Hàng năm, cứ đến tháng cô hồn, người ta lại truyền tai nhau hàng loạt điều cần phải kiêng kị như kiêng thức khuya, kiêng phơi quần áo ban đêm, kiêng chụp ảnh...
Nhiều người đang mạnh tay rút hầu bao cả triệu đồng để mua bột trừ tà, vòng dâu tằm trừ tà, cây trừ tà,... với mong muốn tránh được những chuyện xui xẻo trong tháng cô hồn.
"Làm gì có bột trừ tà"
Theo lời quảng cáo, bột tẩy uế được tạo ra từ một số lá, cành, vỏ và rẻ cây bồ đề xay nhuyễn và trộn thêm trầm hương để có mùi thơm đặc trưng.
Khi dùng, gia chủ đổ bột vào một cái đĩa sứ, đốt cháy bột từ từ và khi bột cháy tỏa khói thì mang đi xông mọi ngóc ngách trong nhà.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, PGS. TS Phạm Lan Oanh - Trưởng khoa Sau đại học - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho biết, trong dân gian, có chuyện dùng nước ngũ vị hay mùi hương… trừ tà.
“Nhưng tôi xin khẳng định là không có trầm hương. Trầm hương quý như thế, làm sao có chuyện bỏ ra vài triệu là mua được?! Có thể mùi bạn ngửi thấy giống mùi trầm, nhưng thật ra đó là hương dầu tràm.
Loại thảo mộc người ta dùng có tinh dầu, có mùi thơm có tác dụng khử uế mà dân gian hay gọi là trừ tà ma và đã được dùng từ thời xưa”, bà Lan Oanh nhấn mạnh.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này, loại bột/nước này có một số công dụng nhất định.
Về y học, nó có tác dụng chữa bệnh. Về tâm linh, nó có tác dụng trừ tà ma. Người ta hay dùng bột đó hòa tan trong nước để lau hoặc vẩy ở những khu vực muốn tẩy uế.
GS. TS Nguyễn Chí Bền – Nguyên viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay: “Từ trước tới giờ tôi chưa từng nghe thấy loại bột trừ ta. Trong văn hóa dân gian, tôi khẳng định là không có cái đó”.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong văn hóa dân gian vẫn còn nhiều chuyện chưa thể lý giải được, cũng có không ít chuyện mê tín dị đoan trong tháng cô hồn.
Ông cho rằng, các loại bột trừ tà, vòng trừ tà không liên quan gì tới yếu tố về văn hóa. Nó mang mục đích thương mại nhiều hơn là các giá trị văn hóa tâm linh.
Không nên chụp ảnh trong tháng cô hồn?
Gần đây cũng rộ tin đồn không nên chụp ảnh “tự sướng” đăng lên các mạng xã hội như facebook trong tháng cô hồn.
Nói về điều kiêng kị này, PGS. TS Phạm Lan Oanh nhận định: “Ai nói vậy tức là người ta bị mê tín dị đoan. Không ai tin vào cái điều không có thật đó cả.
Tôi chỉ thấy ở khía cạnh tâm linh, người ta kiêng chụp ảnh trẻ sơ sinh, trẻ chưa đầy 3 – 4 tháng nhất là khi các bé đang ngủ.
Ở khía cạnh văn hóa, tôi cho rằng trong trường hợp này, hạn chế chụp ảnh là tốt vì hạn chế chụp ảnh “tự sướng” xã hội sẽ bớt nhiễu loạn hơn.
Đó như là một rào chắn để cảnh tỉnh giới trẻ thời nay – nhất là những người đang lạm dụng các phương tiện truyền thông mới, các mạng xã hội như facebook…”.
Cũng theo PGS. TS Phạm Lan Oanh, không nên kiêng gì trong tháng cô hồn cả bởi mỗi tháng đều có việc tốt nên làm.
Tháng 7 dành cho mộ phần tổ tiên, con cái báo hiếu cha mẹ. Nếu có kiêng thì quanh năm nên kiêng làm điều ác xấu, lừa lọc…chứ không riêng gì tháng 7.
“Tháng 7 người ta vẫn lên chùa cưới như thường. Đó chỉ là một nét văn hóa, không nên lệ thuộc mà nên hướng tới những giá trị cao của nhân loại”, bà Lan Oanh nhấn mạnh.