Thời gian gần đây, tin đồn về một học sinh lớp 4 ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chữa được bách bệnh khiến nhiều người từ phương xa tìm đến.
Tại “phòng mạch” là nhà của cha mẹ nuôi ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, vào thứ bảy và chủ nhật có hàng trăm người đến để được “thầy lang” nhí Phùng Minh Quân (sinh năm 2006, hiện là học sinh lớp 4 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2) trị bệnh.
Chữa bệnh bằng… sờ
Qua nhiều ngày quan sát, chúng tôi thấy nhiều người từ các nơi kéo đến bằng các phương tiện, như: xe máy, ô tô 4 chỗ, 16 chỗ… mang bảng kiểm soát của các địa phương khác, kể cả bệnh nhân ở tận Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Những người đến đây đều bị bệnh, nhẹ thì đau mắt, cận thị; nặng là ung thư, liệt, câm điếc… mong được chữa khỏi.
Phùng Minh Quân đang điều trị bằng cách húc đầu vào người bệnh.
Chẳng biết kết quả trị bệnh của Quân ra sao, nhưng phương pháp chữa trị khá đơn giản và có phần kỳ lạ. Lúc thì sờ, nắn, đấm, thậm chí có lúc còn... húc đầu vào những chỗ bệnh nhân kêu đau. Có khi Quân bắt bệnh nhân xếp thành 2 hàng dọc, sau đó em đi đến từng người lấy tay sờ vào bệnh nhân mà không cần hỏi họ bất cứ điều gì liên quan đến bệnh tật.
Trong lúc Quân đang “chữa bệnh” thì luôn có một người đàn ông tên Phụng túc trực bên cạnh. Thỉnh thoảng người này còn nhắc nhở “thầy lang” thay đổi cách chữa bệnh.
Trong quá trình trị bệnh, mỗi lần tỏ ra mệt mỏi, Quân được người nhà lấy ghế cho ngồi, trong khi những bệnh nhân chen lấn nhau để mong được “thầy”… sờ vào người. Lúc này ngoài xoa, nắn, sờ, đấm… lên bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của bệnh nhân, Quân còn kèm theo những cụm từ không đầu không đuôi, như: “toàn thân, tổng quát” (?). Đôi khi nói quá nhiều câu này, Quân bị một phụ nữ đứng cạnh dùng tay bịt miệng, không cho lặp lại.
Hệ lụy từ những lời đồn thổi
Đến thời điểm này, việc Quân có khả năng chữa khỏi bệnh như thế nào đều chưa có căn cứ. Thế nhưng, từ một khu vực yên ắng, giờ nơi đây hàng ngày có hàng trăm người tụ tập trở nên ồn ào, mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến dân cư. Rác đủ các loại từ bọc xốp, vỏ bắp, hộp đồ ăn, giấy… vất bừa bãi khắp nơi; người bệnh thì mắc võng nằm la liệt trong vườn trông rất nhếch nhác, ngột ngạt, phóng uế mọi chỗ.
Phùng Minh Quân đang sờ vào người bệnh (ảnh chụp lúc 15 giờ 40 ngày 5-3).
Không những thế, kể từ khi Quân tiến hành chữa bệnh thì việc đi lại trên đường Ngô Quyền - Sông Thao ở địa phương trở nên khó khăn hơn do người dân và phương tiện đưa người bệnh đến đây tụ tập, giao thông hết sức lộn xộn gây bức xúc cho người dân.
Ông V.M., ngụ gần nhà Quân, bức xúc: “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp giải tỏa khu vực này. Ở ấp Ngô Quyền, đường nhỏ hẹp nhưng xe cộ ngày nào cũng đậu chật cứng. Tôi nghĩ rằng, một cậu bé 9 tuổi làm sao chữa bệnh được, đó chỉ là mê tín dị đoan, đồn nhảm thôi”.
Theo ông M., hiện nay gần nơi Quân chữa bệnh xuất hiện những hàng quán, dịch vụ “ăn theo” càng làm cho khu vực này trở nên phức tạp, chưa kể đến tình trạng “chặt chém” người mua.
Nhận định về việc học của Phùng Minh Quân, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A Trường tiểu học Trần Bình Trọng cho biết kể từ ngày Quân chữa bệnh cho mọi người thì lực học của em giảm sút rõ rệt. Năm lớp 3 Quân là học sinh tiên tiến, nhưng học kỳ 1 của lớp 4 chỉ đạt trung bình.
“Đầu năm Quân học khá tốt, nhưng đến nay thì cả sức khỏe lẫn học lực sút rõ rệt. Nhiều ngày lên lớp, cháu đều có biểu hiện rất mệt mỏi, không còn để tâm theo dõi bài giảng” - cô giáo chủ nhiệm nói.
Trao đổi về việc chữa bệnh lạ đời của Phùng Minh Quân, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2 Trần Văn Danh cho biết chính quyền địa phương đã nhiều lần mời vợ chồng ông Phùng Văn Độ là cha mẹ nuôi của em lên làm việc. Qua đó, ông Độ cam kết không để Quân chữa bệnh nữa, nhưng sau đó chuyện vẫn tiếp diễn.
“Chúng tôi khẳng định, việc làm được gọi là chữa trị của Quân không mang lại hiệu quả nào cho người bệnh. Chúng tôi đã xác minh một số trường hợp đã đến nhờ Quân điều trị, song bệnh không hề thuyên giảm. Điều này cho thấy, “thầy lang nhí” chữa bách bệnh chỉ là tin đồn, được thổi phồng đến độ hoang tưởng. UBND xã đã báo cáo việc này lên UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo” - ông Danh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trưởng phòng y tế huyện Thống Nhất Nguyễn Thị Thơm đánh giá: “Phòng đã tiến hành kiểm tra, qua đó thấy kiểu chữa bệnh chỉ sờ vào người mà nói khỏi được bách bệnh là điều vô lý. Đặc biệt, đối với một số bệnh hiểm nghèo, khi bệnh viện chê rồi mà đến đây, cơ bản là cầu may, hoàn toàn không có cơ sở khoa học”.