Cái mác “bán hàng” phía sau công việc thực chất
Chủ quán hứa hẹn với nhân viên rằng chỉ phải "bán hàng" theo giờ nhưng thực chất hình thức “bán hàng” của họ là phải vắt kiệt sức về đêm, thậm chí cả ban ngày để “đẹp lòng khách”.
Trong vai một sinh viên vừa ra trường đang loay hoay đi tìm việc giữa khu du lịch “nức danh” của Hải Phòng là Đồ Sơn, tôi đã “chạm trán” những Tú bà đang ngày ngày âm thầm làm "công tác nhân sự" ở đây.
Không biển tuyển nhân viên, không có trung tâm giới thiệu việc làm… mọi hi vọng của tôi tưởng như tắt ngấm. Nhưng khi đánh liều bước chân vào một quán ăn với hi vọng tìm cho mình công việc bán hàng hoặc sẽ được họ “dẫn đường chỉ lối” tới với địa chỉ đỏ nào đó đang cần tuyển nhân sự, tôi đã được họ đón tiếp nồng nhiệt.
Giữ cho mình nét ngu ngơ trên khuôn mặt của một người lần đầu đi xin việc, tôi hỏi: “Chị ơi, cho em hỏi thăm, ở đây có tuyển nhân viên bán hàng không ạ?” và được họ kéo tay dẫn vào trong.
Cuộc phỏng vấn diễn ra nhanh chóng và ngay lập tức khiến tôi không có sự chuẩn bị. “Em đã có bạn trai chưa?”, “Em từ đâu tới?”, “Muốn thu nhập cao hay thấp?”... Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra vừa như dò xét thái độ vừa như muốn “kiểm hàng” qua câu trả lời của nhân sự.
Chủ cửa hàng nhỏ to với tôi nhưng từng nét mặt, cử chỉ vẫn rất thận trọng: “Nghề này cũng là nghề “làm dâu trăm họ” đấy em à”. Thấy tôi vẫn đang ngu ngơ trước hàng loạt những “tư vấn” của mình, chị chủ cửa hàng lại tiếp câu chuyện bằng những bài học, những kinh nghiệm cho những người “chân ướt chân ráo” bước chân vào nghề.
Vẫn là “bán hàng” nhưng phải “chiều” khách. Chị cũng không ngần ngại chia sẻ “độc chiêu” để làm sao tạo “ấn tượng” với khách và họ không chỉ tới một lần mà những lần sau cứ đặt chân tới Đồ Sơn là họ lại muốn tìm tới quán này và tìm gặp em đã “phục vụ” mình lần trước.
Vẫn thao thao bất tuyệt, chị chủ hàng giảng giải cho tôi trước khi đưa tôi “tiếp quản” công việc sẽ mang lại cho tôi mức thu nhập “khủng” nếu tôi chịu khó “cày cuốc”.
“Để đi tới vòng cuối, điều đầu tiên, nhân viên “bán hàng” cần phải có sức khỏe tốt, có thể đáp ứng khi khách có “nhu cầu”. Ngoại hình phổng phao nhưng phải đẹp, khuôn mặt không cần quá xinh nhưng phải ưa nhìn… Điều tối quan trọng là phải biết phục vụ khách chu đáo, nhiệt tình…”.
Như đang vào mạch, chị lại tiếp: “Công việc này được coi là nhàn nhã và không phải lao động nặng nhọc, không cần phỏng vấn kỹ càng, có khả năng làm việc được trong mọi trường hợp cả ngày lẫn đêm. Bọn chị rất cần điều đó”.
Công việc “bán hàng” mà chị đang cần tuyển nhân viên dần dần được hé mở qua sự tư vấn của chị từ cách đi lại, ăn uống và ngay cả cách ăn mặc như thế nào cho “hút khách”. Tất cả những chi tiết tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng không dễ dàng thực hiện ngay khi mới bén duyên vào “làng nghề” ở chốn “thiên đường sung sướng” Đồ Sơn
Khi được thổ lộ là một sinh viên vừa mới ra trường và rất sợ khi có cơ quan chức năng đến kiểm soát, người chủ hàng liền trấn an: Cơ quan chức năng không mấy khi đả động đến và dường như không có những yêu cầu hay những nội quy nào đề ra trong suốt mười mấy năm họ “hành nghề”.
Thu nhập khủng từ công nghệ “chiều” khách
Theo như trao đổi ban đầu, công việc sẽ không được cố định theo tuần tự thời gian, không có mức lương nào cố định, chỉ với lời hứa… sẽ có lương. Vậy nhưng, khi được hỏi nếu không có lương cố định thì sẽ khó để tồn tại và sống qua ngày, ngay lập tức tôi lại nhận được hàng loạt câu hỏi với thái độ nhã nhặn và rất ngọt ngào của chủ cửa hàng:
"Em muốn lương cố định à? Nếu lương cố định thì rất khó. Thường mức lương được dựa trên từng khách hàng. Nếu khéo léo biết chèo kéo và biết cách “chiều khách” thì sẽ được khách “bo” thêm".
Cũng theo đó, bảng giá cho mỗi “khách hàng nhanh” thường là 120 nghìn đồng/ người/lượt. Nhưng số tiền đó cũng được đưa vào quỹ đạo của sự ăn – chia: chủ một nửa, nhân viên một nửa. Nếu là khách hàng qua đêm thì sẽ tính theo mức lương từ 800 nghìn đồng /lượt trở lên. Ngoài ra, nếu được lòng khách hàng có có cơ hội được “bo” nhiều hơn số tiền như đã thỏa thuận”.
Với trường hợp của tôi, một sinh viên mới ra trường, chưa từng kinh qua nghề nào và cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với môi trường làm việc ở đây chủ cửa hàng tính nhẩm tính và quay sang tôi, cười: “Chỉ cần có sức khỏe thì ít nhất cũng có 15 khách/ngày. Sức khỏe tốt thì có thể “chiều” được trên 30 khách/ngày”.
Tôi giật mình trước tần suất làm việc trong ngày và thấy ngạc nhiên khi chủ cửa hàng công khai “bẻ lái” công việc tôi đang xin vào làm.
Tôi nhẩm tính và đặt ra chỉ tiêu cao nhất mà những cô gái khỏe mạnh ở đây làm đủ, làm đều là 30 khách hàng/ngày, thì họ sẽ có trong tay 30 triệu đồng/tháng. Một mức lương “khủng” giữa thời bão giá.
Thấy “con mồi” đang đắn đo, chủ cửa hàng nhanh nhảu: “Những người tới làm chỗ chị phần lớn là những cô xinh, da trắng và rất khéo léo trong việc “chiều” khách hàng. Làm dần sẽ có mối quan hệ và có kinh nghiệm ấy mà, em không phải lo. Nhưng cũng xác định trước, nghề nào cũng thế, cũng có cái vất vả của nó. Thời buổi này kiếm được đồng tiền không dễ mà. Có nhiều cô khi đang ngủ thì nhà bên cạnh có khách. Họ phải vội sang đánh thức một em dậy để đi tiếp khách giúp họ. Cảnh đi “làm dâu trăm họ” thì phải chấp nhận. Công việc này càng về khuya càng “hái ra tiền”".
Không phải đắn đo, suy xét… cô chủ cửa hàng “chấm” tôi và luôn miệng “gạ gẫm”: “Tối nay ở lại làm “bán hàng” luôn em nhé!”. Vậy nhưng, mấy ai biết được về đêm, những cô “bán hàng” kia phải vắt “kiệt sức” lực của mình để “chiều” khách.
Lắc đầu từ chối công việc được PR với mức lương “khủng” tôi bước chân ra ngoài, bỏ lại cái nguýt dài và những câu chửi thề của chị chủ quán. Mang theo trong mình những suy nghĩ về phận người, tôi bước chân nhanh ra phía biển. Dòng người đi du lịch vẫn đang đổ về đây. Đồ Sơn ồn ào…