Thiếu nữ bị lở loét khắp thân thể: "Để con chết cho rồi!"

Cẩm Giang |

Để có tiền lo cho bệnh tình con gái, ông Thuận và bà Gái không quản ngại bất cứ công việc nào.

Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết "Xót cảnh thiếu nữ bị lở loét khắp thân thể", có rất nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền ủng hộ nhân vật của bài viết là em Hồ Thị Linh (SN 1990) thông qua báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tổng số tiền mà các nhà hảo tâm gửi tặng em Linh là 11.836.000 đồng.

Mang theo những tấm lòng, chúng tôi tìm đến thôn Trung Thạnh, xã Phong Chương, một địa điểm cách xa thành phố Huế khoảng 50km với mong muốn trao tận tay cô gái trẻ.

Căn nhà vốn trước nay chưa bao giờ có số, lại còn nằm lọt thỏm trong cánh đồng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn mới tìm thấy, dù đã nhận được sự chỉ dẫn tận tình của những người dân xung quanh.

Căn nhà của anh Thuận, chị Gái.

Căn nhà của Linh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng.

8 năm chiến đấu với bệnh tật

Đón tôi là bà Nguyễn Thị Gái, mẹ của Linh. Vừa gặp, bà đã ái ngại: “Vất vả cho cô quá”, rồi bà đưa tôi đến bên giường Linh. Nhìn cô gái 25 tuổi nằm co ro trên giường với những vết lở loét, tôi không dám tin vào mắt mình.

Ở dưới sàn nhà, ông Hồ Thuận, ba của Linh, đang tụng kinh.

Bà Gái tâm sự, bàn lễ do những nhà hảo tâm ở Huế trao tặng. Ba tháng trở lại đây, ngoài việc ăn chay trường, hai ông bà còn tụng kinh, niệm phật để mong cho con gái khỏe mạnh.

Anh Thuận, ba của Linh, hàng ngày vẫn tụng kinh niệm phật để mong con nhanh khỏe.

Ông Thuận, ba của Linh, hàng ngày vẫn tụng kinh niệm phật để mong con nhanh khỏe.

Rồi bà Gái với tay, chỉ lên những tấm ảnh của một cô gái xinh đẹp trên tường, giọng buồn bã: “Nó đó, ngày còn đi học”.

Nhìn dáng bà khắc khổ, tôi bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho một cuộc trò chuyện đẫm nước mắt. Nhưng không, bà Gái không khóc. Hình như khi quá quen với nỗi đau, con người ta đã buộc bản thân phải học cách chấp nhận và sống chung với nó.

Linh nằm vậy là 8 năm rồi cô à, từ năm 2007 đến giờ.

Sau khi học xong lớp 10, phát hiện ra con bị thoát vị đĩa đệm, cả nhà đưa con đi phẫu thuật. Người ta nói chỉ cần 6 đến 9 tháng thì bình phục thôi nhưng con mình thì qua 6 tháng, rồi 9 tháng bệnh tình vẫn không cải thiện.

Số mình xui, tiền mất tật mang, Linh bị bại liệt luôn từ đó. Nằm nhiều, xương bị thoái hóa. Tôi đưa con đi khám, bác sĩ nói chỉ có cách phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo thì mới có thể đi lại được.

Số tiền thay một bên khớp háng khoảng 60 triệu đồng, nhà tôi nghèo quá, làm gì có tiền đâu cô nên chỉ biết đưa con ra vào bệnh viện thăm khám thường xuyên thôi!

Thấy trường hợp tôi khổ quá, bác sĩ nói thôi thì đưa con về, bao giờ có đoàn từ Mỹ sang mổ từ thiện thì người ta gọi.

Rồi có đoàn sang thật, nhà tôi thuộc hộ nghèo nên chỉ phải đóng thêm 10 triệu đồng để người ta mổ thay khớp háng bên trái cho con.

Thay xong bên trái, bác sĩ lại động viên gia đình cố thay thêm bên phải vì nếu không thì bên trái thay xong cũng chẳng có tác dụng gì.

Đưa con về nghỉ ngơi, tẩm bổ vài tháng, gia đình lại bán trâu, bán bò, mượn Hội phụ nữ, Hội nông dân được 60 triệu đồng để mổ tiếp bên kia”, bà Gái kể.

Hồ Thị Linh khi chuẩn bị phẫu thuật thay khớp.

Hồ Thị Linh khi chuẩn bị phẫu thuật thay khớp.

Mang theo niềm hy vọng tràn trề, ông Thuận và bà Gái đưa con về nhà. Khi vết mổ ổn định, ông Thuận cột hai cây tre để con lấy chỗ tập đi. Nhìn con chập chững từng bước một, bám víu sau lưng mẹ, càng thương con, hai ông bà càng hy vọng con mau khỏi.

Đến năm 2014, Linh đi được trở lại. Gia đình, hàng xóm mừng rơi nước mắt.

Mừng lắm cô ạ, cả nhà cũng muốn tổ chức ăn mừng sau 7 năm dài đằng đẵng nhưng nhà nghèo quá, số nợ đã lên tới 100 triệu đồng nên chỉ có thể mừng thầm trong bụng thôi”, bà Gái nhớ lại.

“Tôi nuôi con hói hết cả đầu”

Những tưởng cuộc sống của gia đình sau ca mổ đã bước sang một trang mới nhưng không, vất vả và khổ sở vẫn cứ đeo bám ông bà như con đỉa đói thích hút máu, đẩy cả hai vào ngưỡng tận cùng của sự chịu đựng.

Hai tháng sau ca mổ, người Linh bắt đầu có dấu hiệu lở loét. Hóa ra trước đó, Linh đã bị vẩy nến nhưng gia đình không biết, thấy vẩy trắng trên tóc thì cứ ngỡ là gầu.  

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi có biết vẩy nến là cái gì đâu cô”, người đàn bà ấy vừa kể vừa rơm rớm nước mắt.

Kết quả chẩn đoán “Viêm đa khớp vẩy nến” trên hồ sơ bệnh án của Linh khiến cả gia đình như rơi xuống vực. Dù Linh đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng cũng không thấy đỡ, đồ đạc trong nhà cũng theo đó mà đội nón ra đi.

Bệnh viện với gia đình bà Gái lại là nhà. Không có tiền, mỗi tối con ở lại viện, bà lại chạy ngược chạy xuôi, nhặt nhạnh vỏ chai để mang đi bán. Ngày nào trời thương thì được 50.000 đồng.

Cứ thế, cộng thêm tiền làm thuê của ông Thuận, hai vợ chồng nghèo khổ lại chiến đấu với bệnh tật của con từng ngày, từng ngày một.

Hồ Thị Linh tiều tụy từng ngày vì bệnh tật.

Hồ Thị Linh tiều tụy từng ngày vì bệnh tật.

Thấy hoàn cảnh gia đình bà khổ quá, có người giúp đăng tin lên mạng. Từ đó, cả gia đình nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người không quen biết. Trong số đó có anh Thành, một thành viên của hội từ thiện tại thành phố Huế.

Anh Thành đã cùng hai vợ chồng bà Gái ra tận Hà Tĩnh, gặp một thầy lang để bốc thuốc Nam cho Linh. Sau lần đó, cứ đến tháng, bà Gái lại lên nhà anh Thành, lấy thuốc do thầy lang gửi vào để về sắc cho con.

Mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng tiền thuốc, bỉm thì hai ngày hết một túi 80 ngàn đồng, mỗi ngày một cục xương 20 ngàn nấu cháo nữa,… tổng cộng mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng để lo cho con.

Cả gia đình phải tiết kiệm thôi, tới đâu hay tới đó cô à. Chồng tôi đi làm thuê, tôi thì ngoài làm ruộng ra còn đi bón phân thuê cho người ta, ai thuê gì làm cái đó.

May có thêm thằng con trai. Năm nay nó 29 tuổi rồi nhưng em bệnh nằm đó, nó cũng không dám lấy vợ.

Cách đây nửa tháng, Linh suýt mất vì nằm nhiều, ép phổi không thở được. Khổ quá nên nhiều khi chịu không được, con lại nói: “Để con chết cho rồi”. Tôi nghe mà rớt nước mắt.

Tôi nuôi con hói hết đầu, bạc hết cả tóc mà không dám than, sợ con buồn. Giờ nhìn vào gương không còn nhận ra mình nữa”, bà Gái tâm sự.

Linh hay bị ngứa nên chị Gái không dám rời con nửa bước. Đêm cũng chẳng thể nào ngủ được.

Linh hay bị ngứa nên bà Gái không dám rời con nửa bước. Đêm cũng chẳng thể nào ngủ được.

Căn bệnh vẩy nến đã cướp đi của Linh cả tương lai.

Căn bệnh vẩy nến đã cướp đi của Linh cả tương lai.

Chị gái bần thần cầm số tiền báo Trí Thức Trẻ quyên góp được. Chỉ nói, số tiền này để mua thuốc và bỉm cho con.

Bà Gái bần thần cầm số tiền báo điện tử Trí Thức Trẻ quyên góp được. Bà nói, số tiền này để mua thuốc và bỉm cho con.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng gọi của Linh. Nghe tiếng con, bà Gái tất tả chạy vào: “Mẹ đây, mẹ gãi cho con, mẹ gãi đây”.

Bệnh vẩy nến khiến Linh thường xuyên bị ngứa, vì vậy bà Gái không dám rời con nửa bước nhưng mỗi khi có công có việc, bà cũng đành nén nước mắt đi làm kiếm tiền lo cho con.

Nhìn đứa con gái ngày càng tiều tụy, giọng bà Gái buồn rầu: “Được ngày nào thì hay ngày đó, đến khi con không ở được với mẹ nữa thì đành chịu. Khúc ruột của mình cũng đau đớn lắm nhưng tôi biết làm sao bây giờ”.

Mang theo câu chuyện nặng nề bước ra khỏi căn nhà cấp bốn, chúng tôi được bà Gái tiễn ra tận cổng. Hỏi bà Tết nhà có gì chưa, tôi nhận được cái lắc đầu ái ngại: “Mấy năm rồi, nhà có Tết đâu cô”...

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Hoặc: Bà Nguyễn Thị Gái, thôn Trung Thạch, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại