Số phận con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát về cơ bản đã được định đoạt bởi một phiên tòa với cái án 7 năm tù cho lòng tham.
Những tranh cãi hậu phiên tòa về đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật cũng không bao giờ là chuyện lớn, bởi đó là vấn đề muôn thuở của nhân loại.
Đạo đức thay đổi như thời trang, còn luật pháp là ý chí của nhóm quyền lực áp đảo, nên đúng và sai chẳng bao giờ tuyệt đối.
Nhưng di sản của con ruồi trong chai nước vẫn còn đó, là những suy tư về cái chết của một thương hiệu đang mang lại 1.000 tỷ đồng tiền thuế và công ăn việc làm cho 4.000 con người.
Phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát không phải là một sự mông muội.
Bất cứ ai cũng có thể tẩy chay những thứ sản phẩm không phù hợp với các giá trị của mình, và mọi người đều bình đẳng trong việc truyền bá các giá trị bản thân trong khuôn khổ luật pháp nơi người ta sinh sống.
Mong muốn bảo vệ Tân Hiệp Phát trước sóng gió thị trường cũng là một tình cảm thiện lương. Bảo vệ một doanh nghiệp vẫn đóng thuế đầy đủ trong khi những đối thủ cạnh tranh bị cáo buộc chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế cũng là một tâm lý dễ hiểu.
Những mong muốn thiện lương giống nhau, cùng phản ánh một giá trị đạo đức, song lại tạo nên hai hành động đối nghịch.
Điều tưởng như nghịch lý này chưa bao giờ được soi tỏ, nhưng con ruồi trong chai nước đã cho chúng ta một cơ hội để thấy rõ nguyên nhân.
Đó là chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thị trường nhưng được vận hành bởi tình thương cảm tính chứ không phải những công cụ của kinh tế thị trường.
Tại sao cần phải bảo vệ Tân Hiệp Phát, một doanh nghiệp đã đánh mất tình cảm của số đông dân chúng vì những hành xử đi ngược giá trị của đám đông?
Bởi người ta đánh đồng số phận của một doanh nghiệp với số phận của hàng ngàn người lao động làm công, của hàng ngàn đại lý bán hàng. Đó là một sự đánh đồng vô lý!
Bởi thị trường nước uống vẫn còn nguyên đó với dân số 80 triệu người không thay đổi. Nhu cầu không thay đổi, một doanh nghiệp chết đi sẽ có những doanh nghiệp khác thay thế.
Người ta cũng đánh đồng khoản tiền thuế phải đóng đủ của một doanh nghiệp với hành động của một nhà từ thiện. Đó là một sự đánh đồng nguy hiểm.
Bởi chỉ vì doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ được ghi nhận như một "của quý" thì những doanh nghiệp trốn thuế sẽ trở thành bình thường và đương nhiên.
Cố gắng bảo vệ một doanh nghiệp, xuê xoa những hành động không phù hợp với tình cảm xã hội của doanh nghiệp đó chỉ vì họ đóng thuế đầy đủ, chúng ta đã cố tình lãng quên việc đóng thuế đầy đủ là nghĩa vụ của mọi doanh nghiệp, và trách nhiệm của những cơ quan quản lý là buộc tất cả mọi doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Nếu vì những nguồn thu từ việc đóng thuế của doanh nghiệp, chúng ta cần hoàn thiện công cụ quản lý để tránh thất thu, để vạch mặt những kẻ trốn thuế.
Người dân tẩy chay Tân Hiệp Phát thì sẽ có lợi cho những đối thủ cạnh tranh, là những doanh nghiệp đang bị cáo buộc chuyển giá để trốn thuế. Điều đó đúng.
Song, việc tẩy chay hàng hóa của Tân Hiệp Phát là quyền của người tiêu dùng khi người ta thất vọng về doanh nghiệp đó.
Người tiêu dùng có thể tẩy chay Tân Hiệp Phát vì con ruồi trong chai. Người tiêu dùng cũng có thể tẩy chay Coca hay Pepsi nếu những cáo buộc về việc trốn thuế được chứng minh.
Vì thế, thay vì bảo vệ một doanh nghiệp trước sự tẩy chay của người tiêu dùng, hãy bảo vệ sự lành mạnh của thị trường bằng công cụ tốt nhất để định hướng thị trường. Đó là sự minh bạch thông tin.
Hãy nói cho người tiêu dùng về sự bất minh của các doanh nghiệp, hãy chứng minh quá trình chuyển giá, trốn thuế bằng những phiên tòa!
Con ruồi, với cặp mắt 360 độ của nó, đã giúp người dân nhìn ra bộ mặt của Tân Hiệp Phát qua một phiên tòa xử lòng tham.
Nhưng để nhìn thấy sự thật từ những bản báo cáo tài chính, người dân cần đến những con mắt của người, với sự liêm chính chứ không phải lòng thương để đánh đồng lợi ích.