TGĐ Thế Giới Di Động bị hỏi thăm "làm ăn thế nào mà nợ vậy?"

Tiểu Phương - Hứa Phương |

Sau khi bị bêu tên trong danh sách nợ thuế, TGĐ Thế Giới Di Động liên tục nhận được những lời hỏi thăm của bạn bè: “Mày làm ăn như thế nào mà nợ như vậy?”.

Doanh nghiệp kêu oan: “Mất mát vô hình rất lớn!”

“2 hôm nay, nhiều bạn bè, người thân gọi điện hỏi thăm, thậm chí có người còn hỏi mày làm ăn như thế nào mà nợ như vậy?

Nhận câu hỏi như vậy chúng tôi phải giải thích rất nhiều” – ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám Đốc Thế Giới Di Động tâm sự về việc công ty bị bêu tên trong danh sách nợ thuế.

Bởi lẽ, trong thông cáo báo chí của Bộ Tài chính, Thế Giới Di Động nằm trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước tính đến 30/6/2015.

Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, ông Doanh đã khẳng định: “Chúng tôi không nợ một đồng thuế nào!”.

Tổng Giám Đốc Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh liên tục bị hỏi thăm: mày làm ăn như thế nào mà nợ như vậy? (Ảnh: Hứa Phương)

Tổng Giám Đốc Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh (Ảnh: Hứa Phương)

Ông Doanh cho biết, sau khi nhận được thông tin Tổng Cục thuế công bố công ty nợ thuế, bản thân ông rất bất ngờ.

Sau khi kiểm tra thì thấy thông tin này đăng ở cổng thông tin của Bộ Tài chính. Tuy nhiên trước đó bên Thế giới di động đã đối chiếu thuế với Chi cục thuế quận 1 và siêu thị này được xác nhận “không nợ thuế”.

Ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính của Thế Giới Di Động còn thông tin thêm, không những không nợ thuế, Thế Giới Di Động còn là một trong những công ty có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước với số tiền thuế lớn.

Năm 2014, với doanh thu 15.757 tỷ, Thế Giới Di Động đã đóng góp ngân sách 196,67 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự kiến 2015, Thế Giới Di Động (với hai chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh) sẽ về đích với doanh thu hơn 1 tỷ đô la, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng và nộp 250 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.

Việc bị nêu tên oan trong danh sách “đen” của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, uy tín, thương hiệu của không ít doanh nghiệp.

Chung cảnh ngộ trên, một đại gia khác của ngành điện máy là Nguyễn Kim cũng đau đầu về thông tin doanh nghiệp nợ thuế.

Một trong những bản xác nhận doanh nghiệp không nợ tiền thuế của cơ quan thuế sau khi thanh kiểm tra.
Một trong những bản xác nhận doanh nghiệp "không nợ tiền thuế" của cơ quan thuế sau khi thanh kiểm tra.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Siêu thị điện máy Nguyễn Kim chi nhánh Hà Nội - Phạm Trường Giang cho biết, sau khi danh sách “đen” được công bố đã gây ra những tổn thất vô hình cho công việc kinh doanh của siêu thị điện máy.

Đặc biệt, đối với những khách hàng không theo dõi thông tin đính chính thường xuyên qua báo chí, những tổn thất này không thể đo đếm được.

Bên cạnh đó, “thiệt hại kinh tế cũng không thể đo lường vì chúng tôi là doanh nghiệp bán lẻ, mang tới quyền lợi cho khách hàng bằng các thông tin.

Đồng thời, khách hàng đến với chúng tôi cũng bằng uy tín, bằng niềm tin. Truyền thông đưa tin không đúng sẽ làm mất lòng tin nơi khách hàng. Mất mát vô hình là rất lớn” – ông Giang nói.

Mặc dù Chi cục thuế quận 1, Tp.HCM đã có xác nhận đính chính trên các phương tiện đại chúng nhưng địa diện của Nguyễn Kim cho biết, sự sai sót của cơ quan chủ quản đã gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ.

“Bên cạnh việc gửi công văn lên Bộ Tài chính đề nghị gỡ tên ra khỏi danh sách “đen”, chúng tôi cũng đã phải gửi thư lại cho các đối tác, các tập đoàn điện tử.

Chúng tôi muốn cho họ hiểu đây là thiếu sót, nhầm lẫn của đơn vị chức năng, chứ không phải do chúng tôi nợ thuế” – ông Giang bộc bạch.

Ngoài những động thái trên, Nguyễn Kim cũng phải tiến hành một chiến dịch truyền thông để lấy lại niềm tin của người dùng.

Chiến dịch này đồng thời cũng chứng minh cho khách hàng thấy, họ là một doanh nghiệp đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế cũng như tuân thủ đúng những quy định của luật pháp.

Tổng cục thuế nên lên tiếng xin lỗi doanh nghiệp

Không chỉ Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, một số doanh nghiệp khác cũng đang quay cuồng trước chất vấn của khách hàng, nhà đầu tư khi họ hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ nhưng bị Bộ Tài chính nêu tên trong danh sách nợ thuế.

Khi nghe thông tin mình nằm trong danh sách những đơn vị nợ thuế với số tiền hơn 29 tỷ đồng, ngày 22/7, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư F.I.T ngay lập tức gửi công văn lên Chi cục Thuế quận Thanh Xuân (Hà Nội) để xác nhận sự việc.

Ngay trong ngày, Chi cục Thuế đã có phản hồi rằng tính đến ngày 22/7/2015, F.I.T không còn nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp theo các hồ sơ khai thuế và giấy nộp tiền đã nộp lại Chi cục thuế Thanh Xuân.

Ngoài ra, nhà bán lẻ Pico có trụ sở ở Hà Nội cũng gặp tình huống “dở khóc dở cười” khi danh sách do Bộ Tài chính công bố có tên Công ty TNHH Pico Việt Nam, trụ sở ở Phan Văn Trị, TP HCM nợ 3,3 tỷ đồng.

Việc cùng tên gọi đã khiến nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng: Đại gia điện máy lớn như Pico Hà Nội mà cũng chây ì nộp thuế.

Sau sự cố này, “tôi nghĩ các cơ quan chủ quản cần công khai đính chính trên website cũng như các phương tiện truyền thông.

Và nếu có lời xin lỗi thì rất tốt cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp được minh oan” – ông Phạm Trường Giang đại diện Siêu thị điện máy Nguyễn Kim chia sẻ.

Trong khi đó, trả lời chúng tôi, Lãnh đạo Tổng Cục thuế cho biết: Hiện cơ quan này đang rà soát, đối chiếu lại thông tin.

Nếu có sai sót sẽ đính chính ngay để đảm bảo thông tin đúng với thực tế nộp thuế của doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế
Lê Hồng Hải
Bản danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế cũng được các địa phương theo dõi, cập nhật. Trong trường hợp có sai sót thì các Cục thuế phải tiến hành rà soát, đối chiếu lại và đính chính ngay, đảm bảo thông tin khớp đúng với thực tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại