Về việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển khỏi vị trí hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chiều 16/7, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay: “Tôi cho rằng từ trước đến nay, vụ giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một vụ việc trong một chuỗi các vụ việc mà Trung Quốc đã và sẽ làm. Bản chất của vấn đề là “đường lưỡi bò”. Nếu chúng ta cắt được “đường lưỡi bò” đi thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp từ lâu. Trung Quốc không chỉ chứng minh trên giấy mà còn chứng minh trên thực tiễn, trước hết là tiếp cận bằng các biện pháp dân sự để độc quyền khai thác tài nguyên. Tham vọng về chủ quyền gắn với tham vọng về tài nguyên. Vì vậy, xuất phát từ sự độc quyền khai thác về tài nguyên, Trung Quốc sẽ độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này không phải là dễ”.
“Với tôi, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi vẫn hoan nghênh bởi vì lý do nào thì Trung Quốc cũng đã kết thúc một hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Mọi việc làm của Trung Quốc từ xưa đến nay đều phải có lý do: Trung Quốc chưa bao giờ chịu thua thiệt, nhận sai về mình mà luôn đổ sai cho các nước khác.
Tôi cũng hoan nghênh trước những nỗ lực chia sẻ, đấu tranh lên án Trung Quốc của dư luận thế giới. Đó cũng là thành công của Việt Nam khi kiên định, kiên trì đấu tranh theo hướng được thế giới hoan nghênh: nghiêm túc, đứng đắn, nói đi đôi với làm. Đồng thời đó cũng là kết quả của sự nỗ lực của nhân dân, các tầng lớp xã hội sát cánh cùng Chính phủ để phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc”, TS Nguyễn Chu Hồi nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chu Hồi cũng cho hay: “Dù hoan nghênh việc di chuyển giàn khoan của Trung Quốc nhưng tôi không phấn khởi vì cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết. Ngay cả khi việc hạ đặt giàn khoan trái phép đã dừng thì họ đã tiếp tục bằng hai sự việc khác là khảo cổ và cố gắng để đăng ký cái gọi là "Con đường tơ lụa trên biển" với UNESCO, bảo vệ tuyên bố chủ quyền mà họ không hề có ở Biển Đông.
Trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi sau khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan có đoạn: “Trên cơ sở phân tích và đánh giá dữ liệu địa chất thu thập được, nghiên cứu lập ra phương án tác nghiệp bước tiếp theo” cũng rất đáng chú ý. Nói thể vừa để thể hiện cái “sỹ” của một nước lớn nhưng tôi cũng cho rằng đó là một sự mập mờ, nước đôi để nếu cần thì họ lại đưa giàn khoan vào. Vì vậy, về phía Việt Nam, chúng ta không bao giờ được mất cảnh giác vì vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông là vấn đề dài hạn. Chúng ta phải chuẩn bị mọi phương án để có thể chủ động và không bao giờ ngỡ ngàng, bất ngờ trước các hành vi của Trung Quốc. Tôi nghĩ, sau hành động di chuyển giàn khoan của Trung Quốc, họ sẽ có những hành động khác.
Theo vị nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Chúng ta cũng vẫn phải chuẩn bị những khả năng tiếp tục theo đuổi các cách tiếp cận hòa bình, giải quyết các vấn đề đó nhưng không loại trừ việc chuẩn bị hồ sơ để dựa vào trọng tài quốc tế. Tôi cho rằng việc này rất nên làm bởi “mất lòng trước, được lòng sau”. Và dù sao Việt Nam vẫn có quyền tự vệ chính đáng mà Liên Hợp quốc cho phép với tư cách là một nước thành viên khi bị các nước khác dùng vũ lực xâm phạm”, ông Hồi nói.
60 tàu TQ hộ tống giàn khoan 981 rút khỏi vị trí hạ đặt. Nguồn VTV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA