Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các phường xã trên địa bàn cần triển khai ngay các phương án nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão cơn bão số 13 gây ra.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lộc, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống Lụt bão tỉnh BR-VT cho biết, toàn tỉnh đã tổ chức lực lượng trực 24/24 thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động xa bờ biết tọa độ cơn bão đi qua để chủ động tìm nơi ẩn nấp an toàn, các phương tiện vào bờ phải neo đậu có tổ chức tránh tình trạng va đập khi có sóng to, gió lớn.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh BR-VT cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã có công văn khẩn cấp số 1489/SGDĐT-VP thông báo và cho học sinh tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến đại học phải nghỉ học vào chiều nay, 6/11.
Thượng tá Đặng Trung Tuyến, chính trị viên đồn biên phòng Phước Tỉnh – thuộc bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đồn quản lý thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng, Phước Tỉnh thuộc địa bàn huyện Long Điền với 1416 phương tiện đánh bắt cá. Địa bàn đồn quản lý được xác định cơn bão số 13 sẽ đổ bộ vào nên đồn đã thông báo và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. “Tính đến 16h chiều ngày 11/6 chúng tôi đã kêu gọi được 653 phương tiện với 4570 thuyền viên vào bờ neo đậu an toàn, đồng thời thông báo cho 845 phương tiện đang đánh bắt ngoài biển biết vị trí cơn bão đi qua để chủ động phòng tránh”. Ông Tuyến cho biết thêm.
Tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh như: cảng cá Bến Lội – Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Bến Đá, Sao Mai, Cát Lỡ (Thành phố Vũng Tàu), lượng tàu thuyền vào tránh trú bão đã bắt đầu tăng dần. Ban quản lý các cảng và ngư dân đang chằng chống, kết nối các tàu lại với nhau thành từng nhóm nhỏ để tránh va đập.
Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng yêu cầu phải tạm ngưng tất cả các chuyến tàu cao tốc tuyến Vũng Tàu – TPHCM trong chiều 6/11. Hiện toàn bộ tàu cánh ngầm đã di chuyển về TP.HCM để tránh trú bão.
Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) ông Lê Văn Thơm, phó chủ tịch kiêm trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ cho biết, tại xã đảo Thạnh An có 1605 người được đưa vào bờ. Tại 6 xã còn lại và thị trấn Cần Thạnh, 2000 người được di chuyển tránh xa các khu vực nguy hiểm.
Trong đó cụ già và phụ nữ, trẻ em được ưu tiên di dời trước.
Ngoài ra 1353 tàu thuyền đánh cá và 40 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào bến an toàn. Đa số neo đậu tại bến Đông Hòa.
Theo ông Thơm, tất cả người dân được di tản vào các trung tâm như trường học, nhà văn hóa đều được chăm sóc hậu cần chu đáo. Từ ăn uống đến sức khỏe được được cung cấp miễn phí.