Thái độ kiên quyết của lãnh đạo cao cấp trong vụ Dương Chí Dũng

Bảo Bình (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - TAND Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng do tham ô 10 tỷ đồng, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

Ông Dương Chí Dũng (SN 1957) được bổ nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam vào tháng 2/1012. Trước đó, ông này nhiều năm là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines.

Quyết định bắt ông Dương Chí Dũng được cho là có liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007-2010. Theo đó, Tổng công ty Hàng Hải đã có nhiều khuyết điểm như mua sắm tàu cũ không phù hợp với kế hoạch được phê duyệt, quản lý sử dụng thiếu hiệu quả, dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém… Phần lớn những khuyết điểm này được xác định có trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Vinalines cùng Chủ tịch HĐQT (ông Dương Chí Dũng) và Tổng giám đốc các công ty thành viên thời kỳ 2005 - 2010.

Truy nã nguyên Cục trưởng Hàng hải

Ông Dương Chí Dũng.

Điển hình của các vụ mua sắm kể trên là ụ nổi No83M được Vinalines mua phục vụ Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam. Mặc dù được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 nhưng tổng chi phí cho dự án này lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, làm rõ.

Theo đó, ngày 18/5/2012, Bộ Công an đã khởi tố, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong ngày 18/5, trước thời điểm CQĐT tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Dũng, ông Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) đã chỉ đạo Hoàng Văn Thắng, Phạm Minh Tuấn lên Hà Nội đón ông Dũng đi Hải Phòng, rồi sang Quảng Ninh. Do không trốn sang được Trung Quốc nên các đối tượng lại quay về Hải Phòng.

Ông Dương Tự Trọng (ảnh) đã tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn ngay trước khi Cơ quan điều tra tống đạt lệnh khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Người lao động

Khoảng một tuần sau, ông Dũng lại được các đối tượng đưa vào TP.HCM rồi trốn sang Campuchia…

Sau 3 tháng, đến ngày 4/9/2012 bị can Dương Chí Dũng đã bị bắt trở lại.

Ngày 22/2/2013, Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công An đã thực hiện lệnh bắt, tạm giam đối với ông Dương Tự Trọng. Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án trên, CQĐT đã khởi tố một vụ án độc lập khác để điều tra hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài của ông Dương Tự Trọng.

Trong quá trình bắt giữ và xét xử "đại án tham nhũng" Vinalines, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công An, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã có những chỉ đạo quyết liệt.

Thủ tướng Chính phủ: Bắt bằng được Dương Chí Dũng

Ngày 22/8/2012, các thành viên chủ chốt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đến dự cuộc họp của Ban này. 

Trong cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo - yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy nã, bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng. Đề cập đến đối tượng đặc biệt này, Thủ tướng nói, bản thân bị can từng nắm giữ nhiều chức vụ, được bầu làm đại biểu dự Đại hội Đảng khóa XI. Tất cả chức danh, vị trí công tác ấy đã được các cấp có thẩm quyền về cán bộ thẩm tra với thủ tục dày đặc, thế mà vẫn lọt sai phạm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo sát sao vụ bắt giữ Dương Chí Dũng - Ảnh: VGP

Chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao vụ án này, theo đúng quy định của pháp luật, đúng tinh thần của Đảng và Nhà nước là tất cả mọi người đều công bằng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào.

“Như từ mà báo chí hay dùng, không có vùng cấm nào”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo làm rõ liệu có hay không hành vi bao che, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: 'Tôi đã nóng vội khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng'

Trong 10 phút cuối phiên chất vấn chiều 14/6/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã được yêu cầu trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về trách nhiệm cá nhân trong việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam - Dương Chí Dũng.

Ông Thăng khẳng định, việc bổ nhiệm theo đúng thẩm quyền, không trái với các quy định của Luật thanh tra. Hoạt động thanh tra Vinalines lần này là theo kế hoạch chứ không phải thanh tra đột xuất hay theo vụ việc. Ông Dũng bị khởi tố vì vi phạm khuyết điểm từ năm 2007.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận khuyết điểm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

"Tuy nhiên, với tư cách Bí thư ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Đó là chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thời điểm bổ nhiệm" - Bộ trưởng Thăng phát biểu.

"Một lần nữa, tôi xin được nghiêm túc nhận khuyết điểm sâu sắc về việc này, cũng như chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, kiểm điểm trách nhiệm trong Ban cán sự đảng, kiểm điểm trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như cá nhân, đơn vị có liên quan để báo cáo Thủ tướng trong thời gian ngắn nhất", ông Thăng chốt lại phiên chất vấn.

Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng: Không bao che cho sai phạm

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, chiều 18/5/2012, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác; tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với các ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc để phục vụ công tác điều tra.

 	Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã trực tiếp xuống Vinalines để thông báo về quyết định trên.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cũng khẳng định quan điểm của Bộ là không bao che cho sai phạm, ai vi phạm đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó theo pháp luật.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Vũ Trọng Kim: Đề nghị kết luận minh bạch, đừng né tránh trong vụ Vinalines

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 29/5/2013, xung quanh vụ việc Vinalines cũng như việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam.

Nhìn nhận về vụ việc, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, chỉ sau 8 ngày bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam thì có kết luận thanh tra - tức là từ lúc bổ nhiệm đến lúc đó chỉ một tuần. Như thế Bộ chủ quản cũng như người bổ nhiệm ông Dũng không thể không biết, “có biết, nhưng cứ làm - đó là điều không thể chấp nhận được!” - ông Kim nhấn mạnh.

 	Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam

Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam

Ông Kim cũng đề nghị kết luận rõ ràng, minh bạch, công khai, đừng có né tránh, bao biện gì cả. "Thực tế là thực tế. Chỉ có thực tế rõ ràng đó mới đem lại niềm tin cho nhân dân. Nếu xa thực tế, không đúng thực tế thì dân không thể tin, vì dân cũng tiếp cận được vấn đề mà cuộc sống diễn ra quanh họ" - Ông Kim phân tích.

Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, "đòi" Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình

Phát biểu về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng Hải trước khi công bố kết luận thanh tra Vinalines, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thẳng thắn đòi Bộ trưởng Bộ GTVT phải giải trình.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nói: “Tôi biết rằng trong quá trình thanh tra một tổ chức kinh tế, trước khi có kết luận chính thức và ý kiến của Thủ tướng thì thanh tra lập dự thảo và trao đổi với doanh nghiệp rất nhiều lần.

Trước khi đưa ra kết luận cuối cùng của thanh tra, bao giờ cũng có sự trao đổi trước với lãnh đạo đơn vị đang thanh tra để anh có cơ hội giải trình. Tới khi anh giải trình không được và không thuận thì thanh tra mới kết luận. Chính vì vậy, đừng lấy cái ngày kết luận chính thức của thanh tra với ngày bổ nhiệm mà bảo rằng tôi bổ nhiệm trước khi thanh tra kết luận, cái đó là một sự chống chế không thuyết phục.

Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ GTVT phải giải trình trách nhiệm về việc bổ nhiệm Cục trưởng Dương Chí Dũng. Và tôi tin rằng nhiều ĐBQH sẽ chất vấn chuyện này”.

Ông Phan Đình Trạc, ĐBQH Nghệ An: "Số liệu thua lỗ của Vinalines, Vinashin cử tri rất bức xúc. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ con số thanh tra kết luận, bao nhiêu thất thoát, bao nhiêu sử dụng sai mục đích, thủ tục còn thu hồi về được. Tập đoàn làm ăn thiếu hiệu quả, vi phạm đã đành, nhưng thủ tục quản lý, giám sát cũng lạc hậu, không theo kịp thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nếu không chỉ ra được, người dân chỉ biết con số 18.000 tỉ đồng của PVN là thất thoát, 23.000 tỉ đồng của Vinalines là mất hết. Số nào còn, số nào mất phải chỉ rõ, kể cả kênh thông tin tuyên truyền, có như vậy mới quy được trách nhiệm để xử lý từng cá nhân, tổ chức.

Vinalines sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng Chủ tịch HĐTV vẫn được đề bạt làm Cục trưởng Cục Hàng Hải. Vấn đề rất gây bức xúc, vì vậy cần phải làm rõ có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào khi bổ nhiệm".

Ngày 16/12/2013, ông Dương Chí Dũng bị TAND TP. Hà Nội tuyên án tử hình do tham ô 10 tỷ đồng, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước. Tổng hợp hình phạt cho 2 tội là tử hình.

dung-1-3457-1387078781.jpg
Bị cáo Dương Chí Dũng trong lúc nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Ảnh: TTXVN

Ngày 7/1/2014, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, bị cáo Dương Tự Trọng - nguyên đại tá, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an - bị đề nghị mức án từ 18-20 năm tù.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại