Sau khi xem clip tắm cho bé gây phẫn nộ, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Điểu dưỡng trưởng của Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) thảng thốt: “Thật quá dã man và không có đạo đức nghề nghiệp!”.
Trao đổi với phóng viên, bà Thủy nói, bà không thể tin được cô gái tắm cho trẻ sơ sinh trong clip là nữ điều dưỡng vì cô ta tắm sai quy trình toàn bộ.
“Không bao giờ được tắm cho trẻ trong cái chậu inox như thế. Tôi thấy cái chậu rất bẩn, dễ gây nhiễm khuẩn cho em bé. Người ta đã tạo ra một loại chậu riêng để tắm cho em bé tại sao không dùng?”, bà Thủy nói.
Theo điều dưỡng trưởng này, trước khi tắm phải rửa sạch chậu, dùng khuỷu tay thử nước xem đủ ấm chưa chứ không thể xả nước bừa bãi vào em bé như thế.
“Xả nước thẳng từ vòi thế biết nước nóng lạnh thế nào? Nếu nước nóng quá em bé sẽ bị bỏng, nước lạnh quá em bé dễ bị ốm.
Khi gội đầu phải ôm em bé lên, rửa mặt bằng khăn xong mới gội đầu chứ không được gội đầu dưới vòi nước. Cô y tá trong clip dùng tay kì vào mắt em bé thế là sai, làm vậy trẻ dễ bị đau mắt, lẽ ra phải dùng khăn lau nhẹ nhàng", bà Thủy phân tích.
Tuy nhiên, bà Thủy không đồng tình với phân tích của nữ hộ sinh Nguyễn Phương Huyền (khoa D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho rằng, khi tắm cần lau rốn cho trẻ bằng bông cồn 70 độ, rồi băng lại rốn.
Bà nhấn mạnh, theo quy trình mới, tắm xong không cần vệ sinh phần rốn, chỉ cần lau khô là được. Làm như nữ hộ sinh Huyền là "thừa thao tác".
Hình ảnh cắt từ clip
Nếu như chị Huyền cho rằng nữ hộ sinh cần phải đeo găng tay khi tắm cho trẻ thì bà Thủy khẳng định: “Không cần đeo găng tay vì tay của mình mới là sạch nhất. Hơn nữa, đeo găng làm sao cảm nhận được nhiệt độ nước. Làm thế là sai quy trình.
Nhân viên y tế rửa sạch tay tốt hơn là đeo găng. Không thể thay mỗi cháu một đôi găng được nên nếu không rửa tay trước khi đeo găng thì còn nguy hiểm hơn. Máy gì cũng không bằng con người được.
Dùng cùi tay thử nhiệt độ nước là chuẩn nhất. Đó là chuẩn quốc gia. Cảm thấy nước ấm là được”.
Bà Thủy nói thêm, Bệnh viện phụ sản Trung ương đã áp dụng quy trình tắm trên từ vài chục năm nay và theo bà, quy trình tắm cần đơn giản như vậy để người dân dễ thực hiện ở nhà.
“Hiện đại nữa thì mình tư vấn cho người nhà bé mua dụng cụ đo nhiệt độ nước”, bà cho hay.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc bệnh viện phụ sản Hải Phòng Vũ Văn Tâm nhận định, tắm bằng chậu không sạch bằng cách tắm theo vòi nước của.
Về điều này, bà Thủy phản pháo: “Làm gì có chuyên tắm cho bé bằng chậu thì bẩn hơn dùng vòi nước? Trước khi tắm cho bé chúng tôi đã cọ rửa chậu sạch sẽ, làm gì có chuyện bẩn?
Chúng tôi làm thế mấy chục năm nay rồi có bé nào bị nhiễm trùng, nhiểm khuẩn gì đâu. Tôi khẳng định, nếu rửa sạch chậu thì không bao giờ có chuyện lây chéo. Mỗi ngày chúng tôi tắm cho khoảng 150 bé, có chuyện gì xảy ra đâu?!”.
Trao đổi với phóng viên, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho hay, nếu xác định được clip tắm cho trẻ sơ sinh xảy ra ở bệnh viện nào thì phải có hội đồng chuyên môn để xem xét tính chất vụ việc.
Nếu có sai phạm sẽ đưa ra hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.
"Nếu lên cao nữa thì thanh tra người ta sẽ làm", ông nói.
> Cảnh tắm cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương:
Tắm cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương - Tháng 8/2015 - Phong Nguyên và nhóm cộng sự thực hiện.
> Mời xem clip tắm cho trẻ sơ sinh gây sốc trên mạng: