Nhiều chức danh "trượt" trong ĐH Đảng huyện Mỹ Đức
Sáng nay 29/9, Ban Tổ chức Thành ủy đã tổ chức buổi họp thông tin về vụ việc "cả họ làm quan" ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Tại buổi thông tin, ông Đào Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết: “Đây là vấn đề không chỉ dư luận trong thành phố mà rất nhiều tỉnh, thành quan tâm”.
Theo ông Toàn, sau khi báo chí phản ánh, Thành uỷ Hà Nội đã lập 1 đoàn công tác về làm việc với huyện Mỹ Đức, kiểm tra tất cả hồ sơ lưu trữ của huyện về các chức danh, làm việc với từng đơn vị.
“Qua kiểm tra thì thấy các quy trình hồ sơ bổ nhiệm đều chặt chẽ, đúng quy định. Cán bộ đều đủ tiêu chuẩn có trình độ ĐH trở lên, trung cấp chính trị trở lên và nhiều đồng chí có trình độ cao cấp chính trị.
Những cán bộ này sau khi được bổ nhiệm đã phát huy công việc rất tốt. Nhiều đồng chí đảm nhiệm cương vị này ở rất nhiều năm”, ông Toàn thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Toàn, ở Đại hội lần thứ 23 của Đảng bộ huyện Mỹ Đức có những nội dung công việc chưa đạt được kết quả tốt.
"Đặc biệt có biểu hiện cục bộ giữa các vùng miền, giữa các bộ phận nên tại ĐH, một số chức danh theo đề án nhân sự mà huyện đã xây dựng, Thành uỷ phê duyệt như Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện lại không trúng cử trong Đại hội.
Sau đó, có nhiều đơn thư nặc danh phản ánh các vấn đề của huyện và huyện có dư luận không tốt.
Thành phố đã tăng cường cán bộ về cho các chức danh, đồng thời yêu cầu ban thường vụ huyện kiểm điểm nghiêm túc trong công tác cán bộ.
Huyện cũng nhận thức và chủ động mong muốn thành phố tăng cường cán bộ về", ông Toàn nhấn mạnh.
Mỹ Đức không vi phạm
Theo ông Toàn, về quy định của Đảng, Nhà nước, quy định rất rõ những chức danh nào thì người thân trong gia đình không được đảm nhận.
“Xem xét quy định của Đảng, Nhà nước và Luật Cán bộ công chức đã quy định rất rõ những chức danh không được bố trí người thân ở trong gia đình đảm nhận.
Đối chiếu lại các quy định, những trường hợp báo chí, đơn thư nêu ra thì huyện Mỹ Đức không vi phạm”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, cái quan trọng hơn là cán bộ, đối tượng được bổ nhiệm ở chức danh đó có đảm bảo hay không? Có uy tín, công tác tốt hay không?
Quy trình bổ nhiệm có dân chủ, khách quan và đúng nguyên tắc hay không? Sau khi bổ nhiệm rồi thì cán bộ này có phát huy tốt hay không?
Nhận xét về việc bổ nhiệm nhiều cán bộ là người nhà, ông Đào Đức Toàn cho rằng, cán bộ chúng ta trong hệ thống chính trị của mình thường có trưởng thành, phát triển từ cơ sở.
"Nhất là cấp xã có con em cán bộ là người địa phương. Chắc chắn trong 1 xã có quan hệ họ hàng là khó tránh khỏi.
Từ xã lên huyện, từ huyện lên TP. Đấy là nguồn hình thành nên đội ngũ cán bộ chúng ta. Vì không dám chắc sau 20-30 năm nữa ai sẽ làm bí thư huyện, chủ tịch UBND huyện cả”, ông Toàn bày tỏ.
Theo ông Toàn, ở huyện Mỹ Đức, có 8 - 9 người quan hệ họ hàng có thể nói là rất ngẫu nhiên.
"Hầu như các cán bộ ở đây đều có quá trình trưởng thành, công tác từ huyện. Ngay ông Lê Văn Nhiều đồng chí có quá trình cống hiến rất lâu dài”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Toàn đưa ra từng trường hợp báo chí phản ánh như ông Lê Văn Sơn, người đảm nhận chức Trưởng ban Tổ chức huyện Mỹ Đức từ năm 2005.
“Thời điểm đó, ông Sang là Trưởng phòng Tài chính, mãi đến 2012 mới làm Bí thư Huyện ủy. Điều đó cho thấy ông Sơn còn làm cán bộ chủ chốt trước ông Sang.
Nói ông Sang lợi dụng chức vụ để bố trí chức danh cho ông Sơn là chưa đúng, không thuyết phục”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội giải đáp.
Trường hợp bà Lê Thị Vĩnh, theo phản ánh thì ông Sang phải gọi bằng cô, cũng có quá trình công tác ở ngành tài chính hơn 30 năm. Bà Vĩnh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tài chính huyện Mỹ Đức khi ông Sang chưa làm Bí thư.
Về trường hợp con trai ông Sang là Lê Văn Trang, sinh năm 1983, làm Bí thư một xã An Phú ở huyện Mỹ Đức cũng được giải thích cụ thể.
Theo ông Toàn con trai ông Sang có quá trình công tác từ cán bộ thuế, chuyển về làm ở Phòng Tài chính, sau đó luân chuyển xuống cấp xã.
Ông Toàn đánh giá nếu về tiêu chuẩn thì con trai ông Sang chưa hẳn là bí thư cấp xã trẻ tuổi. Quá trình công tác con trai ông Sang cũng được đánh giá được đào tạo bài bản, có năng lực, nhiệt tình.
Riêng 6 trường hợp huyện biệt phái tăng cường từ Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn (thường được biết đến với tên gọi Chùa Hương) về công tác tại cơ quan của huyện, theo ông Toàn, đây là thẩm quyền của huyện Mỹ Đức.
“Tuy nhiên, việc này cũng thiếu thận trọng và gây dư luận không khách quan. Nếu đủ tiêu chuẩn mà công khai lên cũng không vấn đề gì. Nhưng những tiêu chí đó chưa đưa ra được nên mới có dư luận.
Dư luận có cơ sở chứ không phải không có cơ sở. Chọn người để làm việc chứ không phải chọn con em để làm việc” - ông Toàn cho hay.
Mặc dù đến nay, Thành uỷ Hà Nội chưa có chỉ đạo nhưng huyện Mỹ Đức đã tự giác thôi biệt phái đối với 5 cán bộ huyện này và điều động trở về công tác tại Ban quản lý di tích thắng cảnh Chùa Hương.
Còn 1 cán bộ sang 1 đơn vị sự nghiệp khác nên không cần điều động về.
Về hướng xử lý vấn đề ở Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng khẳng định, Thành uỷ đã yêu cầu huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo huyện trong kỳ họp HĐND vừa rồi.
"Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm việc điều động, bố trí cán bộ, gây tư tưởng chưa tốt cho cán bộ Đảng viên; xử lý lại chưa kịp thời.
Huyện đã khắc phục nhưng Ban thường vụ đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ban Thường vụ huyện ủy cần tiếp tục nắm tình hình nội bộ, tập trung làm tốt công tác cán bộ, kịp thời nắm bắt thông tin, trao đổi giải quyết thắc mắc của cán bộ, Đảng viên", ông Toàn cho biết thêm.
Điều động 6 viên chức là con các lãnh đạo huyện
Trao đổi tại buổi giao ban báo chí chiều 29/9, ông Phan Chu Đức, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết:
Báo chí nêu 9 trường hợp ở huyện Mỹ Đức và sau khi kiểm tra thì cả 9 trường hợp đều đúng quy trình bổ nhiệm theo quy định.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm đều đảm bảo, tất cả các cán bộ đều có bằng Đại học, chính trị... và khi công tác đều tốt.
Ông Đức cũng khẳng định, việc trưng tập, điều động 6 viên chức là con các lãnh đạo huyện từ Ban quản lý thắng cảnh di tích Hương Sơn về các phòng ban huyện là đúng.
Cụ thể, UBND huyện điều động viên chức Lê Đức Anh (con trai ông Lê Văn Sơn, Trưởng ban tổ chức Huyện ủy) từ Ban quản di tích Hương Sơn về công tác tại Ban quản lý dự án đầu tư của huyện.
5 trường hợp biệt phái viên chức từ Ban quản lý di tích Hương Sơn về các cơ quan chuyên môn của huyện gồm:
- Viên chức Nguyễn Thế Hưng (con trai ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND) huyện về phòng nội vụ huyện.
- Trưng tập, biệt phái viên chức Nguyễn Mạnh Hùng (con trai ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện) về giúp việc tại phòng tài chính, kế hoạch huyện.
- Trưng tập viên chức Lê Quang Hưng (con trai ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện) về phòng nội vụ huyện.
- Trưng tập viên chức Nguyễn Thị Ngọc Duyên (con dâu ông Lê Văn Sang, Bí thư Huyện ủy) về phòng quản lý đô thị huyện.
- Trưng tập viên chức Nguyễn Minh Hoài (con trai ông trưởng phòng tài chính kế hoạch huyện) về phòng tài chính kế hoạch huyện.
Ông Đức khẳng định, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức đã nhận khuyết điểm về vụ việc này trước Ban thường vụ Thành ủy.