Để phòng chống siêu bão Haiyan, hôm nay, 10/11, UBND thành phố Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành của thành phố, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể. UBND thành phố cũng phân công lãnh đạo UBND TP.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố đã tập trung rà soát kỹ các phương án đối phó với bão và khi có mưa lớn xảy ra. Đến nay, các ngành các cấp, các địa phương đã chủ động tập trung nhân lực, phương tiện, phân công nhiệm vụ cụ thể và triển khai các phương án ứng phó với các tình huống. Đặc biệt là phương án thoát nước khu vực nội đô, sơ tán dân tại các nhà chung cư cũ có nguy cơ sụp đổ đến nơi an toàn, bảo vệ cây xanh, chế độ điều chỉnh mực nước các hồ đập, đảm bảo tiêu thoát nước khu vực ngoại thành, công tác chỉ đạo nhân dân chuẩn bị lương thực thực phẩm dự trữ, phương án cứu hộ cứu nạn giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, phương án đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn về điện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay: Trước diễn biến phức tạp của bão, trong những ngày qua UBND TP đã chủ động, tập trung theo sát và lên kế hoạch ứng phó với cơn bão số 14. Từ ngày 8/11, TP đã ban hành các Công điện số 11, số 12 để chỉ đạo toàn TP ứng phó với cơn bão này; đã phân công từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP trực chỉ huy, bám sát các địa bàn và chỉ đạo, cập nhật thông tin để kịp thời ứng phó.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng đặc biệt lưu ý Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng lớn của cơn bão số 14. Tình hình đang rất cấp bách, do đó Chủ tịch thành phố yêu cầu các cấp các ngành, các quận, huyện, thị xã duy trì chế độ trực 24/24, phân công cán bộ xuống từng địa bàn để theo dõi và chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó với bão. Mục tiêu số một là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, của Nhà nước và đây cũng là trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho các ngành, chính quyền các địa phương.
Vấn đề đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân cho người dân cũng được chú ý đặc biệt. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, xác định các điểm có thể gây ngập úng, bảo vệ cây xanh, bảo đảm an toàn điện và thông tin liên lạc thông suốt, phân luồng giao thông và chú trọng cảnh báo nguy hiểm. Đối với khu vực ngoại thành tiến hành xả lũ mức nước tối thiểu các hồ đập, rà soát lại các điểm xung yếu, kiểm tra thực hiện 4 tại chỗ, ứng phó đê điều.
Đánh giá bão số 14 là cơn bão rất mạnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp nên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các ngành, các cấp, các quận, huyện, thị xã nghiêm túc chấp hành các công điện của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương và thành phố, chủ động triển khai phòng chống bão số 14, hoãn mọi cuộc họp chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng vật tư, phương tiện, khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão. Nơi nào để thiệt hại do bão gây ra chết người, thiệt hại lớn tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước và xã hội thì Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.
Ngay trong buổi chiều nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TP. Hà Nội đã phân công thành viên tham gia các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống ứng phó với cơn bão số 14 trên các lĩnh vực.
Trao đổi với chúng tôi lúc 17h30' ngày 10/11, ông Nguyễn Xuân Hưng - PGĐ Công ty cây xanh Hà Nội cho hay: Để sẵn sàng ứng phó với cơn bão Haiyan, chủ động phòng chống úng ngập khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão trên địa bàn Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2013.
Được biết, để đối phó với siêu bão Haiyan theo chỉ đạo của TP. Hà Nội, Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cũng đã yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão; khi có mưa to, gió lớn, huy động 100% lực lượng triển khai công tác ứng trực và tổ chức giải tỏa cây đổ.