Tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm: “Lý do Bộ đưa ra chưa thuyết phục”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Lý do đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra để trình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 5 năm là chưa thuyết phục” – Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) khẳng định.

Đề xuất không mới

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ của người lao động (cả nam và nữ) có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm năm năm so với quy định hiện nay, TS Nguyễn Minh Phong cho biết đây là đề xuất không mới.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trước kia, chúng ta cũng đã từng có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động rồi sau đó lại điều chỉnh giảm xuống. Có lúc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động (cả nam và nữ) còn cao hơn mức đề xuất hiện nay (mức dự kiến tăng thêm 5 năm).

Nhìn chung, những lần điều chỉnh tăng rồi lại giảm mức tuổi nghỉ hưu trên là xuất phát từ nhu cầu, điều kiện thực tế của kinh tế - xã hội nước ta khi đó, nó chỉ phù hợp với từng thời kì cụ thể. Bởi thế, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm đối với người lao động hiện nay của Bộ LĐ-TB&XH cũng không phải là thông tin quá sốc”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội): “Lý do đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra để trình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 5 năm là chưa thuyết phục”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội): “Lý do đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra để trình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên 5 năm là chưa thuyết phục”.

TS Nguyễn Minh Phong phân tích: “So với một số nước trên thế giới thì độ tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam hiện nay không phải là thực sự cao. Ví dụ như Pháp, độ tuổi nghỉ hưu và được nhận lương hưu của lao động có lúc lên đến 65 tuổi. Tuy nhiên, đó là vì Pháp là nước có dân số già và họ cần nhiều lao động để làm việc.

Còn đối với Việt Nam, chúng ta là nước đang phát triển, dân số trẻ, mỗi năm nguồn lao động được bổ sung một lực lượng khá lớn, đa phần là lao động trẻ nên độ tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng phải dựa vào đó để tính toán và áp dụng cho phù hợp.

Việc tăng hay giảm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động là vấn đề linh hoạt, nó không mang tính cố định. Nó tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng nước, từng giai đoạn cụ thể”.

Thiếu tính thuyết phục

Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động (cả nam và nữ) thêm 5 năm như Bộ LĐ-TB&XH đưa ra vừa qua là “chưa hợp lý” và “chưa có tính thuyết phục”.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Lý do ‘để đối phó nguy cơ vỡ quỹ lương hưu’ mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để đề xuất về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động vừa qua theo tôi là chưa hợp lý và chưa thuyết phục. Nó thiếu các số liệu cụ thể dựa trên sự tính toán chi tiết, kĩ lưỡng.

Bộ LĐ-TB&XH nói là để “đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu” nhưng kết luận đó dựa trên nghiên cứu nào, số liệu nào, do ai (hay cơ quan nào) khảo sát, tính toán? Và còn phải xét đến yếu tố có cần phải sử dụng đến giải pháp là tăng thêm tuổi nghỉ hưu hiện đối với người lao động hay không?”.

Việt Nam là nước có nhiều lao động trẻ.
Việt Nam là nước có nhiều lao động trẻ.

“Theo tôi, trong lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có sự tiến hành khảo sát và có số liệu cụ thể, minh bạch. Nếu không có số liệu tính toán cụ thể, không xây dựng được lộ trình khoa học thì việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có thể phản tác dụng, gây hiệu ứng ngược lại: lương vẫn phải trả cao, sản phẩm từ người lao động làm ra không đủ bù đắp vào khoản lương đã chi trả, lúc đó thì nguy cơ vỡ quỹ lương hưu có khi còn cao hơn”, TS Nguyễn Minh Phong phân tích.

Vấn đề việc làm đang là thách thức đối với nhiều lao động trẻ hiện nay.
Vấn đề việc làm đang là thách thức đối với nhiều lao động trẻ hiện nay.

Ngoài ra, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng nhóm người lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý nằm trong phạm vi điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu lần này Bộ LĐ-TB&XH cũng cần phải quy định rõ ràng hơn.

“Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động thêm 5 năm chỉ nên áp dụng đối với lĩnh vực chuyên môn, còn lĩnh vực quản lý thì không nên áp dụng. Lĩnh vực chuyên môn nên áp dụng vì chúng ta tận dụng được nguồn chất xám, tránh lãng phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Còn trong lĩnh vực quản lý thì không nên áp dụng vì rất có thể từ đây sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề khác như: tình trạng tham quyền cố vị, quản lý rập khuôn máy móc, thiếu đổi mới, trong khi trong công tác quản lý hiện nay chúng ta vẫn đang kêu gọi cải cách, cắt giảm, tinh gọn biên chế,…”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

“Lực cản” đối với lao động trẻ

"Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm của người lao động cũng phải tính đến sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và lợi ích của các nhóm lao động trong xã hội. Đề án điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu cần xây dựng kĩ lưỡng hơn nữa, tránh tình trạng có thể là nguyên nhân dẫn đến mất công bằng xã hội. 

Tăng độ tuổi nghỉ hưu rõ ràng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm lao động trẻ. Cụ thể đây sẽ là một trong những “lực cản” trong quá trình tìm kiếm việc làm của lao động trẻ hiện nay", ý kiến của TS Nguyễn Minh Phong

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại