“Ngày hay đêm cũng vậy mà thôi!”
Giữa đêm khuya, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ say, kim đồng hồ điểm 12h đêm báo hiệu thời khắc chuyển giao của ngày mới thì cũng là lúc trên những nẻo đường của nông trường cao su, những người phụ nữ tay khiêng tay vác đèo thùng, xô vào rẫy cao su cạo mủ.
Con đường nhỏ dẫn vào các lô cao su lạnh, ẩm và ghồ ghề. Hành trang của những nữ phu cạo mủ là 2 con dao cạo trên tay, vài cây nhang muỗi, xô đựng mủ và khẩu phần ăn trưa ngày hôm sau.
Khom lưng cặm cụi cạo mủ.
Đến lô cao su, những nữ phu nhanh chóng gắn đèn pin lên trán, đốt nhang muỗi gắn vào đỉnh nón và bắt đầu công việc.
Ánh đèn pin soi rọi vào tận những gốc cao su lúc tỏ, lúc mờ, những nữ phu cần mẫn kéo từng đường sát ngay dưới chân miệng cạo cũ, rồi dùng dao rạch 1 đường dài cho mủ chảy. Dao rạch 1 đường rất nhanh và chuẩn xác từ cây này đi hết cây kia, hàng này qua hàng nọ rất khoa học.
Vừa lúi húi ngắm nghía những nữ phu cạo mủ, chúng tôi sơ ý vấp phải những cành cây khô nằm ngỗn ngang ven lối đi và ngã ra đất.
1 tiếng đồng hồ sau, các lô cao su kế bên của nông trường cũng bắt đầu le lói ánh đèn pin.
Cứ như thế, những người nữ phu cạo mủ “cày” đến khi trời hửng sáng thì những miệng cạo cuối cùng được hoàn tất. Trong lúc chờ mủ cao su nhỏ giọt vào các bát sành, họ tranh thủ ăn cơm rồi mắc võng chợp mắt lấy sức. Đến 10h, khi những bát sành tràn đầy mủ, họ lại xách thùng đi trút mủ đợt 1. Và tiếp tục đợt hứng vét mủ lần 2.
Giấc ngủ trưa vội vã của những người phu mủ trong cánh rừng cao su.
Một ngày làm việc của những phu nữ cạo mủ cao su kéo dài từ 0h đến 16h. Họ xem rừng là nhà, là bạn, gốc cây là giường, ranh giới giữa ngày và đêm không còn rạch ròi nữa. Đối với họ, ngày và đêm đã từ lâu không còn quan trọng, bất kỳ khoảnh khắc nào trong ngày cũng có thể là màn đêm khi chợt mắt ngủ thiếp vài phút giây hiếm hoi.
Chị Mai (49 tuổi, một công nhân cạo mủ) cho biết: “Đi làm khuya, suốt ngày ở ngoài rẫy. Ngày hay đêm cũng vậy thôi. Hết lum khum rồi ngẩng cao cổ để rạch thân cây cạo mủ. Đi qua đi lại cả một ngày không biết bao nhiêu cây số.
Tối nào đàn muỗi truyền bệnh sốt rét cũng bám níu để chích vào mặt, bàn tay tê nhức, nhất là vào những ngày mưa. Do đó, ngoài cặp dao, cây dao cạo, chiếc đèn pin gắn trên trán thì những cây nhang trừ muỗi luôn là những vật bất ly thân của người thợ cạo mủ.”
“Nghề không dành cho bọn trẻ”
0h lên rẫy nhưng từ 23h khuya, họ đã thức dậy sớm để chuẩn bị cơm nước mang theo lên rẫy.
Ban ngày ngoài lô cao su, tối về ngủ, dường như những thú vui, giải trí bình thường như xem tivi, đọc báo hay nhâm nhi cà phê quán cũng không dám nghĩ tới.
Vì là cái nghề làm “ăn đêm” nên nó (nghề cao su - PV) không dành cho thanh niên mà chủ yếu là người đứng tuổi.
Nhớn người vươn cao lên ngọn cây cạo mủ.
Nghề này thường xuyên làm việc trong môi trường rừng ẩm thấp, tối tăm nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phổi.
Bên cạnh đó, làm việc trong rừng cây cây bạt ngàn, âm u nên không hề thiếu những hiểm nguy trực chờ. Rắn, rết, bò cạp, muỗi, vắt ... luôn rình rập khắp nơi. Kèm theo đó là những bệnh truyền nhiễm như ghẻ lở, dị ứng, sốt rét... rất dễ mắc phải.
“Thanh niên mà theo đuổi cái nghề này thì cũng khó mà lập được gia đình. Nếu nam thì lấy vợ muộn, nữ ế chồng, nhanh thành góa phụ. Thành ra, dù biết cái nghề này có đồng lương khá hậu hĩnh nhưng hy sinh nhiều quá nên không muốn con cái theo nghiệp.
Đắng cay hơn khi có nhiều cặp vợ chồng vào đây định cư cả mấy chục năm cũng không thể và không dám sinh con nhiều.” – chị Hường (41 tuổi) đã gần 20 năm theo nghề chia sẻ.
Phận người phụ nữ cạo mủ cao su ở đây cũng hiu hắt như ánh đèn pin trong đêm sâu.
Nghề trong đêm, ánh đèn pin lúc tỏ lúc mờ, huyền ảo bao nhiêu lần thì phận người nữ công nhân cạo mủ cũng hắt hiu bấy nhiêu. Vì “bát cơm manh áo” ở cái vùng đất đỏ này nên những người nơi đây, đặc biệt là phụ nữ, chỉ biết chọn cái nghề thợ cạo mà không hề lững lự.
0h đêm trên mọi nẻo đường vào nông trường tiếng xe cộ đã bắt đầu rộ lên.
“Trước đây, nghề cạo mủ cao su được xem là nghề gian truân, khó nhọc và đầy hiểm nguy nên thành ra rất ít người theo đuổi cái nghề này.
“Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng, khi về bủng beo” là câu nói ví von về cái nghề này được nhiều nữ phu cạo mủ cao su truyền miệng nhau.
Nay thì nghề này đã không còn hiểm nguy như trước. Khoản thu nhập cao của nó đã thu hút nhiều người theo nghề. So với các nghề khác thì nghề cạo mủ cao su nói chung cho thu nhập cao hơn một số nghề lao động chân tay khác.” – Chị Trần Thị Lý - một công nhân nông trường đúc kết.