Thủ khoa thường là con nhà nghèo?

hoanghuyen |

Đằng sau những điểm số cao ngất lại thường là những câu chuyện buồn.

Khôngai có quyền quyết định nơi mình sinh ra nhưng mỗi người đều có quyền phấn đấu để làm thay đổi nó. Đó chính là nghị lực phi thường, tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của những bạn học trò nghèo, có số phận thiệt thòi để bù đắp cho những năm tháng tuổi thơ đầy tủi hờn.

Có lẽ đúng khi nói cái gì cũng có giá của nó, khi sống trong cảnh giàu sang, mọi thứ đều rất đủ đầy có khi người ta còn không biết là mình đang muốn gì nữa nên cuộc sống đôi khi là một sự dập khuôn. Học tập và rèn luyện như một nghĩa vụ chứ không phải vì một động lực nào ghê gớm. Nó khác hẳn với kết quả của sự trả giá và khát khao đổi đời bằng mọi giá.

Kỳ thi ĐH - CĐ năm 2012 là một năm chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh éo le, cảm động về các thủ khoa đại học:

Cậu học trò nghèo miền núi đỗ cú đúp thủ khoa

Tin cậu học trò nghèo Trần Hữu Chí, học sinh Trường THPT Vĩnh Thạnh (cách TP Quy Nhơn 80km) đỗ thủ khoa đại học đã làm xôn xao cả huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Thi vào khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, Trần Hữu Chí đạt 29 điểm và trở thành thủ khoa của khoa này. Chí cũng là đồng thủ khoa cùng 2 thí sinh khác khi thi khối V, ĐH Kiến trúc TPHCM với số điểm 25.

thu-khoa-thuong-la-con-nha-ngheo

Thủ khoa Trần Hữu Chí và bố bên những tấm giấy khen mà Chí giành được trong 12 năm học phổ thông.

ÔngTrần Hữu Chỉnh, bố của cậu học trò nghèo học giỏi tâm sự: “Biết con đậu thủ khoa, tôi cũng rất vui mừng, phấn khởi và tự hào nữa nhưng vui bao nhiêu thì mình cũng lo bấy nhiêu. Phải lo cho 2 con đang học đại học ở xa nhà, đến giờ lại thêm Chí nữa nên vợ chồng càng lo lắng không biết sẽ xoay xở thế nào đây”.

Dù đang dạy trường gần nhà nhưng vì khó khăn nên ông Chỉnh mong muốn xinPhòngGiáo dục huyện, nhà trường chuyển công tác lên trườngphổ thông dân tộcnội trú huyện để được hỗ trợ thêm lương dạy ở trường miền núi.

“Có như vậy may ra mới đủ nuôi 3 đứa ăn học, chứ giáo viên dạy Địa chỉ có đồng lương thôi thì không đủ”- ông Chỉnh giãi bày.

Tuổi thơ vất vả, buồn tủi của nữ thủ khoa 9 điểm môn Văn

Đạt điểm 9 môn Văn khối C và là thủ khoa ĐH Văn hóa TP HCM với 27,5 điểm, Phạm Thị Linh (THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP HCM) từng có những ngày tháng tuổi thơ buồn tủi, nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm.

Linh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Phú Thọ và chưa từng biết mặt cha. Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ em phải vào Sài Gòn kiếm sống, để em và 2 người chị cho bà ngoại chăm sóc. Ba mất, mẹ lại đi xa, cuộc sống thiếu thốn tình yêu thương khiến cô bé không tránh khỏi cảm giác cút côi, tủi phận.

thu-khoa-thuong-la-con-nha-ngheo

Vào TP HCM sống cùng mẹ, Linh trở nên tự tin và nhạy bén hơn.

Gia đình bên ngoại cũng khó khăn nên ngoài giờ học Linh còn giúp bà công việc đồng áng, chăn bò... Cuộc sống vất vả nhưng chị em Linh thấy hạnh phúc vì được bà hết mực thương yêu.

"Em cũng không biết mình thích học Văn từ khi nào. Có lẽ là do khi em không thể nói ra được nỗi nhớ mẹ trong suốt thời gian dài. Cũng có khi là cảm giác tủi thân, cô độc khi bị ai đó coi thường. Vậy là em lại muốn được viết ra", nữ sinh tâm sự.

Năm lớp 11, Linh được mẹ đón vào Sài Gòn và theo học tại THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6). Cô gái quê lại đứng trước nhiều thách thức để hòa nhập với cuộc sống và môi trường học mới. Được sống trong niềm hạnh phúc đoàn tụ với gia đình, được bạn bè và thầy cô giúp đỡ, Linh nhanh chóng bắt nhịp với việc học. Ngoài giờ đi học, em còn tranh thủ phụ mẹ làm hương để có thêm thu nhập.

Rơi nước mắt trước hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của thủ khoa trường Dược

Lê Đức Duẩn là thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội với tổng điểm 29 là chàng trai được nhắc đến nhiều nhất sau kỳ thi Đại học vừa qua cũng những hình ảnh đời thường khiến những người chứng kiến rưng rưng nước mắt.

Anh trai mất năm Duẩn lên 8 tuổi vì ung thư máu. 4 năm sau bố mất vì ung thư gan. Mẹ thì đau ốm liên miên. Tin em trở thành thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội chính là niềm hạnh phúc lớn lao với gia đình và những người xung quanh, nhưng nỗi mừng lại đi cùng với nỗi lo.

thu-khoa-thuong-la-con-nha-ngheo

Thủ khoa Lê Đức Duẩn chụp chung với mẹ, em trai và người chị bên nội.

Ngôi nhà cấp bốn của ba mẹ con cô Nghiêm Thị Thu ở xóm Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trống hoác, tường vôi tróc lở. Thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà ấy là những tấm giấy khen của Duẩn cùng chiếc ti vi màu cũ kĩ.

Con đậu thủ khoa nhưng người mẹ nước mắt nghẹn ngào kể:“Năm Duẩn lên 8 tuổi thì anh trai cháu phát bệnh ung thư máu và qua đời sau 3 tháng chạy chữa. Bốn năm sau bố cháu (chú Lê Văn Tản) cũng phát bệnh ung thư gan, chạy chữa khắp nơi rồi cũng bỏ mẹ con tôi mà đi”.

Thương chồng, con và bản thân ốm đau liên miên nên người mẹ thêm héo hon Cô Thu chỉ nặng hơn 30kg. Lưng đau quanh năm cộng với bệnh dạ dày và nỗi lo cơm áo nuôi con ăn học khiến cô già hơn nhiều so với tuổi 48.Nhà chỉ có 3 sào ruộng, làm không đủ ăn. Đau lưng nhưng cô vẫn gắng gượng đi phụ hồ lấy tiền nuôi con ăn học.

Anh trai mất, Duẩn trở thành con cả. Dưới Duẩn còn cậu em Lê Đức Dũng, kém Duẩn 7 tuổi. Hoàn cảnh gia đình vất vả nên ở tuổi "bẻ gẫy sừng trâu" nhưng Duẩn chỉ nặng 33kg...

thu-khoa-thuong-la-con-nha-ngheo

Chiếc xe tàn tạ này đã đồng hành cùng em trong suốt những tháng năm đến trường.

“Bố mất, nhiều lúc nhìn mẹ và em trai vất vả em cũng tính đến bỏ học, đi làm thuê kiếm tiền cho mẹ bớt khổ. Nhưng nhờ người thân và nhà trường động viên nên em càng quyết tâm học tốt, nghĩ đó là cách thoát nghèo bền vững nhất”– Duẩn tâm sự.

Đó là những số phận, những câu chuyện của kỳ thi đại học năm 2012, còn biết bao những thành tích đáng nể trọng khác, những con người vượt qua số phận khác. Và mỗi kỳ thi thì đều làm nên những câu chuyện như vậy, trong đó rất nhiều người đã thành công trên con đường học hành, sự nghiệp thành những người đóng góp to lớn cho xã hội, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, bù đắp cho cha mẹ suốt cả cuộc đời tần tảo, vất vả. Để lại một hình ảnh đẹp mãi về một cựu thủ khoa Đại học ngày nào...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại