LTS: Không giống với hình ảnh thường thấy về những “má mì” phốp pháp, mặt bự son phấn, vắt vẻo trên chiếc ghế đẩu để chèo kéo khách, các “bố mì” mà tôi có dịp quen mặt biết tên đều trông rất đỗi bình thường và che đậy bản chất bởi một công việc cụ thể.
Kỳ 1: Thế giới “bố mì”: Sa chân và tận thấy những trụy lạc rợn người
Kỳ 2: Thế giới "bố mì" nhơ nhớp: Bẽ bàng sự thật "liên minh ma quỷ"
kỳ 3: Thế giới "bố mì" nhơ nhớp: Nỗi sợ truyền kiếp của gái bán dâm
Kỳ 4: Thế giới "bố mì" nhơ nhớp: Những lạc thú rợn người
Những ám ảnh kéo dài
Tôi nhân câu chuyện tổng kết của công an TP Hà Nội hôm 1/12 về thực trạng mại dâm đang diễn ra trên địa bàn để hẹn gặp lại cậu bạn cũ Phong "bụi".
Sau gần 2 năm không gặp, trông Phong già và gầy đi nhiều. Không còn dáng công tử bóng bẩy, trơn lông, mượt da như lúc còn là “chuột bạch” trong hệ thống “bố mì” của Lão Hạc.
Phong chẳng buồn vòng vo, nói: “Tớ bỏ nghề lâu rồi. Sống mà lúc nào cũng cứ phải nơm nớp sợ sệt thì chẳng đáng. Thôi thì bỏ đi cho đỡ khổ”.
Trong câu chuyện lần này với tôi, Phong đã thôi nhắc đến những cảm giác sung sướng xác thịt đê hèn khi còn được làm tay chân trong một hệ thống “bố mì”. Lần đầu tiên, tôi thấy cậu nói về những nỗi khổ từ công việc "chuột bạch".
Phong bảo, cái khốn nạn và bạc nhược nhất của nghề “bố mì” đó chính là cảm giác mặc cảm. Nếu gái mại dâm luôn cảm thấy hổ thẹn bởi phải mang thân thể của mình cho đám khách háo dâm dày xéo, thì một “bố mì” cũng mang cảm giác tương tự.
Một vụ mua bán dâm bị lực lượng chức năng bắt quả tang (ảnh tư liệu)
“Mỗi lần nghe ai đó kể chuyện tháng này làm được ngần này, về đưa tiền cho vợ rồi cả gia đình đi mua sắm, dù chỉ là một khoản ít ỏi từ công việc tay chân thôi nhưng cũng làm tớ cảm thấy rất khốn khổ.
Nghề “bố mì” làm được nhiều tiền thật, nhưng rồi nếu mai sau lấy vợ, tưởng tượng đến cảnh vợ mình đón tay cầm những đồng tiền đó mà tớ rùng mình, xót xa”, Phong chua chát nói.
Điều mặc cảm tiếp theo của nghề “bố mì” là mặc dù nhiều tiền nhưng chẳng mấy ai dám bạo tay tiêu xài trên khoản tiền mình kiếm được bởi rào cản vỏ bọc luôn hiện hữu.
Với công việc chính là nhân viên văn phòng của Lão Hạc hay vẫn còn là sinh viên mặt búng ra sữa của Rễ Tre, việc những “bố mì” này tiêu xài thái quá sẽ chỉ làm tăng nguy cơ bị lộ.
Đã thế, vì sự an nguy bản thân, các “bố mì” cũng luôn phải giấu kín danh tính, mệt mỏi nhìn trước ngó sau mỗi khi ra đường.
Rũ chân khỏi bùn lầy
Theo lý thuyết của Phong “bụi”, một người đàn ông kiếm được nhiều tiền nhưng không dám tiêu xài, không được nhìn nhận với tài năng của mình và luôn phải sống trong sợ hãi thì đó là một bi kịch.
Thế nên, sau nhiều đêm trằn trọc toan tính, Phong cuối cùng cũng nhận thấy rằng nghề “bố mì” không đáng để cậu phải hi sinh thêm nữa cho bản năng là một người đàn ông của mình.
Ngoài 2 nỗi mặc cảm nói trên, một nỗi ám ảnh kinh hoàng khác luôn theo “chuột bạch” Phong bụi vào giấc ngủ hàng đêm chính là nỗi sợ hãi bệnh tật.
Phong cho biết, không có gì đảm bảo rằng với tuần suất bán dâm lên tới cả chục khách/ngày, các ả “đào” trong hệ thống của mình giữ được bản thân khỏi bệnh tật.
Gái mại dâm bị bắt trong một chiến dịch truy quét của cơ quan công an (ảnh tư liệu)
Đấy còn chưa kể, trong cuộc cạch tranh khốc liệt như hiện tại, gái mại dâm buộc phải thủ sẵn những chiêu trò mới, sẵn sàng chiều khách nhiều hơn, sẵn sàng chấp nhận các hình thức mại dâm quái dị… nên dẫn tới nguy cơ lây bệnh càng nhiều hơn nưa.
Là một “chuột bạch” luôn phải chung chạ với gái mại dâm, Phong luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về bệnh tật.
Mặc dù cũng đã chủ động sử dụng các biện pháp an toàn nhưng rồi “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, Phong kể cuối cùng nỗi sợ hãi đó đã thành sự thật.
Cầm phiếu xét nghiệm dương tính với cầu khuẩn “Neisseria gonorrhoeae” trong tay, tác nhân gây bệnh lậu, cậu mới ngã ngửa ra khi biết rằng căn bệnh quái ác này còn có thể lây qua đường răng miệng.
Chưa vợ, chưa con, cú bệnh tật đó đã giáng một đòn chí tử vào “giấc mộng bố mì” của Phong. Cậu quyết tâm bỏ nghề vào giữa năm 2014, không lâu trước thời điểm hình thức mại dâm online này liên tục bị các lực lượng chức năng triệt phá...
Những con số biết nói
Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trên địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi sở hữu "phố đèn đỏ" Trần Duy Hưng đầy tai tiếng, có tới 63 khách sạn và 92 nhà nghỉ.
Ngoài ra, phường này còn có 30 cơ sở karaoke và 26 cơ sở mát xa, đều là những cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội.