháy (một trong 4 trạm trên toàn quốc vẫn tiếp tục được phép thu phí cầu đường) - cho biết.
Biết không thay đổi được tình hình, tài xế xe tải Vũ Văn Thiết, quê Hưng Yên miễn cưỡng vào trạm mua vé tháng trong tâm trạng bức xúc: “Chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi - 1,8 triệu/năm - mà giờ vẫn phải mua vé cầu đường, trong khi nghe nói hôm nay là trạm Bãi Cháy phải dừng hoạt động”.
Có mặt ở phòng bán vé dài hạn, sáng 1/3, chúng tôi chứng kiến hầu như lái xe nào cũng có tâm trạng bức xúc như anh Thiết và đặt cùng câu hỏi với cán bộ, công nhân viên của Trạm thu phí Bãi Cháy.
Tại các bốt bán vé lượt ngoài đường, thỉnh thoảng có lái xe thò cổ ra, xẵng giọng với các nhân viên của trạm, nhưng cuối cùng vẫn phải mua vé. Ông Trịnh Quang Thông cho biết: “Từ đêm tới giờ, các tài xế đã húc gãy 6 barrier và tất nhiên có xe không mua vé”.
Theo Cty CP An Sinh, Cty này đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp làm việc Bộ GT-VT, Bộ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thống nhất lộ trình và phương án chuyển giao, nhưng đến nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho vấn đề trên.
“Hợp đồng khai thác trạm thu phí này là 5 năm, giờ mới được 3 năm. Trong khi đó, chúng tôi phải đi vay ngân hàng để nộp đủ số tiền trúng thầu là 332 tỉ đồng và đang nợ ngân hàng 99 tỉ đồng. Bây giờ dừng hoạt động mà không được bồi thường thì doanh nghiệp chết luôn” - ông Thông bức xúc.
Ông Sinh cho rằng, chủ trương dừng các trạm thu phí là đúng vì đã thu phí bảo trì đường bộ, nhưng phải có lộ trình, phương án.
Theo Cty CP An Sinh, mức đền bù để dừng hoạt động trạm thu phí Bãi Cháy trước thời hạn 2 năm là khoảng 288 tỉ đồng. Hiện, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt xe ô tô qua trạm, đạt doanh thu từ 170 - 200 triệu đồng.
Theo khảo sát của chúng tôi, các lái xe chỉ mua vé tháng, bởi nếu mua vé quý hoặc dài hạn hơn, trong trường hợp trạm dừng sớm thì mất công đi lấy lại tiền thừa. Ông Thông cũng thừa nhận về tình trạng này: “Chúng tôi cũng khuyên lái xe không nên mua vé dài hạn, bởi muốn lấy lại tiền thừa thì phải đợi chúng tôi đòi…Bộ Tài chính, vì đã nộp hết cho Bộ rồi.”
Bắc Ninh: Dân biết, trạm thu phí không hay
Tại trạm thu phí số 2 QL 1A đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, theo ghi nhận của phóng viên, việc thu phí vẫn diễn ra như chưa có gì thay đổi.
Qua tìm hiểu, hầu hết các nhân viên tại trạm thu phí không hay biết về quy định áp dụng thu phí vừa được ban hành cũng như phương án mua lại quyền thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT trước đó.
Trong khi đó, phần lớn người dân và các lái xe qua trạm khi được hỏi đều khá rõ về quy định và tỏ ra bức xúc bởi trạm thu phí vẫn hoạt động, còn Bộ GTVT lại chưa có động thái nào để “gỡ rối”.
Thực tế, việc người tham gia giao thông khu vực phía Bắc mà điển hình là các doanh nghiệp vận tải khách đi Lạng Sơn vừa phải đóng phí bảo trì từ đầu năm vừa phải xé vé hàng ngày khi qua trạm cầu Phù Đổng khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe tải mang biển kiểm soát Bắc Ninh phân trần: “Rõ ràng quy định đã rành rành, nhưng việc thu phí vẫn diễn ra như chưa có gì. Chúng tôi không thể hiểu nổi ai là người chịu trách nhiệm chính ở đây nữa. Chỉ chết doanh nghiệp, đã khó lại còn khó hơn”.
Nghịch lý trên cũng khiến Trạm trưởng trạm thu phí số 2 QL1, ông Nguyễn Văn Tú ái ngại, vì dù trạm cần tiền để hoàn vốn, nuôi sống cán bộ nhân viên nhưng chứng kiến cảnh người dân phải chịu 2 lần phí mọi người cũng không đành lòng.
Chính những nhân viên tại đây cũng xác nhận, việc thu phí đẩy người tham gia giao thông cũng như các doanh nghiệp vận tải qua đây vào cảnh “một cổ hai tròng”, song do phải thực hiện nhiệm vụ được giao, họ cũng không thể làm khác.
Qua tìm hiểu, cuối năm 2010, trạm thu phí số 2 QL 1A (Cầu Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) đã chính thức được chuyển giao cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng (Hà Đông, Hà Nội) thu phí.
Nghệ An: Lái xe phản đối thu phí đường bộ
Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, sáng 1.3 các xe qua trạm thu phí đường bộ Hoàng Mai vẫn phải mua vé như thường. Dù đây là thời điểm mà trước đó Bộ GTVT thông báo sẽ dừng việc thu phí đường bộ, nhưng mọi hoạt động ở trạm thu phí này vẫn diễn ra bình thường. Một số lái xe đã phản ứng bằng cách dừng xe, cãi cọ, thậm chí có người vào hẳn nhà điều hành to tiếng với cán bộ chỉ huy.
Anh Hồ Sỹ Tâm, chủ xe ô tô mang BKS 37N 7193 bức xúc: “Chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi, gần cả chục triệu đồng chứ ít ỏi gì. Sao lại bắt chúng tôi mua vé đường bộ nữa, làm như thế là moi của dân những hai lần tiền à”. Không riêng gì anh Tâm, nhiều lái xe đã lớn tiếng phản đối, gây nên cảnh ách tắc ở trạm thu phí này.
Bà Lê Thị Bình - Trạm phó Trạm thu phí Hoàng Mai cho biết: Công ty CP Anh Sinh là đơn vị trúng thầu thu phí tại Trạm Hoàng Mai. Ngày 27.2, Trạm nhận được công văn của Tổng Giám đốc, theo đó, trạm tiếp tục công việc thu phí bình thường.
Công văn cũng lý giải rõ, do công ty và Bộ GTVT cũng như các bộ ngành liên quan chưa thỏa thuận được với nhau về việc ngừng thu phí, mặc dù có thông tin cho rằng sẽ dừng thu từ ngày 1.3.
Bà Bình cũng cho biết: “Sáng nay có một số lái xe, chủ xe đã tỏ thái độ phản ứng, gây nên tình trạng tắc đường. Trạm đã cử người giải thích, vận động họ giữ thái độ bình tĩnh và trước mắt cứ chấp hành việc mua vé qua trạm cho đến khi cơ quan chức năng có các quyết định cụ thể. Còn anh chị em cán bộ thì chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo của công ty”.