Thùy Linh là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Linh khiêm tốn cho biết, tuy không phải là người xuất sắc môn tiếng Anh nhưng hy vọng kinh nghiệm trong việc học và làm bài thi môn tiếng Anh sẽ giúp ích cho các bạn tham dự kỳ thi năm nay có cách ôn luyện tốt nhất.
Đặng Vũ Thùy Linh (phải) thủ khoa khối D1, ĐH Luật Hà Nội năm 2012 chia sẻ bí quyết đạt điểm cao môn tiếng Anh.
Mỗi ngày tự làm đề nghiêm túc như thi thật
Thời gian này được coi là giai đoạn nước rút của quá trình ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Vì vậy, theo Linh việc bố trí và sắp xếp thời gian học tập sao cho hiệu quả là vô cùng quan trọng và mỗi ngày nên dành ra 60 đến 90 phút để làm đề luyện tập.
“Mình tìm những bộ đề tiếng Anh của năm trước hoặc các đề thi thử, các đề ôn tập do cô giáo phát...(nguồn tài liệu rất rộng) rồi đặt giờ và làm nghiêm túc như thi thật. Sau khi hết giờ, kiểm tra đáp án và ghi lại những câu làm sai.
Khi học tiếng Anh nên có ít nhất hai quyển vở: 1 quyển ghi ngữ pháp, từ mới và 1 quyển ghi các cấu trúc. Các câu hỏi trong đề thi sẽ kiểm tra ngữ pháp cũng như khả năng vận dụng các cấu trúc, mẫu câu trong tiếng Anh. Các cấu trúc hay gặp, hoặc hay nhầm, làm sai nhiều lần...thì đánh dấu để chú ý hơn cho lần sau. Sau khoảng 5 đến 10 đề, xem lại toàn bộ các phần đã ghi để rà soát lại kiến thức. Xem lại nhiều lần thì sẽ nhớ lâu hơn”, Linh chia sẻ.
Cấu trúc đề thi sẽ như thế nào?
Cô bạn thủ khoa nghĩ rằng, mình không có bí quyết gì to tát mà yếu tố quan trọng nhất là tâm lý thi cử. Do đã luyện tập tự thi các đề ở nhà với áp lực như thi thật nên khi vào phòng thi, tâm lý Linh hoàn toàn thoải mái. Khi tâm lý đã sẵn sàng thì làm bài sẽ tự tin hơn rất nhiều.
Khi nhận đề thi, nên đọc qua một lượt toàn bộ đề để xác định lại trong đầu cấu trúc đề thi và có phương án phân chia thời gian làm bài hợp lý. Cấu trúc thông thường của một bài thi tiếng anh gồm những phần sau:
- Ngữ âm: đánh dấu trọng âm, phát âm
- Ngữ pháp, từ vựng: cách dùng danh từ, động từ, tính từ; các mẫu câu; các từ đồng nghĩa, đồng âm khác nghĩa, gần nghĩa; phrasal verb;...
- Tiếng anh giao tiếp
- Kỹ năng đọc hiểu
- Kỹ năng viết: viết lại câu (dùng từ cho sẵn, chuyển sang gián tiếp...); sửa lỗi sai...
Ba phần đầu thường dễ ăn điểm nhất, vì vậy cần chú ý cẩn thận để lấy điểm tuyệt đối những phần này.
Những lưu ý và cách lấy điểm qua các phần
Về phần ngữ âm: Cách đánh dấu trọng âm thường theo quy tắc như thêm đuôi -ed; trọng âm đối với danh từ, động từ, tính từ; trọng âm đối với từ nhiều âm tiết (trừ một số trường hợp đặc biệt cần học thuộc).
Các câu đánh dấu trọng âm không nên để sai. Còn các câu phát âm sẽ lấy các từ đã được học trong chương trình, vì vậy việc học từ mới khá quan trọng, cũng nên chú ý các từ đặc biệt dễ phát âm sai. Những trường hợp đặc biệt nên "take note" riêng để khi ôn luyện sẽ chú ý hơn.
Về phần ngữ pháp, từ vựng: Khi làm các câu trong phần này phải đặc biệt chú ý văn cảnh mà câu hỏi đang đề cập đến, nếu không rất dễ nhầm lẫn trong việc xác định thì. Các cấu trúc, mẫu câu đặc biệt sẽ lặp đi lặp lại qua các đề thi, vì vậy chỉ cần thực hành nhiều là có thể nhớ những cấu trúc này.
Đối với các câu word choice hay phrasal verbs cũng vậy, trước hết cần xác định được văn cảnh (nói trong trường hợp nào, đoán xem ý của câu nói ấy là gì), sau đó xét đáp án (thường thì mình sẽ loại được 2 đáp án). Phrasal verbs nhiều bài khá phức tạp, nhưng nếu đã làm nhiều thì sẽ quen với những dạng câu hỏi này.
Về tiếng anh giao tiếp, phần này tương đối dễ và chỉ khoảng 1 đến 2 câu trong đề thi, kiểm tra khả năng sử dụng tiếng anh giao tiếp.
Về phần đọc hiểu: Trong đề thi sẽ có 2 bài đọc, 1 bài dễ và 1 bài khó (đọc qua có thể xác định được). Chắc chắn sẽ làm bài dễ trước và nên đảm bảo cho các câu trả lời.
Khi làm bài đọc, đầu tiên đọc “headline” để xác định nội dung, sau đó đọc 1-2 câu đầu để tìm ý của đoạn. Đọc câu hỏi và gạch chân “key words” rồi đối chiếu vào bài đọc để tìm phần có chứa câu trả lời.
Phải đọc thật kỹ câu hỏi để tránh hiểu sai, hiểu không đúng (ví dụ như họ hỏi not mention thì phải gạch chân NOT, nếu không sẽ nhầm đi tìm câu trả lời cho mention). Trong trường hợp không thể xác định câu trả lời thì mới đọc toàn bộ đoạn văn đó. Nên để phần đọc hiểu làm cuối cùng, khi ấy sẽ thoải mái thời gian hơn, nhưng cần chú ý chỉ làm trong khoảng từ 15-20 phút/bài.
Về phần viết: Các câu tìm lỗi sai cũng sẽ dựa vào kiến thức ngữ pháp hoặc các mẫu câu hay nhầm lẫn khi sử dụng. Các câu hỏi viết lại câu có nhiều dạng: chuyển sang gián tiếp, viết lại theo một mẫu câu khác tương đương về ý nghĩa...
Phần viết thường không quá phức tạp, nhưng một số trường hợp đặc biệt cũng cần chú ý để tránh nhầm lẫn về thì hoặc các cấu trúc tương đương cùng nghĩa. Vì thế khi học hoặc làm các đề luyện tập, các cấu trúc nào giống nhau hoặc có thể thay thế cho nhau thì nên viết vào một chỗ tập trung.
Cuối cùng, luôn nhớ làm những câu mình chắc chắn trước, những câu nào chưa chắc hoặc đang phân vân thì đánh dấu để quay lại sau, tránh mất thời gian nhé! Chúc các bạn ôn luyện thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thì quan trọng sắp tới.