Thót tim màn đu vách núi của thợ săn ong ở bìa rừng xứ Mường

Đứng ở trên nhìn xuống, nếu thấy đàn ong làm tổ ở vách đá, thì anh Thao sẽ phải lấy hai sợi dây thừng tạo thành nhiều nấc thang.

Chỉ cần nhìn vào thế núi là anh Thao có thể biết được khoảng bao nhiêu đàn ong đang hoạt động. Đó là khả năng săn ong hiếm thấy của chàng trai Mường 26 tuổi. Năm qua, riêng Thao ở bản Cẩm Bộ, xã Thành Minh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã bắt được 40 đàn ong mật từ vách đá mang về nuôi.

Bắt ong ở vách đá, mạo hiểm với “tử thần”

Anh Thao là thành viên thứ 6 trong một gia đình có 9 người con. Từ khi còn bé, anh đã được theo mẹ lên nương trồng ngô cuốc sắn. Vì gia đình nghèo, không đủ tiền mua sách vở đi học, nên hàng ngày Thao phải trèo lên những ngọn núi cao để tìm ong mật về bán, mỗi đàn có thể bán được với giá 100.000 đồng/tổ.

Lớn lên, anh giống như một người rừng, mọi ngóc ngách ở trên núi anh đều nắm rõ. Vừa nói chuyện với chúng tôi, anh Thao vừa chỉ tay lên ngọn đồi phía trước mặt và nói: “Năm trước, trên ngọn núi đá kia tôi đã bắt được gần 40 đàn ong rừng. Với kinh nghiệm săn bắt ong từ bé, tôi chỉ cần nhìn vào thế núi là có thể đoán được ngọn núi đó có bao nhiêu đàn ong”.

Anh Thao đang quan sát ong chúa nằm trong tổ.

Theo anh Thao, ong rừng thích làm tổ trên những thân cây cổ thụ hoặc những vách đá vôi lộ thiên, ít cây cối che chắn để chúng dễ bề hoạt động. Chúng không ưa những nơi đọng nước, hôi hám, ẩm ướt… Nếu chỗ ở không thích hợp là chúng sẵn sàng bay đến nơi ở mới sạch sẽ hơn.

Khi đã xác định được vị trí ong mật có thể làm tổ, anh Thao sẽ trèo lên một mỏm đá cao nhất để quan sát hướng bay của chúng. Khi quan sát phải tập trung vào một hướng nhất định, tránh ánh sáng mặt trời. Nếu mặt trời chiếu xiên qua thì sẽ bị lóa mắt, rất khó phân biệt được ong hay ruồi. Để phân biệt được đặc điểm giữa ong và ruồi, anh Thao bật mí: “Ruồi luôn bay theo đường cong. Ong rời tổ cũng bay tương tự như ruồi, tuy nhiên khi chúng về tổ, do mật nặng nên chúng sẽ bay chậm theo một đường thẳng”.

Ngoài phương pháp quan sát đường bay của ong, anh Thao còn nhận biết được phân của ong mật. Nếu mức độ phân ong dày đặc vương trên lá cây thì chắc chắn đàn ong đó sẽ làm tổ xung quanh khu vực. Phát hiện ra tổ ong rồi, nhưng bắt ong mới thực sự là một công việc khó khăn, chỉ sơ sẩy là người thợ có thể thiệt mạng ngay tức khắc.

Công đoạn bắt ong mật đòi hỏi một người thợ như anh Thao phải thuần thục các động tác leo trèo mới có thể bắt được tổ ong trên những thân cây cổ thụ. Đứng ở trên nhìn xuống, nếu thấy đàn ong làm tổ ở vách đá, thì anh Thao sẽ phải lấy hai sợi dây thừng tạo thành nhiều nấc thang. Sau khi sợi dây đã được cột chắc chắn vào gốc cây, anh Thao sẽ đem theo đồ nghề gồm: Rơm, bật lửa, quạt…, rồi theo sợi dây từ từ trôi xuống tổ ong. Xuống đến sát tổ ong chỉ cần sơ ý đụng đến đàn ong là chúng có thể vỡ tổ bay ra đốt ngay tức khắc. Anh Thao bảo: “Vì là ong rừng nên chúng rất hung dữ, người thợ không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu bám không cẩn thận là có thể tuột tay rơi xuống vách núi thiệt mạng bất cứ lúc nào”. Khi phát hiện có hai tổ ong gần nhau, nếu thuận theo thế núi thì anh sẽ đu sợi dây từ vách núi bên này sang vách bên kia để lấy tổ.

Nghề lấy mật và bắt ong rừng đòi hỏi người thợ phải liều lĩnh, mạo hiểm.

Theo anh Thao, nghề bắt ong mật phải thật kiên nhẫn và khéo léo. Người thợ phải tìm đúng hướng gió để hun khói cho đàn ong bay ra. Lúc thổi khói phải ngụy trang bằng lá cây đồng thời áp sát vào vách đá, tuyệt đối không được nhúc nhích. Chỉ cần để chúng bay đến đốt một nốt khiến mùi hôi trong cơ thể lan tỏa ra là bầy ong xúm lại ngay. Nếu chẳng may thợ bắt ong bị đốt thì phải nằm im đợi cho chúng bay hết vào tổ mới lại thổi khói tiếp. Thổi khói được một lúc thì đàn ong phá tổ bay ra, lúc này, thợ bắt ong sẽ phải quan sát xem liệu đàn ong có mấy chúa? Nếu ong thợ bay ra nhiều nhưng chúng không biết theo chúa nào thì chắc chắn đàn ong đó có rất nhiều ong chúa.

Anh Thao cao giọng nói: “Tôi phải để cho chúng đậu vào một chỗ ổn định mới dám bắt ong chúa. Đặc điểm của ong chúa thường có màu đen, cánh ngắn, phần đuôi dài hơn ong thợ một chút. Nếu là thợ bắt ong non tay có khi loay hoay cả ngày cũng không bắt được ong chúa”. Động tác đầu tiên, anh Thao sẽ đưa ngón tay trỏ thọc vào giữa đàn ong, nếu cảm nhận được quân của ong chúa bám chặt như quả cau, thì chắc chắn bên trong sẽ có ong chúa. Nhiều năm trước, khi chưa có kinh nghiệm nên anh Thao thường làm chết ong chúa. Bây giờ bắt nhiều thành quen, nên hiếm khi anh phải để ong chúa chết, với những đàn ong khỏe anh còn khéo léo san chúng thành nhiều đàn khác nhau.

Từ thợ săn ong trở thành người nuôi ong nức tiếng

Cứ vào tháng 9, tháng 10, anh Thao lại phải nằm rừng ở rú cả tháng trời để tìm bắt ong mật. Theo anh, thời điểm này ong rừng bay nhiều nhất, vì vừa qua mùa mưa nên chúng thường khủng hoảng về chỗ ở. Nếu tổ ong nào bị đọng nước, ẩm ướt thì chúng sẽ dời tổ để bay đến nơi ở mới sạch sẽ hơn như hốc cây, hang núi, vách đá…

Năm vừa qua, các thợ săn ong bắt được 200 đàn ong trong vùng núi của bản, trong đó riêng anh Thao bắt được 40 đàn ong lớn nhỏ. Từ khi bắt ong rừng mang về bán, anh thấy nghề này không đem lại kinh tế nhiều lại nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, anh Thao đã tìm mua sách kỹ thuật nuôi ong về nghiên cứu, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong chuyên nghiệp. Hiện nay, anh Thao đang có khoảng 130 đàn ong rừng. Mỗi năm, anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ tiền bán mật ong.

Vào thời điểm hoa rừng nở rộ, cứ khoảng 2 ngày, anh Thao lại lấy mật một lần, mỗi lần chừng 80 đến 100 chai mật ong nguyên chất. Một chai mật được anh bán ra thị trường có giá khoảng 150.000 đồng. Mật ong của anh Thao luôn được người dân ở trong vùng và khách hàng ở dưới miền xuôi khen ngợi.

Vào những ngày nắng ấm, anh Thao lại vệ sinh tổ ong. Với anh, nuôi ong là lúc nào cũng phải để mắt đến nó. Nếu thấy có dấu hiệu bệnh tật thì phải điều trị ngay, thường thì ong hay bị bệnh ấu trùng hoặc bệnh tiêu chảy. Nhưng do là giống ong rừng, lại nuôi cách ly, nên tới thời điểm này, đàn ong của anh chưa một lần bị bệnh.

Theo anh, đàn ong khỏe là ong thợ phải có màu vàng, màu này do ong chúa tiết ra hoặc khi bắt được ong chúa thấy quân của nó bò luôn theo tay là ong khỏe. Nếu ong chúa bị bệnh thì khả năng tiết chất để ong thợ nhận biết được sẽ kém. Nếu ong chúa chết, phải thay thế ong chúa khác khỏe mạnh hơn.

Loài ong rất kỵ các mùi hôi như: Bột giặt, thuốc xịt muỗi, thuốc trừ sâu…Vì vậy, khu vườn của anh Thao là một môi trường thoáng đãng, sạch sẽ, đủ ánh sáng để cho ong dễ bay ra bay vào. Các vị trí như hiên nhà, cửa sổ cũng là nơi thoáng mát để đặt thùng ong.

Anh Bông - bản Cẩn Bộ cho biết: “Cả bản có rất nhiều hộ nuôi ong, nhưng chưa có ai bắt được ong và phát triển đàn ong lớn mạnh như anh Thao. Mặc dù nhà nghèo, nhưng anh Thao luôn tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại