Tàu hải cảnh Trung Quốc đánh, cướp tài sản
Ngày 8-3, Thượng tá Nguyễn Văn Búp (Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà - Quảng Nam cho biết đang lấy lời khai các thuyền viên tàu cá QNa 91939.
Trước đó, tàu QNa 91939 cập cảng Kỳ Hà an toàn vào khoảng 20 giờ tối ngày 7-3, sau hai ngày lênh đênh trên biển do bị tàu hải cảnh của Trung Quốc tấn công.
“Lực lượng Biên phòng chỉ nhận được thông tin ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công khi họ đến trình báo. Các ngư dân không thể thông báo sớm để chúng tôi hỗ trợ do đã bị cắt phương tiện liên lạc”, Thượng tá Búp nói.
Ông Võ Quang Thái, thuyền trưởng tàu QNa 91939 (trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết phẫn nộ, bàng hoàng khi nhớ lại sự việc:
“Lúc đó khoảng 12 giờ 30 ngày 6-3, chúng tôi đang nghỉ trưa thì xuất hiện hai tàu hải cảnh Trung Quốc. Tôi điều khiển tàu bỏ chạy khi họ cố tình lao thẳng vào thân tàu của mình.
Mình chạy thì họ đuổi theo. Tàu họ làm bằng sắt, lớn nên nhanh chóng đuổi kịp tàu mình. Tôi nhớ rõ số hiệu một tàu hải cảnh Trung Quốc là 46101.
Chính tàu 46101 thả hai ca nô cùng nhiều người cập mạn tàu chúng tôi rồi họ trèo lên boong.
Họ có tất cả 11 lính với súng, dùi cui, roi điện nên dễ dàng khống chế chúng tôi. Có một người biết nói tiếng Việt nói đây là biển Trung Quốc. Chúng tôi cãi lại đây là biển Việt Nam thì bị đánh.
Chúng trói tay chúng tôi lại rồi cử 4 người đứng canh. Bọn còn lại đi lục soát, lấy hết hải sản có trên tàu chuyển xuống ca nô.
Sau đó, bọn chúng cắt phá lưới, thiết bị định vị, thiết bị liên lạc trên tàu nên chúng tôi không thể cầu cứu ai. Lương thực, thực phẩm trên tàu cũng bị chúng đổ xuống biển, chỉ chừa lại một thùng mỳ tôm”, thuyền trưởng Thái bức xúc.
Ngư dân Đặng Viết Tuyên (trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) là một trong những người bị lính hải cảnh Trung Quốc đánh bằng dùi cui. Anh Tuyên cho hay bị đánh khi cãi với lính Trung Quốc đây là biển Việt Nam.
“Bọn chúng có một người biết nói tiếng Việt liên tục đe dọa, nói rằng đây là biển Trung Quốc. Tôi cãi lại ngay. “Đây là biển Việt Nam, đừng ỷ mạnh mà ăn hiếp ngư dân chúng tôi”.
Họ hăm dọa rằng nếu không quay vào bờ thì sẽ cho tàu tông chìm tàu cá và bắt chúng tôi. Anh em chúng tôi không sợ, chỉ là thiết bị hư hại, hết lương thực nên mới về bờ”, anh Tuyên tức giận.
Sửa tàu xong lại ra Hoàng Sa
Thuyền trưởng Thái cho hay, toàn bộ lưới đánh cá, thiết bị liên lạc, máy bộ đàm, máy định vị đều bị phá hoại, hư hỏng hoàn toàn. Hải sản đánh bắt được trên tàu cũng bị lính hải cảnh Trung Quốc cướp đi hết.
“Thiệt hại tôi chưa tính cụ thể nhưng trên 200 triệu đồng. Tài sản của ngư dân tụi tôi đều phải vay mượn để mua sắm.
Chuyến biển này anh em bạn tàu cũng thông cảm không nhận tiền công. Họ đều chia sẻ với tôi lúc khó khăn này. Mọi người đều động viên tôi nhanh sửa tàu để lại ra Hoàng Sa đánh bắt”, ông Thái tâm sự.
Theo ông Thái, lúc xảy ra sự việc có 11 lính hải cảnh Trung Quốc lên tàu cá QNa 91939. Tuy nhiên, còn hơn 50 người khác có trang bị vũ khí đứng trên tàu hải cảnh quan sát. Những người này đều mặc đồng phục và áo phao.
“Sau khi cướp phá, bọn chúng cho tàu hải cảnh lớn gấp nhiều lần đi kè kè theo tàu mình. Chúng liên tục đe dọa đâm chìm tàu nếu không chuyển hướng đi vào bờ”, ông Thái kể.
Dù vẫn chưa hết mệt mỏi và một chút bần thần nhưng ngư dân Phan Hồng Huy (trú huyện Núi Thành) vẫn mạnh mẽ khẳng định sẽ trở lại Hoàng Sa đánh bắt.
“Tôi hơi mệt vì hai ngày rồi chỉ ăn mỳ tôm uống nước cầm cự thôi. Tôi về bờ nghỉ vài ngày là khỏe.
Chờ anh Thái sửa tàu xong, chúng tôi lại ra biển đánh bắt. Đã ra biển là đi Hoàng Sa. Biển của Việt Nam thì dân chúng tôi đánh cá chứ sợ gì. Bọn chúng đâu dọa mãi mình được”, anh Huy nói.
Ông Thái cho hay việc sữa chữa tàu, mua lại ngư lưới cụ phải mất khoảng nửa tháng. “Tôi sẽ cố gắng nhanh nhất ra biển để anh em bạn tàu không phải thất nghiệp lâu”.