Chúng ta đang sống trong không khí rạo rực, hân hoan của những ngày mùa thu lịch sử. Nhưng để đi đến những tháng ngày thanh bình như hôm nay, thế hệ cha ông ta đã phải hi sinh tuổi thanh xuân, đổ biết bao xương máu trên các chiến trường. Cuộc sống ngày hôm qua gắn liền với tiếng máy bay gào rú trên bầu trời, với tiếng kẻng sơ tán, với tiếng súng nổ quyết liệt trong những trận chiến giao tranh giữa ta và địch...
Biết bao chiến sĩ đã bị bắt giam vào các nhà tù thực dân và chịu
những ngón đòn tra tấn thâm độc nơi "địa ngục trần gian" ấy. Dù đau đớn, thịt nát xương tan nhưng các chiến sĩ vẫn một lòng kiên trung với Tổ
quốc thân yêu, quyết không khai nửa lời. Những cái tên nhà tù như Sơn La, Côn Đảo... vẫn ám ảnh mãi không thôi trong tâm trí những người con kiên cường của dân tộc.
Nhà tù Sơn La và cây đào Tô Hiệu
Nhà tù Sơn La được Thực Dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu dùng để giam cầm tù thường phạm. Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Cách mạng Việt Nam ngày một dâng cao, Thực Dân Pháp đã mở rộng nhà tù Sơn La và biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam.
Cây đào Tô Hiệu trước nhà tù Sơn La.
Nhưng cũng chính tại nơi tù đầy tăm tối này, hơn bao giờ hết khí tiết của người chiến sĩ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện và bổ xung cho Đảng, cho Cách mạng Việt Nam những chiến sĩ Cộng sản xuất sắc như các đồng chí Tô Hiệu, Lê Quẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân và bao đồng chí trung kiên khác.
Từ năm 1930 đến năm 1945, 1007 lượt chiến sĩ cách mạng của đảng, của dân tộc đã bị Thực Dân Pháp giam cầm, đầy ải ở chốn ngục tù này.
Nhà tù Hỏa Lò - địa ngục trần gian giữa lòng thủ đô
Nhà tù Hoả Lò là một di tích lịch sử đặc biệt của thủ đô Hà Nội. Nhà tù Hoả Lò còn được gọi là Khu đề lao Trung ương (Maison Centrale) do Pháp xây dựng vào năm 1896 trên địa phận thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, nay ở địa chỉ số 1 phố Hoả Lò, thành phố Hà Nội. Nơi đây thực sự là một địa ngục trần gian.
Đã có nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, trong đó có các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười...
Các chiến sỹ các mạng bị giam ở nhà tù đã biến nơi đây thành trường học Cách mạng, là môi trường rèn luyện tư tưởng, ý chí đấu tranh cách mạng. Ngay trong nhà tù Hỏa Lò, các lớp huấn luyện chính trị tập trung được mở, các tờ báo Lao tù đỏ, Lao tù tạp chí... ra đời khiến kẻ thù phải nể phục.
Nhà tù Côn Đảo - nỗi ám ảnh không bao giờ vơi
Côn Đảo nằm ngoài vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đây, thực dân đế quốc đã lấy Côn Đảo làm nơi giam cầm, tra tấn các tù chính trị. Chúng lập nên hệ thống nhà tù, gông cùm, xiềng xích và đủ các đòn tra tấn tàn bạo nhất để hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Vì thế nơi đây còn được gọi là "địa ngục trần gian".
Hệ thống nhà tù Côn Đảo là nơi đã giam cầm và đày ải gần 2.000 chiến sĩ cách mạng. Những người cộng sản kiên trung đã bị bọn quản ngục dùng đủ đòn để tra tấn, bạo hành nhưng không hề nao núng tinh thần, nhụt chí.
“Bây giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác rùng mình. Phụ nữ ở trong lao tù bao giờ cũng phải chịu nhiều đau khổ hơn nam giới. Những đòn tra tấn dã man, tàn bạo xảy ra với các chị em bị giam ở khu chuồng cọp tưởng như không thể xảy ra trong thế giới văn minh, nhưng đã xảy ra, kinh hoàng” - bà Hoàng Thị Khánh, trưởng ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, hồi ức về những ngày trong ngục tù Côn Đảo.
Nhà tù Phú Quốc - địa ngục trần gian
Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.
Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng.
Một trong những thủ đoạn tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc là đóng đinh vào xương khớp các chiến sĩ.
Tù binh chiến tranh tại nhà tù Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn rất dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống... Song với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, anh em đã đối phó với chúng bằng nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hoá hàng, ngủ địch, diệt ác ôn, tổ chức vượt ngục...