'Tâm tư' Đại biểu Quốc hội khi tín nhiệm cao bị... thấp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để khối hành pháp cạnh lập pháp đánh giá tín nhiệm sẽ khó so sánh, người ở khối hành pháp có tâm tư là đúng.

Nhiều ý kiến nệu tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) sáng 21/2 về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đồng tình với đề xuất tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm bởi sau khi “rất háo hức” thì cũng cần bình tĩnh lại xem xét để bổ sung, sửa đổi một số nội dung của NQ 35 sau lần triển khai đầu tiên.

Ông cho hay thực tế lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, khối bên dân cử người được lấy phiếu tín nhiệm thường được tín nhiệm cao, những chính sách pháp luật làm ra rất quan trọng nhưng người bên khối này ít va chạm trực tiếp với người dân, các quyết định cũng mang tính tập thể.

Khối hành pháp số phiếu tín nhiệm cao bị thấp (có vài trường hợp dưới 50%) vì cán bộ lãnh đạo ở khối này hay va chạm trực tiếp với những vấn đề người dân quan tâm.

Theo ông, nên bỏ bớt đánh giá ở khối dân cử, tập trung vào khối hành pháp để đánh giá đúng được mức độ hài lòng của ĐBQH và của người dân với công việc hàng ngày của chính quyền. Ngoài ra, 'điểm yếu' của kênh lấy phiếu tín nhiệm đó là chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ rất quan trọng chứ không phải đánh giá được tất cả các cán bộ rất quan trọng của Đảng.

“Lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong nhiều kênh nhận xét, đánh giá cán bộ của Đảng, vì thế, có người được phiếu tín nhiệm thấp ở QH nhưng lại được tín nhiệm cao trong nội bộ Đảng. Dù có đánh giá theo kênh nào và kết quả ra sao, phê bình thế nào thì quyết định cuối cùng về công tác cán bộ vẫn thuộc về Đảng”, ông nói.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng để khối hành pháp cạnh lập pháp đánh giá thì khó so sánh, người ở khối hành pháp có tâm tư là đúng.

Trưởng ban công tác ĐB Nguyễn Thị Nương cho rằng nên đưa các giám đốc Sở, ngành vào diện lấy phiếu tín nhiệm, dù họ không phải đối tượng được HĐND bầu nhưng lại phụ trách những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, cần được nhân dân giám sát.

Theo thông báo số 149, Bộ Chính trị cho biết sẽ căn cứ ý kiến của Hội nghị Trung ương 9 khóa 11 về việc lấy phiếu để sửa đổi, bổ sung quy định số 165về lấy phiếu tín nhiệm, tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định của Bộ Chính trị, ban Bí thư tại HN TW 10 khóa 11 QH, tiến hành sửa đổi nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Với tinh thần đó, ở những nơi cấp ủy chưa tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm thì dừng lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị.

QH và HĐND các cấp dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chờ hướng dẫn của Bộ chính trị sau Hội nghị TƯ 9 khóa 11 để thực hiện thống nhất trong thời gian tới.

Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết do sửa Nghị quyết 35 nên tại kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5 tới), QH sẽ không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc tiến hành trong các kỳ họp sau sẽ do QH quyết định sau khi sửa đổi xong nghị quyết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại