Theo thông báo chính thức từ Đạo tràng Làng Mai do hai nhà sư Thích Chân Pháp Đăng và Thích Nữ Chân Không Nghiêm phát đi cho biết, sức khỏe của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có dấu hiệu suy yếu từ khoảng hai tháng trước.
Vào ngày 01 tháng 11 năm 2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vào bệnh viện đa khoa Bordeaux để điều trị và đang phục hồi từng ngày.
Tuy nhiên, đến 4 giờ sáng ngày 11 tháng 11, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bất ngờ bị xuất huyết não và đang được các bác sĩ chuyên ngành hết lòng điều trị cũng như sự săn sóc tận tình của các y tá và các vị thị giả.
Hiện tại Thiền sư vẫn tỉnh táo và vẫn có thể ý thức được môi trường chung quanh. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì Thiền sư hoàn toàn có khả năng phục hồi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
"Chúng tôi xin thông báo đến quý vị để ý thức về tình trạng này và cùng thực tập để hộ niệm cho Sư Ông. Xin các trung tâm, các tăng thân và các vị thân hữu của Đạo Tràng Mai Thôn trên thế giới tiếp tục chương trình tu học của mình, tiếp tục chế tác năng lượng chánh niệm và sự vững chãi để hộ niệm cho Sư Ông.
Chúng ta hãy cùng thực tập như một cơ thể để có thể chế tác năng lượng chánh niệm tập thể, bởi vì sự vững chãi và bình an của chúng ta trong thời điểm này sẽ là sự hộ niệm tốt nhất cho sự phục hồi của Sư Ông", thông bạch của Đạo tràng Làng Mai nhấn mạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên húy là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu gần Huế, nơi ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật. Tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ông về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và vài phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ông đối với thiền.
Sư Thích Nhất Hạnh đã trở thành một người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây.
Ông cũng là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và là tổ của nhánh Từ Hiếu đời thứ 8 của dòng Liễu Quán trong đời thứ 42 của phái thiền Lâm Tế Dhyana
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản trên 100 cuốn sách, trong đó có hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh.