Con sông này nổi tiếng với 3 chiến công của quân và dân ta trong những năm Bắc thuộc. Đó là Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán năm 938; Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan quân Tống xâm lược năm 981 và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên - Mông (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba ) năm 1288.
Sử sách chép lại, năm 938, sau khi tập hợp các hào kiệt trong nước đứng về phía mình, Ngô Quyền (là bộ tướng và cũng là con rể của Dương Đình Nghệ) mang quân từ Ái châu (Thanh Hóa) ra Bắc đánh Kiều Công Tiễn (một danh tướng được Dương Đình Nghệ tin cậy nhưng đã phản nghịch, ám sát Dương Đình Nghệ, chiếm đóng thành Đại La).
Công Tiễn bị cô lập không chống nổi, trông chờ viện binh của Nam Hán. Trong khi vua Hán đang điều quân thì Ngô Quyền đã tiến ra thành Đại La , giết chết Công Tiễn. Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng với dự định nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn rồi giao chiến.
Một ngày cuối đông năm 938, một đoàn binh thuyền của do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân vờ thua bỏ chạy lên thượng lưu để dụ địch vào sâu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Ngô Quyền lập tức tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
Chiến thắng này được đánh giá là đã phá bỏ nền thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta. Năm 939, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương lấy hiệu là Ngô Vương Quyền, thành lập một vương quốc độc lập. Chọn kinh đô cũ của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt.
-
Bãi cọc sông Bạch Đằng. (Ảnh: Lao động)
Năm 981, trong trận đánh đập tan quân Tống xâm lược cũng diễn ra trên sông Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành (tên húy là Lê Hoàn) sai người cắm cọc ngăn sông. Dù có thể và lực rất mạnh nhưng những chiến thuyền Tống bị thủng bởi những chiếc cọc nhọn dày đặc. Thủy quân Tống đã thất bại không thể tiến theo đường thủy vào nước ta. Một toán quân Tống khác do Hầu Nhân Bảo cầm đầu kéo đến Chi Lăng, vua Lê Đại Hành khi đó đã mưu trí vờ xin hàng lừa quân địch. Khi chúng “dính bẫy” thì quân ta lập tức đổ bộ đánh ồ ạt khiến chúng không kịp trở tay. Hơn nửa số quân địch bị tiêu diệt. Dưới sự chỉ huy của Lê Đại Hành, quân ta đã đập tan cuộc xâm lược nhà Tống.
Năm 1288, cũng trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 3. Tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan (con trai hoàng đế Đại Nguyên Hốt Tất Liệt) hạ lệnh triệt phá kinh thành Thăng Long, chia quân làm hai đạo thủy bộ rút về nước. Đạo quân này do Ô Mã Nhi (viên tướng được Thoát Hoan tin tưởng và đánh giá cao, y cũng là một kẻ hiếu chiến) cầm đầu. Theo đánh giả của một số chuyên gia sử học, đây là một mệnh lệnh hành quân ô nhục nhất của đạo quân xâm lược.
Đoán biết được ý định của Thoát Hoan đồng thời đã chuẩn bị một trận thủy chiến tiêu diệt quân địch ngay trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương cho người đóng hàng ngàn cọc gỗ lim vót nhọn, đầu bịt sắt xuống lòng sông tạo thành một bãi chông khổng lồ. Đây được coi như một “vùng đất chết” chờ quân địch sa vào.
Hưng Đạo Vương chém đầu tên giặc Toa Đô trên sông Bạch Đằng. (Ảnh: Internet)
Khi địch đến, bất ngờ quân ta từ tứ phía lao tới, áp sát thuyền giặc. Đoạn sông Bạch Đằng này nhan nhản cọc gỗ gắn thép nhọn vây chặt toàn bộ quân giặc, Ô Mã Nhi nhảy xuống sông hòng thoát thân nhưng cũng không thể trốn thoát. Quân ta giành chiến thắng vang dội.
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, (Quảng Yên, Quảng Ninh).