Cách đây gần 30 năm, ông Lê Văn Khánh (83 tuổi) là thầy giáo dạy Văn tại trường huyện. Trong quá trình dạy, ông thường xuyên sưu tập hiện vật cho bài giảng của mình thêm sinh động. Đến nay, người thầy giáo già đã có một bộ sưu tập hiện vật cổ vô cùng độc đáo.
Ông Lê Văn Khánh sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Hiện ông là chủ của một công ty lớn tại Đồng Nai. Bộ sưu tập là vật bất ly thân của ông trong những lần về thăm quê.
“Tôi vốn không phải là người say mê sưu tập đồ cổ, cũng chưa bao giờ tôi có ý sẽ sưu tập đồ cổ như một thú chơi của mình”, ông Khánh chia sẻ trên báo điện tử Dân trí.
Bộ sưu tập của ông giáo về hưu có gần 50 hiện vật ở 34 hạng mục gồm: ấn triện, khế ước ruộng đất, đồng bạc, sách giáo khoa, bạc cổ... Phần lớn số hiện vật này có từ 30 đến 50 năm, số còn lại có tuổi trên 200 năm. Ngoài ra các hiện vật này còn được chế tác trên trên nhiều loại vật liệu gỗ, ngà voi, đồng... Mỗi món đồ trong bộ sưu tập đều được ông Khánh cất giữ và gói gém rất cẩn thận.
Câu chuyện ông Khánh đến với bộ sưu tập của mình cũng bắt đầu từ cái tâm của một người thầy giáo tâm huyết với nghề dạy học. Mỗi món hiện vật ông sưu tầm đều gắn liền với những bài giảng.
Chiếc thẻ sưu là món đồ cổ đầu tiên ông sưu tập. Khi ấy, ông là giáo viên dạy học tại trường cấp ba Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ông Khánh tìm kiếm chiếc thẻ sưu để dạy chương “Văn học hiện thực phê phán” trong sách giáo khoa lớp 10 (năm 1976), trong đó có tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố. Bởi ông biết, nói về thẻ sưu thế nào rất hiếm học trò biết và hình dung ra.
Trong bộ sưu tập cổ của ông có nhiều tư liệu quý được tìm thấy như khế ước ruộng đất bằng chữ Hán của các thời vua Quang Trung, vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Bảo Đại..., tấm “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm thứ XI (1955) cấp theo Luật Cải cách ruộng đất, có dấu mộc đỏ của “Ủy ban hành chánh tỉnh Hà Tĩnh”.
Ngoài khế ước ruộng đất, bộ sưu tập của ông Khánh còn có 5 chiếc ấn, triện cổ vô với hình thù đa dạng như hình vuông, chữ nhật, bầu dục… “Cấp thấp nhất là dấu của thôn cái này do tức lý trưởng giữ, sau đó là hộ tịch ấn của xã trưởng, đến chánh tổng, tri huyện và dấu của địa phương ở cấp xã”, ông Khánh giải thích.
Ông Lê Văn Khánh còn sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị về giáo dục như cuốn sách giáo khoa địa dư (tức môn Địa lý) in bằng chữ quốc ngữ cách đây hơn 100 năm (in năm 1911, tại Hải Phòng) dùng cho học sinh lớp đệ nhất Tiểu học (lớp 5 hiện nay); bằng Tiểu học yếu lược thời Pháp thuộc của ông Nguyễn Đắc Đằng (sinh năm 1917) tại xã Thạch Khê (tổng Vân Tán, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Bằng được cấp ngày 9/8/1930. Một nửa bằng in bằng tiếng Pháp, nửa bên trái in bằng chữ quốc ngữ…
Bản thân ông cũng tự lưu giữ được nhiều món đồ “cổ” khá lạ như: sổ “Chứng nhận đăng ký máy thu thanh” do Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh cấp cho vào tháng 10/1975, giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp năm 1972…
"Trong bộ sưu tập có đến hơn 20 khế bán ruộng viết bằng chữ Hán là của gia đình tôi. Địa chỉ mua bán các khế này là làng Lương Điển, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Phần còn lại là do đóng góp công sức của học sinh và phụ huynh lớp 10A và 10B trong 2 từ năm 1976 đến 1978 trường cấp ba Cẩm Bình", ông Khánh chia sẻ trên Dân trí.
Được biết, hiện nay bộ sưu tập của ông đã được một số cơ quan chức năng như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM; Bảo tàng Hà Tĩnh đến tham quan, khảo sát. Các cơ quan này đều đánh giá cao về góc độ: lịch sử, văn học, giáo dục... của bộ sưu tập.
Trên báo điện tử Dân trí, ông bộc bạch: “Bộ sưu tập này vốn dĩ ra đời để phục vụ cho quá trình dạy học, tôi hoàn toàn không có ý trục lợi từ những món đồ cổ này. Chính vì vậy, tâm nguyện của tôi muốn sẽ có nơi lưu lại các hiện vật này cho thế hệ trẻ mai sau được hiểu rõ hơn về một số thời kỳ lịch sử dân tộc nước ta”.