Tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Đề xuất về việc tăng tuổi nghỉ hưu người lao động (cả nam và nữ) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Xung quanh đề xuất này đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau.

Hạn chế lãng phí chất xám

Vừa qua, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã đưa ra đề xuất về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (cả nam và nữ) có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm năm năm so với quy định hiện nay.

Đề xuất trên của Bộ LĐ-TB&XH đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Một số ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (cả nam và nữ) trong một số ngành nghề đặc biệt đòi hỏi chuyên môn cao là thực sự cần thiết vì sẽ hạn chế được tình trạng lãng phí chất xám đang diễn ra hiện nay.

Vấn đề việc làm đang là thách thức đối với nhiều lao động hiện nay.
Vấn đề việc làm đang là thách thức đối với nhiều lao động hiện nay.

Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Hồ Hữu An (nguyên giảng viên trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội) – “cha đẻ” của “Dự án trồng rau xanh an toàn” cho rằng: “Theo tôi, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trong một số ngành nghề đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn như y tế, giáo dục, các ngành nghiên cứu khoa học… là cần thiết. Đây không phải là việc bây giờ mới làm mà lẽ ra nên làm từ lâu rồi mới phải”.

PGS.TS Hồ Hữu An phân tích: “Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng lãng phí chất xám, thậm chí là “chảy máu” chất xám ở ta đang diễn ra khá phổ biến. Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động có thể là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng này.

PGS.TS Hồ Hữu An (nguyên giảng viên trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội) – “cha đẻ” của “Dự án trồng rau xanh an toàn”:
PGS.TS Hồ Hữu An (nguyên giảng viên trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội) – “cha đẻ” của “Dự án trồng rau xanh an toàn”: "Trong giới nghiên cứu khoa học, đối với chúng tôi tầm tuổi từ 45 trở đi, có thể là 55, 60 hoặc cao hơn nữa được xem là tầm tuổi đủ ‘độ chín’ cả về nghề và đời".

Nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực đặc thù đòi hỏi cần những lao động phải có kinh nghiệm lẫn chuyên môn nghiệp vụ cao thì mới làm được, tuy nhiên lại bị hạn chế bởi quy định về tuổi tác. Trong khi đó, nhiều lao động trẻ lại không có kinh nghiệm.

Rất nhiều người lao động như những nhà khoa học chẳng hạn vẫn còn đủ sức khỏe để có thể tiếp tục công việc nghiên cứu, cống hiến những công trình khoa học nhưng lại buộc phải nghỉ hưu vì lý do tuổi tác. Đây là một điều bất hợp lý”.

“Trong giới nghiên cứu khoa học, đối với chúng tôi tầm tuổi từ 45 trở đi, có thể là 55, 60 hoặc cao hơn nữa được xem là tầm tuổi đủ ‘độ chín’ cả về nghề và đời.

‘Độ chín’ ở đây được hiểu là thời điểm hội tụ đầy đủ nhất các yếu tố như: kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức… để có thể cho ra những công trình nghiên cứu khoa học. Với nhiều nhà khoa học, vào tầm tuổi này còn là lúc cho ra những ‘công trình để đời’.

Điều đó cũng dễ hiểu thôi, lúc trẻ thì toàn bộ thời gian họ phải đi học, phải tìm hiểu từ thực tế, đến giai đoạn về sau thì họ mới có thời gian để nghiên cứu, đúc kết, phát minh ra những công trình mới.

Đây là lúc mà người ta vẫn hay nói là ‘trèo cây đến ngày hái quả’. Bây giờ lại buộc họ nghỉ hưu thì vừa không hợp lý lẫn không hợp tình. Đây là sự lãng phí chất xám rất lớn”, PGS.TS Hồ Hữu An khẳng định.

Sinh viên lo ngại khó kiếm việc sau khi tốt nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình thì cũng xuất hiện ý kiến bày tỏ sự lo ngại với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH. Những ý kiến lo ngại này chủ yếu xuất phát từ lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Lê Văn Tình, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Kỹ thuật cơ điện tử (ĐH Bách khoa Hà nội) bày tỏ lo ngại: “Hiện nay, cấu trúc dân số và cả lao động của Việt Nam đa phần là trẻ. Lực lượng lao động trẻ của nước ta khá nhiều, trong số đó nhiều lao động dù có đầy đủ các yếu tố như sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ nhưng vẫn không kiếm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với những gì mình đã học.

Nhiều sinh viên lo ngại với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động của Bộ LĐ-TB&XH sẽ khiến cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường khó khăn hơn.
Nhiều sinh viên lo ngại với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động của Bộ LĐ-TB&XH sẽ khiến cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường khó khăn hơn.

Vấn đề việc làm bây giờ rất khó khăn. Giờ lại tăng tuổi nghỉ hưu thì đồng nghĩa với việc cơ hội có việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường sẽ bị thu hẹp”.

Ngoài ra, cũng theo Tình, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động là thực sự không cần thiết: “Nước ta là nước dân số trẻ, không phải dân số già như một số nước khác trên thế giới, mỗi năm lực lượng lao động lại được bổ sung thêm rất nhiều lao động trẻ.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, trình độ chuyên môn của lao động trẻ cũng không ngừng được nâng cao để đáp ứng cho phù hợp. Bởi thế, tôi nghĩ việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động là không cần thiết”.

Trong khi đó, theo thống kê và tính toán, cơ cấu dân số của Việt Nam hiện nay (và dự báo trong những năm tới), lực lượng lao động trẻ vẫn chiếm tỉ lệ khá cao.
Trong khi đó, theo thống kê và tính toán, cơ cấu dân số của Việt Nam hiện nay (và dự báo trong những năm tới), lực lượng lao động trẻ vẫn chiếm tỉ lệ khá cao.

Cùng chung nỗi lo trên, Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh viên năm cuối chuyên ngành Ngôn ngữ, (ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, việc làm đang là vấn đề ‘nóng’ đối với các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Rất nhiều sinh viên ra trường rất khó kiếm được việc làm. Điều này do nhiều nguyên nhân như: kinh tế khó khăn, ngành nghề học đã bão hòa, chuyên môn không đáp ứng được nhu cầu công việc…

Bởi thế, nếu tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên nói riêng và lao động trẻ nói chung gặp nhiều khó khăn hơn”.

Sức ép về vấn đề việc làm đang đè nặng lên lao động trẻ nước ta.
Sức ép về vấn đề việc làm đang đè nặng lên lao động trẻ nước ta.

“Sinh viên các ngành về kỹ thuật, kinh tế… thì cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường có thể nhiều hơn, còn đối với sinh viên các chuyên ngành xã hội thì đây là thách thức lớn. Ví dụ như ngành ngôn ngữ của tôi đang học, nếu làm cho tư nhân thì rất khó vì không có nhu cầu, còn nếu làm trong môi trường nhà nước thì số lượng cũng rất ít.

Mỗi cơ quan nhà nước mỗi năm, thậm chí vài năm mới có một vài chỉ tiêu. Bây giờ lại tăng tuổi nghỉ hưu thì cơ hội kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn coi như không có”, Xuân chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo Xuân, trong đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH có đề cập đến “ngành nghề có chuyên môn cáo, công tác quản lý” nhưng mới chỉ nói chung chung, cần phải cụ thể hóa hơn nữa, ví dụ như những ngành thuộc lĩnh vực nào thì mới được tăng thêm tuổi nghỉ hưu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại