Thâm nhập “thủ phủ” hoa quả nhập lậu ở Lào Cai (Kỳ 1)

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Mỗi ngày có hàng hàng nghìn tấn hoa quả các loại từ bên kia biên giới được nhập vào trong nước, tập kết tại TP Lào Cai để chờ tư thương đem về xuôi. Điều đáng nói là với khối lượng hoa quả khổng lồ nhập vào như thế nhưng lại không hề được kiểm soát hay kiểm định về mặt an toàn chất lượng thực phẩm.

“Trùm nậu” hoa quả

Khi đến khu vực cửa khẩu Lào Cai, nhắc đến “ông Chiến Cốc Lếu” thì dân đi buôn không ai là không biết bởi đây là một trùm về buôn hoa quả có “máu mặt” và có tiếng của cả vùng. Nhiều người còn gọi bằng những cái tên khác như “trùm Chiến”, “Chiến quả”.

“Ông trùm” hoa quả tên thật là Trương Quốc Chiến, sinh năm 1962, quê gốc ở Hưng Yên nhưng lên TP Lào Cai lập nghiệp đã được hơn hai mươi năm nay. “Trùm Chiến” được xem là “đầu nậu” lớn nhất tại TP Lào Cai và cũng “phất lên” thành tỷ phú nhờ buôn hoa quả từ bên kia biên giới về nước.

Hoa quả nhập lậu qua đường tiểu ngạch được đóng trong các thùng xốp. Sau khi vận chuyển về nước được tập kết tại sân bãi của các "trùm nậu".

Mỗi ngày có hàng nghìn tấn hoa quả từ bên kia biên giới nhập sang Việt Nam bằng con đường chính ngạch (qua cửa khẩu và đóng thuế) hoặc tiểu ngạch (tư thương Trung Quốc tự mang sang hoặc Việt Nam mua về) thì có đến 1/3 trong số này được “trùm Chiến” thu mua lại và tập kết tại các nhà kho của mình, trước khi đưa về dưới xuôi tiêu thụ.

Một góc kho bãi tập kết hoa quả và hàng hóa của "trùm Chiến" ở TP Lào Cai.

Số lượng hoa quả được “trùm Chiến” thu mua mỗi ngày lên đến hàng trăm tấn, tập kết trong khu vực nhà kho rộng gần 4000m2, được trang bị cả máy lạnh để có thể bảo quản.

Chị Lý Thị Hòa (42 tuổi, trú tại TP Lào Cai), một tiểu thương buôn bán hoa quả tại chợ Cốc Lếu cho biết: “Các “trùm nậu” ở đây phần lớn chỉ thu mua hoa quả của các tư thương nhập về từ bên kia biên giới. Đây là hoa quả nhập bằng tiểu ngạch, không bị đánh thuế, giá thấp hơn so với hàng nhập qua cửa khẩu bị đánh thuế nên mua vào rẻ hơn nhiều. Mua vào rẻ nên khi bán ra thì thu lãi được nhiều hơn”.

Cũng theo chị Hòa, những “trùm nậu” về buôn hoa quả như “trùm Chiến” là những người “dày vốn”, còn phần lớn tư thương ở Lào Cai do không có vốn để đầu tư nên chỉ buôn bán nhỏ bằng cách sang bên kia biên giới thu mua hoa quả và đem về nước nhập lại cho các “đầu nậu”.

Để tránh phải đi qua cửa khẩu và nộp thuế, phương thức vận chuyển duy nhất của tư thương các chợ ở Lào Cai vẫn là bằng xe máy. Nhiều thì có người mỗi ngày dăm bảy chuyến, còn thường thì chỉ hai ba chuyến mỗi ngày.

“Buôn hàng lậu thì bị tù, buôn hoa quả thì... không việc gì”

Nếu như đồ điện tử lậu trốn thuế tập trung và thâm nhập vào nội địa nhiều nhất ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), gà lậu qua con đường tiểu ngạch địa phận tỉnh Lạng Sơn thì Lào Cai từ lâu được dân buôn bán mệnh danh là “thủ phủ” của hoa quả.

Mỗi ngày có hàng hàng nghìn tấn hoa quả các loại từ bên kia biên giới được nhập vào Việt Nam, tập kết tại TP Lào Cai để chờ lái buôn dưới xuôi lên lấy hàng. Điều đáng nói là với khối lượng hoa quả khổng lồ nhập vào như thế nhưng lại không hề được kiểm soát, kiểm định về mặt an toàn chất lượng thực phẩm.

Hoa quả Trung Quốc nhập lậu đang được tập kết chờ vận chuyển về dưới xuôi.

Thành phố Lào Cai (đặc biệt là khu vực gần cửa khẩu) cũng là nơi có đội quân cửu vạn làm nghề bốc vác, vận chuyển hoa quả nhiều nhất. Số cửu vạn này lên đến hàng trăm người. Những người này có thể làm tự do hoặc được các ông chủ là các “đầu nậu” thuê để làm việc cho mình. Tiêu chí khi làm “cửu vạn” hoa quả ở Lào Cai là: chỉ cần sức khỏe và thuộc đường (!)

Các chợ đầu mối xung quanh khu vực cửa khẩu Lào Cai tập trung rất nhiều cửu vạn.

Mỗi cửu vạn được chủ trang bị cho một xe gắn máy, làm nhiệm vụ sang bên kia biên giới lấy hàng đem về, mọi thỏa thuận giá cả đã được chủ Việt Nam “làm giá” từ trước.

Một cửu vạn đang chở hoa quả nhập lậu từ bên kia biên giới về.

Vàng A Dũng (trú tại Phố Mới, TP Lào Cai) một cửu vạn lâu năm trong vận chuyển hoa quả từ bên kia biên giới về cho biết: “Hầu hết các cửu vạn ở đây đều đã được chủ thuê hết. Không có vốn đi buôn thì đi làm cửu vạn. “Cửu vạn hoa quả” là an toàn nhất vì chở hàng lậu khi bắt được thì bị phạt, có khi bị tù. Chở hoa quả thì không việc gì”.

Cũng theo Dũng, hoa quả thường được phía lái buôn Trung Quốc tập kết sát biên giới nên quãng đường vận chuyển chỉ khoảng 10 – 15 cây số. Hoa quả được đóng vào các thùng gỗ, xốp hoặc các sọt có lót giấy hoặc rơm. Mỗi chuyến, mỗi cửu vạn thường chở được từ 150 – 200kg hoa quả. Sau mỗi chuyến như thế, mỗi cửu vạn được chủ trả cho từ 70 – 100 nghìn đồng.

Khó kiểm soát hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc

Hiện nay, không riêng gì Lào Cai mà tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh), có rất nhiều loại củ, quả từ Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta. Theo quy định nhập khẩu, tất cả các mặt hàng hoa quả phải qua kiểm dịch, thì ngành hải quan mới cho phép làm thủ tục nhập.

Tuy nhiên, quy định đó chỉ dành cho các lô hàng xuất qua đường chính ngạch. Còn việc buôn bán, trao đổi giữa các cư dân biên giới đối với mặt hàng hoa quả hiện đang khó kiểm soát hoặc có nơi không kiểm soát được, vì hàng được buôn bán qua nhiều đường khác nhau, số lượng nhỏ lẻ, chỉ khi về nước mới tập kết lại rồi trà trộn vào hàng nhập khẩu chính ngạch để đem đi tiêu thụ trong thị trường nội địa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại