Thú vui tao nhã
Những ngày giáp Tết, chúng tôi trở lại vùng đầu nguồn huyện An Phú để tìm một số hộ mê nuôi cá “khủng”.
Những người dân sống lâu năm ở đây cho biết, ngày trước cá mắm phong phú, trong đó loài cá hô cũng nhiều vô kể.
Thậm chí, người ta không thèm ăn những con cá hô nặng vài ba kg, mà chỉ làm thịt những con cá to nặng cả trăm kg.
Tuy nhiên, cái thời vàng son của loài “quái ngư” này đã lùi xa. Nghề của cha, ông từng bắt cá hô thuở trước cũng đi vào huyền thoại.
Ông Huỳnh Thanh Hồng (ngụ xã Khánh An) có thửa đất rộng khoảng 5.000m2, phía trước trồng kiểng, phía sau đào ao nuôi cá, trong đó có hơn 100 con cá hô đất.
Chỉ tay xuống ao đầy bông súng, anh Hồng cho biết, ban đầu chỉ thả vài ba con cá sặc, cá rô phi và cá chép.
Vào mùa nước nổi, thấy ngư dân đổ đáy dính nhiều cá hô con nên anh mới nảy sinh ý tưởng nuôi cá hô trong ao. Hàng ngày, anh Hồng đi thu gom từng con cá hô tại các luồng đáy để nuôi.
“Ngày trước, cá hô nhiều lắm! Người ta giăng lưới dính loài cá này nặng cả tạ. Có năm, những lão ngư phủ còn giăng lưới trúng một con trên 200kg.
Nhưng sau đó thì lượng cá hô trên sông giảm dần. Mùa lũ năm 2000, tôi dong xuồng theo các luồng đáy dặn người dân.
Suốt mùa lũ, chỉ mua được hơn 30 con cá hô giống. Sau hai năm, mới gom thả được khoảng 100 con. Nhờ mua giống cá thiên nhiên nên đàn cá phát triển mạnh và ít hao hụt” - anh Hồng cho hay.
Loài cá hô được xếp vào loại ăn tạp nhất nên rất dễ nuôi, chỉ cần thả đại trà dưới hầm, khỏi cho ăn vẫn sống. Đàn cá sặc, cá lòng tong dưới ao sinh sản mạnh làm thức ăn tươi sống cho những con cá hô.
Có được nguồn thức ăn phong phú và giàu chất dinh dưỡng nên những con cá hô lớn khá nhanh.
Anh Hồng cho biết: “Sau Tết năm ngoái, nguồn nước trong ao cạn dần, tôi kêu bọn trẻ dùng lưới kéo kiếm cá sặc, cá rô ăn. Nào ngờ dính nhiều cá hô, có con nặng khoảng 40kg ủi giàn lưới rách toang hoác.
Có lần, tôi mượn giàn lưới chắc chắn hơn đem kéo đã bắt dính được một con nặng 42kg”.
Cũng theo anh Hồng, đàn cá hô của anh đã nuôi trên 7 năm, đạt trọng lượng từ 15-40kg. Sở hữu được đàn cá to, anh rất tự hào vì đã góp phần bảo tồn được loài thủy sản đang nằm trong Sách đỏ.
“Thấy cá lớn mà ham, không dám làm thịt mà để nuôi hoài. Mấy người bạn ở Campuchia nuôi cá hô nhiều lắm, có người nuôi đạt trọng lượng gần trăm kg.
Do đó, tôi tiếp tục giữ lại đàn cá này, chừng nào nuôi đạt trọng lượng từ 100kg trở lên thì mới thỏa mãn…”- anh Hồng phấn khởi.
Nuôi chơi, ăn thiệt
Căn biệt thự của chị Nguyễn Thị Giang Phượng (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) nằm thoi loi bên cánh đồng lúa. Một lần đến chơi, mới biết chị không những đam mê trồng hoa lan mà còn thích nuôi cá hô dưới ao cạnh nhà.
Chị Phượng thiệt tình: “Ông xã nuôi cá hô được khoảng 5 năm, nhiều con cá hô đạt trọng lượng từ 30-50kg. Nguồn giống thu mua lại từ những chủ ao hầm cá tra trong tỉnh”.
Ao cá của chị Phượng rộng khoảng 1.000m2, độ sâu gần 4m, dưới ao chị cho thả đủ loại cá, gồm: Cá tra dầu, cá chép..., trong đó cá hô khoảng 1.000 con.
Đặc tính của loài cá này thích sống ở độ sâu và êm. “Cá hô rất nhút nhát, ban ngày cho ăn không thấy ngớp. Trời nhá nhem tối, chúng mới ngoi đầu lên.
Hiện tại, dưới ao của tôi xuất hiện rất nhiều hang sâu do cá hô khoét để trú ẩn”- chị Phượng quả quyết.
Nhớ lại những ngày đầu mua cá hô giống đem về thả nuôi, chị Phượng cứ tưởng rằng thả nuôi chơi, chứ không hề nghĩ cá sẽ đạt trọng lượng lớn như vậy.
Nào ngờ, chỉ vài năm sau, đến ngày giỗ ông bà, gia đình chị tổ chức gạn thử để bắt cá ăn thì mới phát hiện cá hô “bự”.
“Khi làm thịt rất ngon, da cá hô dai và giòn như da heo vậy. Cá hô kho lạt, nấu ngót hoặc nấu lẩu chua càng ngon. Không dám cho nhà hàng hay, hễ có cá hô to bao nhiêu họ cũng đòi mua, giá từ 300.000-1.000.000 đồng/kg”- chị Phượng khoe.
Ở phường Bình Đức, chú Hồ Văn Bé (tám Bé) cũng đang thả nuôi thử nghiệm trên 100 con cá hô giống trong ao đất khoảng 1.000m2.
Dưới ao, chú tám Bé còn trồng bông súng và chất chà để cá trú ẩn. Chú tám Bé cho biết, đã thả nhiều loại cá để hàng ngày giải trí sau những giờ làm việc vất vả.
Bên trên hầm, chú cất một cái “tum” lợp tôn để mọi người ra hóng mát và xem cá hô ăn.
“Tuổi đã ngoài lục tuần, công việc giao lại cho con. Tôi chỉ chăm sóc vườn, cây cảnh và cá dưới ao. Hàng ngày, tôi cho cá ăn thức ăn hoặc rau muống.
Mình nuôi cá hô không phải kinh doanh, mà để thưởng thức và rủ bạn bè đến câu cá giải trí...” - chú tám Bé phấn khởi.
Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết: Với đàn cá bố mẹ khoảng 100 con đã hoàn toàn thành thục sinh dục, trọng lượng dao động từ 5 – 17kg/con, hàng năm, Trung tâm có khả năng sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 con giống.
Mùa vụ sinh sản cá hô ngắn, dao động từ tháng 6 – tháng 10 trong năm.
Nhưng chúng có sức sinh sản rất cao, khoảng 700.000 trứng/kg cá cái, đồng thời tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở cũng đạt trên 90%.
Giá thương phẩm cá hô rất cao, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg nên ngư dân rất thích nuôi đối tượng này vì ngoài mục đích tiêu khiển, chúng còn là loài cá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ.
Theo các nhà chuyên môn, cá hô tên khoa học là Catlocarpio Siamensis, kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae) phân bố ở sông Mê Kông, có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong dân gian, người ta thường gọi “cá hô sông” và “cá hô đất”.
Thức ăn chủ yếu là động vật phù du, tảo, trái bần, các loại trái ven bờ rụng xuống, mùn bã hữu cơ và đất cát.
Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã nghiên cứu cho sinh sản thành công cá hô giống và cung cấp cho người nuôi.