2 năm bặt vô âm tín
Xóm nghèo 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn, Nghệ An) những ngày qua lúc nào cũng chộn rộn. Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của gia đình bà Lê Thị V. với người con gái út N.T.N sau 2 năm cách biệt đã khiến cả xóm thôn xúc động.
Nhưng, niềm vui xen lẫn sự xót xa...
Ngồi thu mình một góc trong căn phòng, N.T.N (18 tuổi) vẫn chưa hết sợ hãi. Ám ảnh về những tháng ngày bị dày vò, đày đọa vẫn còn hiện lên trên khuôn mặt cô gái trẻ.
Vợ chồng bà V. có tất thảy 5 người con. Nhà nghèo lại đông con, ông bà quanh năm chỉ biết bám vào mấy sào ruộng làm kế sinh nhai.
N. là con gái út trong gia đình, chưa học hết cấp 3 đã phải nghỉ giữa chừng để kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ.
Đầu năm 2012, Vi Thị Nga (SN 1991, hàng xóm nhà bà V.) đã chủ động tìm đến rủ rê N. đi làm công nhân cho công ty may mặc bên Trung Quốc. Trong lúc không có việc làm, nhà lại túng thiếu nên N. đã đồng ý ngay với Nga.
“Chừng 20h30’ ngày 3/3/2012, em xếp hành lý rồi theo Nga ra QL48. Tại đây có một người đàn ông đợi sẵn. Sau đó họ chở em xuống ngã 3 Yên Lý (Diễn Châu – PV). Đến đây, em gặp chị Thủy (cùng ở Nghĩa Lâm, có chồng ở Trung Quốc) đưa đi bắt xe ra thẳng Quảng Ninh. Chị bảo sẽ đưa em sang Trung Quốc xin làm công nhân” – N. kể lại.
Ngày N. đi chẳng kịp thông báo cho gia đình vì bố mẹ đều về quê. Đến lúc sang tới Trung Quốc em mới điện thoại về cho bố mẹ.
“Nó nói đi sang Trung Quốc làm công nhân, sẽ cố gắng làm việc để gửi tiền về, đi với người quen nên đừng lo lắng. Thế nhưng đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng tôi còn liên lạc được với con. Suốt 2 năm nó chẳng điện về nhà, chúng tôi muốn liên lạc mà chẳng được. Gia đình sốt ruột nhưng chẳng biết tìm con ở đâu. Chờ con mãi chẳng có tin tức, chúng tôi cứ ngỡ nó đã chết rồi!” – bà V. sụt sùi kể lại.
Trở về từ “động quỷ”
Một ngày giữa tháng 12/2013, gia đình bà V. nhận được cuộc gọi điện thoại của dãy số lạ.
Bà V. nghe máy mà như chết đứng khi đầu dây bên kia là tiếng khóc nức nở, tiếng gọi “Mẹ ơi!” thảm thiết của đứa con đã mất tin tức 2 năm nay.
“Nghe con gào khóc rằng bị người ta lừa bán sang Trung Quốc, bị hành hạ mà tôi như có muối xát trong ruột, chỉ mong gặp được con ngay” – bà V. kể.
Giờ đây, ngồi giữa vòng tay bố mẹ, N. vẫn còn hoảng loạn khi nhớ lại quãng thời gian bị đày đọa nơi đất khách quê người.
“Sau khi đến Lý Ân (Quảng Đông), chị Thủy đưa em đến một xưởng may, bảo sẽ làm ở đó. Tuy nhiên 2 ngày sau, chị ta đã bán em để lấy 2 vạn 700 tệ. Sau đó chị ta biến mất không liên lạc được. Em bị đẩy vào một nhà thổ” – N. ứa nước mắt kể lại.
Biết mình bị bán vào động mại dâm, N. kiên quyết không chịu phục vụ cho khách làng chơi.
Tuy nhiên, bà chủ đã liên tục hành hạ, dọa nạt và ép N. tiếp khách. Những tháng ngày sau đó N. như sống trong địa ngục.
“Ít lâu sau em gặp và quen một bạn người Việt tên H., người ở tỉnh Bắc Giang. Em H. cùng bị bán sang đây và bà chủ bắt tiếp khách.
Ở nơi đó chúng em chẳng biết ngôn ngữ, không điện thoại, không được ra ngoài nên chẳng biết liên lạc bằng cách nào. Tuy thế cả hai đều hi vọng một ngày nào đó sẽ được giải thoát” – N. kể.
Đêm ngày 10/12/2013, hai cô gái đã lẻn được ra ngoài. Lần đầu tiên được bước ra khỏi căn phòng chật hẹp, hôi hám và đầy những ám ảnh, N. mừng rơi nước mắt.
Sợ bà chủ phát hiện và truy đuổi, cả hai hối nhau chạy bộ suốt đêm để trốn.
Đến rạng sáng, N. may mắn gặp được một người đàn ông Việt Nam và mượn được điện thoại để gọi về nhà.
Vài ngày sau đó, cuộc đoàn tụ của N. với gia đình đã đến trong vô vàn nước mắt, sung sướng vỡ òa và xót xa tủi nhục.
Vợ chồng bà V. vừa thổn thức không nói nên lời khi nhìn đứa con như thể đã chết nay sống lại, lại vừa đau xót cho con gái bị đày đọa, giày vò nơi quê người.
Bức xúc trước thủ đoạn lừa đảo của Vi Thị Nga cùng những người liên quan, bà V. đã làm đơn tố cáo gửi Công an Nghĩa Đàn và CA Nghệ An, yêu cầu làm rõ hành vi lừa đảo, buôn bán người ra nước ngoài.
Rồi đây những kẻ gây ra tội ác sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng những ám ảnh, nỗi đau đớn về tinh thần của N. biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai?