Mặc dù đã nhiều lần được HĐND thành phố Hà Nội giám sát, kiến nghị xử lý nhưng đến nay sự việc vẫn dậm chân tại chỗ...
Chưa có “đơn giá định mức” nên chưa dùng (?!)
Trước mặt tôi là con tàu hút bùn từng được mệnh danh là con tàu “công nghệ đặc biệt”, kết quả hợp tác giữa Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) với UBND thành phố Hà Nội. Tàu xuống cấp, nằm bẹp như người bệnh hấp hối bên rãnh thoát nước hôi thối trong khuôn viên Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội).
Nhiều thiết bị do không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đã hoen gỉ, mục nát, rêu phong bám đầy. Phần buồng lái hai bên kính vỡ vụn, hoang tàn.
Được biết, ngày 16/9/2010, Sở KHCN Hà Nội, Viện nghiên cứu cơ khí, Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội đã cùng nhau ký vào biên bản bàn giao.
Theo đó, đơn vị nghiên cứu đã bàn giao cho Công ty Thoát nước bản vẽ thiết kế tàu, báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu, tài liệu vận hành, dự thảo quy trình công nghệ tàu phối hợp với xe téc chở bùn. Viện nghiên cứu cơ khí có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ trong bảo dưỡng, sửa chữa tàu.
Trách nhiệm của Công ty Thoát nước Hà Nội là quản lý và sử dụng tàu nạo vét bùn; trách nhiệm của Sở KH&CN là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên ngành của thành phố để xác định giá trị của tàu.
Trách nhiệm của các bên đã nêu rõ trong biên bản bàn giao nhưng thực tế từ đó đến nay tàu vẫn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Ngày 15/3/2012, Viện nghiên cứu Cơ khí đã có văn bản gửi Sở KH&CN Hà Nội kiến nghị sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này và khẳng định, qua kiểm tra nhận thấy tàu hút bùn đang xuống cấp do không được bảo dưỡng, duy tu; một số thiết bị đã hư hỏng, han gỉ.
Tiếp đó, ngày 7/5/2012, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã kiểm tra hiệu quả đầu tư tàu hút bùn thuộc Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội”.
Đoàn giám sát đã xác định hai nguyên nhân khiến chưa thể đưa tàu vào khai thác đó là: Chưa có đơn giá định mức được cấp có thẩm quyền ban hành để đơn vị ứng dụng (Công ty Thoát nước) có cơ sở lập dự toán chi phí đưa tàu vào chạy chính thức; Tài sản chưa được xác định giá trị nên Công ty Thoát nước chưa thể ghi tăng tài sản trong sổ sách kế toán và tính khấu hao tài sản theo quy định.
Bỏ ngoài tai kiến nghị của HĐND thành phố
Đoàn giám sát của HĐND thành phố khẳng định, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do sự thiếu đồng bộ trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm và việc thiếu quy trình, đơn giá định mức để vận hành sử dụng sản phẩm sau khi chế tạo.
Tuy nhiên sau đó, những phát hiện và kiến nghị của HĐND thành phố đã bị rơi vào quên lãng và con tàu vẫn tiếp tục xuống cấp theo thời gian! Không chấp nhận tình trạng sử dụng tiền ngân sách lãng phí như trên, ngày 31/7/2013, HĐND thành phố đã tiến hành tái giám sát đối với việc thực hiện các kiến nghị từ tháng 5/2012 về dự án tàu hút bùn.
Kết quả là sau 14 tháng kiến nghị, mặc dù được UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, song Sở KH&CN, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn “chưa thống nhất các nội dung báo cáo thành phố”, gây lãng phí ngân sách dành cho nghiên cứu.
Sau khi nhận được kiến nghị lần thứ 2 của HĐND thành phố, một lần nữa UBND thành phố đã có văn bản giao Sở KH&CN chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước đề xuất xử lý và giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc đưa tàu nạo vét bùn vào hoạt động và báo cáo thành phố trong tháng 9/2013.
Tuy nhiên, những chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội vẫn chỉ nằm trên giấy, vì đến nay con tàu được đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng tiền ngân sách vẫn nằm bờ hoen gỉ từng ngày! “Thật sự chúng tôi đã quá thất vọng với cách giải quyết sự việc của thành phố Hà Nội. Ngay cả 5 công nhân được đào tạo vận hành tàu cách đây 4 năm sau này cũng sẽ phải đào tạo lại”-một cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu tàu hút bùn cho hay.
Tàu nạo vét bùn có tổng kinh phí đầu tư trên 3 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học 2,77 tỷ đồng, vốn khác là 300 triệu đồng. Tàu có trọng lượng 21 tấn, mớn nước thiết kế 0,4m, dài 14,68m; công suất nạo vét đạt 20m3/giờ.
Mặc dù Biên bản bàn giao ghi rõ trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là đơn vị quản lý và sử dụng tàu nhưng khi liên hệ làm việc PV lại được khẳng định là “chưa nhận bàn giao”, “không biết tàu đang ở đâu” và được “đẩy khéo” sang gặp Viện nghiên cứu cơ khí.