Dân xã Khâu Vai xuýt xoa khi thấy Pó trắng hơn, béo hơn, cái bụng to hơn trước. Mấy tháng được ăn ngủ đầy đủ, đối xử tử tế ở Pakistan khiến cho Pó lấy lại năng lượng của những ngày lang thang sống cảnh màn trời chiếu đất.Trong căn nhà gỗ của mình, Pó thoải mái rít một hơi thuốc lào, nhấp chén rượu ngô và một ngày 10/5/2014, hiện về rõ nét.
Khi “thánh phượt” trở về bằng máy bay
“Hôm đấy, cảnh sát đến đồn và áp giải mình đi từ rất sớm. Mình không biết chuyện gì xẩy ra. Họ đưa mình lên chiếc xe ôtô chạy liên tục cả ngày. Mình nhớ lại ngày từ Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê, cũng lên xe chạy cả ngày như thế, sợ toát mồ hôi.
10 giờ đêm thì họ đưa mình đến một cái sân rộng, có nhiều máy bay. Mình chưa hiểu chuyện gì thì bị đẩy lên máy bay. Mấy tiếng sau máy bay hạ cánh tại sân bay Băng Cốc ở nước Thái Lan.
Mình vừa xuống thì lại được đưa lên một chiếc máy bay khác. Mình vừa sợ nhưng vừa sướng vì thấy mình cũng “quan trọng” tự dưng lại cả đoàn dẫn đi và có hai máy bay để chở mình. Trong đời mình, đây là lần đầu tiên mình được đi máy bay”.
Chiếc máy bay hạ cánh, Pó bật khóc khi nhìn thấy những người mặc trang phục của cảnh sát Việt Nam ở sân bay. Pó lặng đi khi một người đàn ông nói với mình bằng tiếng Mông:
“Tôi đến từ Mèo Vạc, đến đây để đón anh về nhà!”. Hai năm rồi, Pó mới nghe được tiếng nói của dân tộc mình- thứ tiếng mà “Thánh phượt” đã nói một mình trong suốt cuộc hành trình - nói cho đỡ nhớ, nói cho khỏi quên. Pó ôm chặt lấy người đồng hương.
Chiếc xe ôtô được chuẩn bị sẵn đưa Pó về Khâu Vai - Hà Giang. Đi cả sáu nghìn cây số bằng đôi chân trần tứa máu, trở về bằng máy bay và có cán bộ đưa tận nhà bằng ôtô - chuyến phượt kỳ lạ của Pó cũng kết thúc có hậu.
Bữa cơm gia đình đầu tiên của Vừ Già Pó khi trở về.
Pó khóc từ khi bước chân xuống xe cho đến lúc gặp lại vợ con. “Thánh phượt” khóc như một đứa trẻ, phải lấy cánh tay to bè của mình lau nước mắt đang giàn giụa. Pó ôm chặt lấy vợ con giữa ruộng ngô. Những gương mặt mừng mừng tủi tủi, cười mà nước mắt cứ chảy. Pó không nhận ra con gái của mình, vì con gái lớn nhanh quá. Con gái đã có bầu với người yêu được 6 tháng rồi nhưng chưa cưới vì còn đợi bố về.
Bán sạch gia sản đón “thánh phượt” trở về
Pó nhìn căn nhà gỗ nhỏ của mình, cái nhìn đầy xúc cảm như gặp lại người thân. Căn nhà vẫn chẳng có gì thay đổi, chỉ cũ hơn, đồ đạc cũng vơi đi nhiều. Gia đình Pó đã nghèo lại càng nghèo hơn khi người đàn ông trụ cột trong nhà mất tích hai năm. Khi có tin tức của chồng, chị Ly Thị Lía (vợ Pó) bên cạnh niềm vui lớn là cả một nỗi lo.
Lía được thông báo, phải lo đủ 20 triệu đồng mua vé máy bay và một số chi phí khác để đưa chồng về. Lấy đâu ra 20 triệu khi mà gia đình này phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Nhưng không thể để chồng bị giam cầm ở xứ người, Lía đành bán sạch gia tài của mình. Chị nghiến răng bán hai đồi nương- mảnh đất sinh nhai của cả nhà - cũng chỉ được 10 triệu đồng.
Bán tiếp con bò và chạy vạy thêm mới đủ 20 triệu nộp cho xã. Trước đó, để nuôi bốn miệng ăn, chị cũng đã phải bán mảnh nương và con bê lấy 30 triệu đồng đưa cho người thân sang Trung Quốc tìm chồng. Nhà nông, khi bán gần hết đất và bán hết bò bê, gia đình chị Lía gần như chẳng còn gì để sống. Số đất còn lại ít đến mức vụ vừa rồi không đủ gieo 1kg ngô giống.
Lía buộc phải đi làm thuê, nhưng công việc phập phù, ngày kiếm được mấy chục nghìn cho con khỏi đứt bữa cũng trở nên khó khăn. Bữa cơm của mấy mẹ con thường chỉ có mèn mén (bột ngô hấp) và rau rừng.
Nhưng chưa bao giờ Lía từ bỏ hy vọng đưa chồng trở về dù có phải bán hết cả nhà cửa nương rẫy. Hai người cùng cảnh ngộ đến với nhau bằng sự đồng cảm, Pó mồ côi cha mẹ, Lía mồ côi cha, phải theo mẹ sang nhà bố dượng. Lía nghèo nhưng khi lấy Pó cả gia đình đều phản đối vì chê Pó quá nghèo. Nhưng họ quyết đến với nhau. Hai vợ chồng trẻ phải sống trong một túp lều mấy mét vuông chơ vơ trên mỏm đồi.
Nhờ chăm chỉ làm lụng, họ cất được một ngôi nhà rộng rãi. Cuộc sống dù còn nhiều thiếu thốn nhưng vợ chồng no đói có nhau cho đến khi Pó mất tích. Đàn bà đang trẻ vắng chồng, có một vài đám cũng đến “đánh tiếng”, nhưng Lía đều lắc đầu.
Mâm cơm của gia đình Pó ngày đoàn tụ cũng chẳng có gì thịnh soạn nhưng sao mà ấm cúng. Cả nhà nhìn nhau, không nói được nên lời, Pó thỉnh thoảng lại lấy tay gạt nước mắt. Những ngày lang thang xứ người, Pó thường mơ về bữa cơm tối cùng vợ con, tỉnh dậy cứ ngồi bần thần vì nghĩ chẳng bao giờ có được nữa…
Tôi cận cảnh cái nghèo của nhà Pó, xó bếp chỉ có mấy cái nồi sứt quai. Gác bếp trống trơn, chẳng còn treo lủng lẳng những bắp ngô hay thịt nướng. Vài ba bộ quần áo rách treo nơi góc nhà…
Rồi những ồn ào lẫn hiếu kỳ của người đời cũng qua đi, “Thánh phượt” trở về cuộc sống đời thường. Pó ra cái cối đá và bắt đầu xay ngô. Nhưng vòng xoay của cối đá đưa Pó về sâu hơn với thực tại, ngày mai sẽ lấy ngô ở đâu mà cho vào cối? Lấy đâu ra tiền khi cả nương rẫy và bò bê đều bán. Kinh tế khó khăn người thuê mướn cũng ít đi, vợ chồng Pó chưa biết làm gì kiếm sống.
Giá như “Thánh phượt” có thể viết sách kể về chuyến phượt nổi tiếng thế giới của mình, thì cỡ như “Huyền chíp” tác giả của cuốn “Xách ba lô lên và đi” cũng phải tôn làm sư phụ. Nhưng Pó- từng xách bao ngô lên và đi thì ngay cả tiếng Kinh cũng không biết. Chàng trai người Mông thật thà như đếm này thường kể vắn gọn hành trình của mình, không như một số phượt thủ khác, vẫn thường có thói “vẽ rắn thêm chân”.
Tôi chợt lo: “Lại đối diện khó khăn, bế tắc, biết đâu rồi Pó lại sang Trung Quốc xuất khẩu lao động “chui”?”.
Pó lắc đầu quầy quậy: “Không bao giờ mình sang Trung Quốc làm thuê nữa, có cho mình một tỷ đồng, mình cũng không bao giờ đi nữa. Giờ nghĩ lại chuyện đi Trung Quốc mình thấy ớn lạnh. Mình sẽ ở nhà cùng vợ con làm ăn, no đói có nhau”.
UBND huyện Mèo Vạc đã mời chàng trai người Mông này lên gặp mặt đủ cả lãnh đạo và các ban ngành đoàn thể . Chủ tịch huyện Nguyễn Chí Thường thăm hỏi, động viên, mong Pó “tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế” và “Tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho mọi người dân trong xã hiểu không đi lao động tự do tại Trung Quốc, sẽ gặp nhiều rủi ro”. Tôi nghĩ chỉ riêng câu chuyện của Pó thôi, cũng đã đủ đẩy lùi vấn nạn vượt biên trái phép sang Trung Quốc xuất khẩu lao động “chui” rồi.
“Thánh phượt” giờ đây nghiễm nhiên trở thành một “đặc sản” của xứ Mèo Vạc. Khách du lịch đến Hà Giang nhiều người tìm đến gặp Vừ Già Pó để trăm nghe không bằng một thấy. Sẽ có tour du lịch tới Mèo Vạc nghe Pó kể chuyện phượt chăng? Không chỉ vậy, ở trên bình diện quốc tế, Vừ Già Pó được biết tới như một người Việt Nam tử tế không bao giờ từ bỏ con đường trở về với quê hương đất nước của mình.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bình luận về hành trình của Vừ Già Pó: “Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt”.
Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được.
Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình.
Trong clip, người đàn ông nói: “Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bây giờ tôi người đàn ông Mèo Vạc chỉ đi lao động Trung Quốc, tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp, tôi bị bộ đội (Pakistan) bắt tôi về giam được 3 tháng...
Cả nhà tôi ở Khâu Vai còn 6 mẹ con, mong cơ quan chức năng đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi tìm về nhà chăm sóc vợ con tôi”.