Thai phụ 7 tháng tử nạn: "Chắc gì nạn nhân đã chết mà 115 bỏ qua"

Hải Sơn |

Việc đắp chiếu của người dân thì chắc gì nạn nhân đã chết mà êkip cấp cứu 115 Hải Phòng lại bỏ qua khâu thăm khám cơ bản là có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ thai phụ 7 tháng cố cứu con nhưng bất thành sau tai nạn giao thông ở Hải Phòng, trong đó có thông tin cấp cứu 115 Hải Phòng đã "bỏ mặc", không cứu chữa kịp thời nạn nhân.

Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của cấp cứu 115 Hải Phòng

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư T.p HCM) cho rằng, qua thông tin do báo chí cung cấp, việc sản phụ đã cố tìm mọi cách để cứu đứa con 7 tháng tuổi trong bụng nhưng không được, là một sự việc hết sức đau lòng.

Việc người dân không biết được chị này đang mang thai là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu đúng như người dân phản ánh là "khoảng 15 phút sau, xe cấp cứu đến hiện trường nhưng thấy nạn nhân được đắp chiếu nên họ dời đi ngay, không thăm khám gì nữa", thì đây có thể là sự tắc trách và thiếu trách nhiệm của êkip này.

Bởi, với chuyên môn, nghiệp vụ của mình, êkip trên phải tiến hành thăm khám để xác định nạn nhân như thế nào?

"Việc đắp chiếu của người dân như trên thì chắc gì nạn nhân đã chết mà êkip cấp cứu lại bỏ qua khâu thăm khám cơ bản. Điều này vi phạm qui định của khoản 3, điều 6 Quyết định 01/2008/ QĐ-BYT.

Theo quy định, trước tiên trách nhiệm của bác sĩ, êkip cấp cứu là phải tổ chức đưa người bệnh ra khỏi khu vực đang bị de dọa tính mạng, tổ chức cấp cứu, tiến hành đánh giá, phân loại tình trạng người bệnh để triển khai việc cấp cứu và ổn định người bệnh" - luật sư Thảo nói.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư T.p HCM).

Vị này nói thêm, nếu công tác này được tuân thủ đúng trình tự theo qui định trên thì việc thai nhi trong bụng nạn nhân sẽ được phát hiện ngay lúc đó và công tác cấp cứu cho cháu bé cũng sẽ được êkip cấp cứu này kịp thời giải quyết.

Còn nếu người bệnh tử vong trước khi kíp cấp cứu 115 đến hoặc trong khi cấp cứu tại cộng đồng, thì y bác sĩ có trách nhiệm giải thích tình trạng bệnh cho thân nhân người bệnh phối hợp lập biên bản tử vong.

Trường hợp người bệnh đột tử hoặc nghi ngờ là án mạng liên quan tới pháp luật, thì giữ nguyên hiện trường, phối hợp với thân nhân người bệnh mời cơ quan công an đến giải quyết.

Người có lỗi chính khiến thai phụ tử vong có thể bị phạt tới 5 năm tù

Cũng với vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận định, theo thông tin báo chí đã đưa thì đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xảy ra trên địa T.p Hải Phòng.

Ngoài nạn nhân đã tử nạn thì những người tham gia giao thông có liên quan trong vụ việc này là người đi xe đạp bán báo dạo và người lái xe ô tô gây ra tai nạn.

Vụ việc đang được Công an T.p Hải Phòng xem xét, xác minh thông tin và sẽ giải quyết theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) 

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư T.p Hà Nội) 

Trước tiên sẽ xác định trong số ba người là nạn nhân, người lái xe ô tô và người bán hàng rong xem ai là người có lỗi chính đã gây ra vụ việc tai nạn, hậu quả nghiệm trọng (thiệt mạng).

Lỗi chính phải là lỗi trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người, có tính tất yếu theo quan hệ nhân quả.

Nếu người có lỗi là nạn nhân và nạn nhân đã chết thì công an sẽ không xử lý hình sự vì người gây ra cũng chính là nạn nhân và nạn nhân đã chết.

Nếu người có lỗi chính gây ra hậu quả tai nạn chết người là người bán hàng rong hoặc người lái xe ô tô, thì người này sẽ bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 BLHS, hình phạt có thể tới 5 năm tù.

Những lỗi để xác định ở đây có thể là đi sai làn đường, sai phần đường, không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát, lạng lách, đánh võng....

Vụ việc sẽ được công an làm rõ sau khi đo vẽ, lập biên bản hiện trường, mổ tử thi, xem xét dấu vết, lấy lời khai nhân chứng và những người có liên quan.

Đối với trường hợp xe cứu thương 115 Hải Phòng không khám nghiệm nạn nhân khi đến hiện trường mà bỏ đi ngay, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng:

Cơ quan công an và Sở Y tế T.p Hải Phòng xác định nội dung đúng như vậy thì hành vi của các cán bộ y tế trong ca cấp cứu đó là thiếu trách nhiệm, tắc trách trong thực hiện nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Với hành vi này thì cơ quan có quyền xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan công an có quyền xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nếu kết quả xác định, nạn nhân chết trước khi xe cấp cứu đến hiện trường thì chỉ xử lý những cán bộ y tế ca cấp cứu này về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện xử lý cứu thai nhi.

Mức độ xử lý trong trường hợp này là xử lý hành chính theo quy định tại Điều 28, Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Nếu kết quả xác minh thể hiện là nạn nhân chết sau khi xe cấp cứu tới hiện trường thì có thể xử lý hình sự với êkip cấp cứu đó về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 102 hoặc 242 BLHS.

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại