Do môi trường, do cuộc sống mà nhiều người mắc chứng rối loạn tâm thần nhất là trong độ tuổi vị thành niên. Có thể chỉ biểu hiện rối loạn cơ thể, rối loạn tâm lý hay trầm cảm… Nguyên nhân có thể từ di truyền, tổn thương hệ thần kinh, tác động từ yếu tố bên ngoài như bạo hành, áp lực, căng thẳng mệt mỏi từ công việc, học hành…
Đặc biệt, do áp lực về học hành, thi cử cha mẹ đã đẩy không ít thanh niên bị rối loạn hoặc sang chấn tâm lý nặng có thể dẫn đến tâm thần phân liệt. Trò chuyện với chúng tôi xung quanh vấn đề này, bác sỹ Lê Văn Cường (Phó khoa B, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội - Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) cho biết, chủ yếu sau mùa thi số lượng sinh viên, học sinh đến khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện khá nhiều.
“Nhiều học sinh, sinh viên có thể bị sang chấn tâm stress sau thi cử do học quá nhiều, áp lực thi vào trường điểm cao, sự kỳ vọng từ phụ huynh. Họ thường có biểu hiện có thể là trầm cảm, lầm lì, ít tiếp xúc với người thân hoặc sống khép kín, không ăn uống, chống đối người nhà đóng cửa tự nhốt mình trong phòng và thậm chí có hành vi tiêu cực, bất thường. Hầu hết các gia đình đưa các em đến viện khám trong tình trạng bệbịnh nhân hoảng loạn như sỡ hãi, la hét...và nghĩ mình không bị bệnh”, bác sỹ Cường nói thêm.
Số lượng người đến khám và điều trị tâm thần ngày càng nhiều (ảnh minh họa).
Theo bác sỹ Cường kể lại, nhiều sinh viên đang học năm 1, năm 2 hoặc thậm chí là có bằng đại học, thạc sỹ cũng được gia đình đưa vào đây để điều trị tâm thần.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Trung Thành (31 tuổi), người Hà Nội, sinh ra và học tập ở Nga được đưa vào đã điều trị tại viện hơn 10 năm nay (từ năm 2001) là một ví dụ.
Gia đình Thành có bố mẹ đều làm tiến sỹ, bản thân Thành luôn giành thành tích cao trong học tập và tốt nghiệp xuất sắc bằng Thạc sỹ bên Nga. Bản thân bố mẹ cậu cũng rất quan tâm, nuông chiều Thành.
“Ban đầu Thành có triệu chứng không ngủ được, nói nhiều, cho rằng mình là thiên tài và có hành vi quái dị, thích tắm cùng mẹ, ghen tị với bố, cho rằng mọi người xung quanh không tốt với mình và không nhận mình bị tâm thần. Hiện nay, Thành chưa lấy vợ, không đi làm và đang được điều trị tại nhà với sự chăm sóc của bố mẹ”, bác sỹ Cường kể lại.
Ngoài ra rất nhiều trường hợp đến khám chữa bệnh tâm thần thích “lý sự”, có học thức, nói nhiều hoặc nhất định không chịu về nhà sau khi hết thời gian điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân Khôi – Sóc Sơn, Hà Nội (từng điều trị tại Khoa C) là một ví dụ. Mỗi lần người nhà đến đón về, Khôi nhất định không chịu, chui ngay xuống gầm giường. Bác sỹ Cường kể rằng do ở nhà Khôi không được ăn thịt như ở viện nên không muốn về.
Theo bác sỹ Lê Văn Cường (công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội gần 20 năm) cho biết, mỗi năm có khoảng hơn 1000 người đến Viện khám chữa tâm thần và thường quá tải vào lúc giao mùa. Để hạn chế tình trạng này, bác sỹ Cường đưa ra cảnh báo, có thể áp lực học tập, do trẻ chơi game điện tử quá nhiều, sự thiếu quan tâm sát sao của cha mẹ khiến đứa trẻ lâm vào chứng bệnh tự kỷ ám thị, tâm thần phân liệt, hoảng loạn...thậm chí là hủy hoại bản thân, tự sát. Chính vì thế, gia đình và nhà trường cần phải phối hợp chăm sóc trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên có diễn biến tâm lý dễ bị kích động.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
.